Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Công tác dân tộc với các chính sách giảm nghèo

16/07/2015 09:29:54 Xem cỡ chữ

CTTĐT- Những năm qua, ngoài việc tập trung triển khai thực hiện, đảm bảo mọi chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc và chính sách đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tỉnh Yên Bái đã xây dựng và ban hành rất nhiều đề án, chính sách khuyến khích phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội trên địa bàn tỉnh, trong đó có những nội dung hết sức thiết thực đối với đồng bào dân tộc thiểu số.

Các chính sách dân tộc đã thực sự phủ đến đông đảo người dân tộc thiểu số, giúp bà con dân tộc thoát nghèo bền vững.

Yên Bái là một tỉnh miền núi nghèo với 30 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó dân tộc thiểu số chiếm gần 54 % dân số toàn tỉnh.  Xác định công tác dân tộc và thực hiện các chính sách dân tộc là nội dung quan trọng, gắn liền trong mọi lĩnh vực, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng của địa phương; là điều kiện tạo cơ hội để đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là hộ nghèo vùng khó khăn ổn định cuộc sống phất đấu vươn lên. Những năm qua, ngoài việc tập trung triển khai thực hiện, đảm bảo mọi chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc và chính sách đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tỉnh Yên Bái đã xây dựng và ban hành rất nhiều đề án, chính sách khuyến khích phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội trên địa bàn tỉnh, trong đó có những nội dung hết sức thiết thực đối với đồng bào dân tộc thiểu số.

Trong giai đoạn 2009 – 2014 Yên Bái đã chỉ đạo các ngành, các địa phương thực hiện đầy đủ, nghiêm túc có hiệu quả những chính sách ưu tiên về đầu tư, hỗ trợ của nhà nước đối với đồng bào các dân tộc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh; Ngoài những chính sách của Trung ương, trong phạm vi và điều kiện của địa phương, tỉnh Yên Bái đã xây dựng, ban hành trên 30 đề án, chính sách, bố trí ngân sách địa phương bình quân hàng năm trên 180 tỷ đồng nhằm hỗ trợ thúc đẩy, khuyến khích phát triển kinh tế, văn hoá - xã hội, củng cố hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh, nhất là vùng đặc biệt khó khăn;

Yên Bái đã tập trung chỉ đạo các sở, ngành thực hiện 15 chính sách cho vùng đồng bào DTTS và miền núi với tổng số vốn gần 5.000 tỷ đồng cho hơn 5.680 lượt hộ nghèo vay vốn hỗ trợ sản xuất; hỗ trợ hơn 37.680 lượt học sinh nghèo trong học tập... Trong đó, tỉnh cũng hỗ trợ 100% người dân thuộc đối tượng thụ hưởng trực tiếp theo Quyết định 102 của Chính phủ, với tổng kinh phí hơn 10 tỷ đồng... Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã quan tâm lồng ghép các chương trình, chính sách của Chính phủ và của tỉnh để thực hiện. Nhờ vậy, đời sống của đồng bào DTTS đã được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 5% đến 7%/năm.

Ngoài ra còn xây dựng nhiều đề án, chính sách để cụ thể hóa chính sách của Trung ương trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2009 - 2015 như: Đề án giảm nghèo bền vững;  phát triển giao thông nông thôn; đào tạo nghề cho lao động nông thôn; phát triển nguồn nhân lực y tế;  giao rừng, cho thuê rừng gắn liền với giao đất, cho thuê đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; Tăng cường, củng cố, phát triển hệ thống truyền thanh cơ sở; hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở trên địa bàn tỉnh Yên Bái...

Một số nội dung mang lại hiệu quả thiết thực, đi trước chính sách của Trung ương được đánh giá cao như: Mô hình trường bán trú dân nuôi, hỗ trợ học sinh nội trú gạo ăn, hỗ trợ học phí khi học chuyên nghiệp, hỗ trợ phục trang, bảo tồn văn hóa truyền thống. Tỉnh cũng đã thực hiện có hiệu quả Chương trình 135, Nghị quyết 30a, thực hiện tốt việc hỗ trợ làm nhà ở cho hơn 7.000 đối tượng là hộ nghèo, trong đó chủ yếu là các hộ nghèo người dân tộc thiểu số, thực hiện tốt việc hỗ trợ vốn vay phát triển sản xuất, đào tạo nghề và nhiều chính sách khác đối với vùng đồng bào dân tộc.

Đến nay, KT-XH  vùng dân tộc và miền núi Yên Bái đã đạt được những kết quả tích cực. Phần lớn đồng bào dân tộc thiểu số đã có sự chuyển biến về nhận thức, ý chí vươn lên thoát nghèo, không trông chờ ỷ lại vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện, cơ sở hạ tầng ngày càng được đầu tư, đã có nhiều tập thể, cá nhân điển hình tiêu biểu trong công cuộc đổi mới.

Trạm Tấu và Mù Cang Chải là 02 huyện đặc biệt khó khăn nằm trong 64 huyện nghèo trọng điểm của cả nước theo Nghị quyết 30a của Chính phủ. Nơi đây là địa bàn sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Mông. Những năm qua dưới sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự nỗ lực vươn lên của đồng bào các dân tộc cùng với sự phát triển chung của tỉnh, kinh tế - xã hội đã đạt được những kết quả tích cực, công tác xóa đói giảm nghèo đạt những kết quả đáng kể, đời sống đồng bào ngày càng được cải thiện, hệ thống kết cấuhạ tầng thiết yếu từng bướcđược đầu tư tăng thêm.

