CTTĐT- Vừa qua, Bộ Tài chính đã có quyết định về việc xuất gạo dự trữ quốc gia hỗ trợ học sinh tại các trường ở khu vực có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn. Là một trong 14 tỉnh được nhận gạo hỗ trợ, trong đợt này tỉnh Yên Bái được nhận 700 tấn gạo.
Cổng thông tin điện tử tỉnh- Vừa qua, Bộ Tài chính đã có quyết định về việc xuất gạo dự trữ quốc gia hỗ trợ học sinh tại các trường ở khu vực có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn. Là một trong 14 tỉnh được nhận gạo hỗ trợ, trong đợt này tỉnh Yên Bái được nhận 700 tấn gạo.
Quyết định nêu rõ Tổng cục Dự trữ Nhà nước xuất cấp 11.330 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia để tạm ứng hỗ trợ cho học sinh trong 02 tháng đầu học kỳ I của năm học 2014 - 2015 theo quy định tại Quyết định số 36/2013/QĐ-TTg ngày 18/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ gạo cho học sinh tại các trường ở khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Bộ Tài chính yêu cầu Tổng Cục Dự trữ Nhà nước phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố tổ chức giao nhận gạo theo đúng quy định, đồng thời, tổng hợp nhu cầu hỗ trợ gạo cho học sinh của các địa phương để Bộ Tài chính ra Quyết định chính thức số gạo của học sinh, giảm trừ số gạo đã cấp tạm ứng.
Theo quy định tại Quyết định số 36/2013/QĐ-TTg, đối tượng được hỗ trợ gạo là học sinh tiểu học và trung học cơ sở đang học tại các trường phổ thông dân tộc bán trú; học sinh bán trú đang học tại các trường tiểu học và trung học cơ sở công lập ở khu vực có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn.
Học sinh là người dân tộc thiểu số có bố, mẹ hoặc người giám hộ hợp pháp có hộ khẩu thường trú tại xã, thôn có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn, không hưởng chế độ nội trú, có nhà ở xa trường hoặc địa hình cách trở không thể đi đến trường và trở về nhà trong ngày đang học tại các trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học công lập.
Các học sinh trên được hỗ trợ 15kg gạo/1 tháng/học sinh và được hưởng không quá 9 tháng/năm học/học sinh. Nguồn gạo hỗ trợ từ nguồn gạo dự trữ quốc gia.
Nhờ gạo của Chính phủ hỗ trợ, các em học sinh ở Yên Bái nói riêng và học sinh ở những vùng khó khăn của 14 tỉnh trong cả nước sẽ yên học tập, không bỏ lớp, bỏ trường. Bên cạnh đó, các gia đình học sinh đã bớt khó khăn hơn nên nhà trường đã vận động được các gia đình cho con đến trường, không giữ con ở nhà làm nương, làm rẫy. Thực tế cho thấy qua quá trình triển khai chính sách hỗ trợ gạo cho học sinh năm học vừa qua, nhân dân các địa phương đều đánh giá và ghi nhận chính sách hỗ trợ gạo cho học sinh là chính sách chính sách an sinh xã hội rất hợp lòng dân, nhất là các địa phương còn khó khăn về ngân sách.