Tuy nhiên do xuất phát điểm còn thấp, đặc biệt là trình độ dân trí còn thấp, nhận thức của người dân nơi đây về phát triển kinh tế còn hạn chế…và nhiều lý do khách quan khác nên kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát triển nhưng còn chậm, chưa tương xứng với tiềm năng. Chất lượng sản phẩm nông sản thấp, giá cả không ổn định; chưa tận dụng hết đất đai hiện có, tập tục canh tác cũ chậm được đổi mới, quy mô sản xuất còn manh mún, chưa tạo ra sản phẩm hàng hoá và sức cạnh tranh hàng hoá trên thị trường, năng suất và sản lượng của một số cây trồng chưa cao, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, giảm nghèo chưa thật sự bền vững.

Trong thời gian tới tỉnh Yên Bái tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân, đồng bào dân tộc về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc;

Chỉ đạo thực hiện đồng bộ, lồng ghép có hiệu quả các Chương trình, chính sách, Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại vùng dân tộc và miền núi; trong đó tập trung và chủ động triển khai tổ chức thực hiện các chính sách: Chương trình 135, Chương trình 30a tại huyện nghèo Trạm Tấu và Mù Cang Chải, Chương trình xây dựng nông thôn mới, Chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn…

Phát triển sản xuất, ổn định dân cư, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, đẩy nhanh công tác xóa đói giảm nghèo như: Phát triển đa dạng các cây trồng, vật nuôi có lợi thế; thực hiện chuyển đổi từ chăn nuôi phân tán, thả rông sang phát triển chăn nuôi trang trại, kết hợp chăn nuôi và trồng rừng; đầu tư, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; xây dựng chính sách hỗ trợ, thu hút đầu tư phát triển công nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm cho đồng bào;bảo vệ môi trường góp phần xóa đói giảm nghèo.

Tập trung thực hiện hiệu quả chương trình hỗ trợ di dân, định canh, định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số; giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; Quy hoạch, bảo tồn và phát triển các làng nghề truyền thống; tạo môi trường thuận lợi để thu hút mọi nguồn lực vào phát triển kinh tế - xã hội của 02 huyện; hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng, giải quyết việc làm cho lao động là người dân tộc thiểu số sinh sống ở 2 huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải.

Phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội,  tăng cường đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ việc nghiên cứu và nhân giống cây trồng, vật nuôi; quy hoạch sắp xếp, ổn định dân cư, đảm bảo môi trường sống, môi trường sản xuất, giảm thiểu ô nhiễm môi trường gắn với đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và xây dựng nông thôn mới.

Phát triển giáo dục, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tiếp tục rà soát, bổ sung, điều chỉnh, tăng cường mạng lưới các trường, cơ sở giáo dục, đặc biệt quan tâm tới hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú; nghiên cứu dạy và học ngôn ngữ dân tộc thiểu số; tăng cường số lượng, chất lượng đội ngũ giáo viên là người dân tộc thiểu số. Khuyến khích việc dạy và học nghề, phát triển các loại mô hình dạy nghề gắn với các doanh nghiệp phù hợp với phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương; có cơ chế chính sách đối với các cơ sở dạy nghề và học viên tham gia học nghề phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế.

Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền; củng cố an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội đối với 2 huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải, phát huy khối đại đoàn kết các dân tộc; thực hiện tốt công tác Tôn giáo, chủ động giải quyết kịp thời các mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, không để xảy ra “điểm nóng” đặc biệt là khiếu kiện đông người… và lợi dụng các vấn đề về tôn giáo để lợi dụng kích động, lôi kéo chia rẽ khối đại đoàn kết các dân tộc; thực hiện tốt công tác rà soát, đánh giá, quy hoạch, luân chuyển, đào tạo, đãi ngộ, thu hút các cá nhân, nhà quản lý giỏi người dân tộc thiểu số; xây dựng chính sách giải quyết việc làm cho học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp.

Phát triển toàn diện văn hóa, xã hội vùng dân tộc; quan tâm phát triển toàn diện văn hóa dân tộc thiểu số, giữ gìn, bảo tồn, tôn vinh và phát huy bản sắc văn hóa, ngôn ngữ, chữ viết, tập quán, tín ngưỡng truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số; xây dựng nếp sống văn minh, bài trừ mê tín, dị đoan, hủ tục lạc hậu; phát triển các dịch vụ phát thanh, truyền hình, viễn thông và công nghệ thông tin đáp ứng nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của người dân 2 huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải.

 

Trong 5 năm qua, thực hiện các chương trình đầu tư phát triển, Yên Bái đã đầu tư 755 tỷ đồng xây dựng được 1.063 công trình lớn nhỏ, duy tu 272 công trình; thực hiện hỗ trợ phát triển cho gần 5.700 lượt hộ nghèo, tập huấn cho 37.500 lượt cán bộ xã, thôn bản, dạy nghề cho 2.500 thanh niên, hỗ trợ gần 37.700 lượt học sinh là con hộ nghèo học tập, hỗ trợ trực tiếp cho 886.327 lượt dân thuộc hộ nghèo vùng khó khăn với kinh phí 81,6 tỷ đồng; thực hiện hỗ trợ làm nhà ở cho 7.145 đối tượng hộ nghèo với kinh phí 149 tỷ đồng; ngân hàng chính sách giải ngân 1.700 tỷ đồng với 101.122 hộ...

Thanh Thủy