Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Trồng cây sơn tra để thoát nghèo

12/08/2015 14:54:37 Xem cỡ chữ

CTTĐT- Những người dân xã La Pán Tẩn đã tìm ra hướng thoát nghèo từ trồng cây sơn tra. Đây cũng là cách để người dân nơi đây bảo vệ giống cây đặc sản của vùng đất này.

Cây sơn tra đã và đang trở thành cây giúp người dân Mù Cang Chải thoát nghèo.

Như nhiều phụ nữ Mông khác trong xã chị Lý Thị Xua cũng đã hiểu được cái đói, cái nghèo sẽ mãi theo người phụ nữ đến hết cuộc đời nếu bản thân người phụ nữ không tự bản thân vươn lên thoát nghèo.  Chính vì vậy chị đã mạnh dạn chuyển diện tích lúa một vụ sang cấy 2 vụ và diện tích ngô của gia đình từ một vụ sang hai vụ, mạnh dạn đưa giống mới vào sản xuất.

Đặc biệt gia đình chị còn trồng 2 ha cây sơn tra cho thu nhập từ 170 – 180 triệu đồng. Đây thực sự là một con số ấn tượng nếu như biết rằng trước đây cây sơn tra ở Mù Cang Chải chủ yếu phát triển tự nhiên, hoang dã, không được quản lý thì đến nay, diện tích này đã được giao cho các hộ quản lý, chăm sóc. Trước đây, tác dụng và hiệu quả của cây sơn tra chưa được mọi người biết đến, nên thu nhập của gia đình chị không nhiều. Những năm gần đây, khi quả sơn tra có thị trường tiêu thụ nên gia đình chị Xua đã có thu nhập ổn định hơn trăm triệu đồng mỗi năm nhờ tiền bán quả. Loại cây này rất phù hợp với điều kiện khí hậu ở đây nên sinh trưởng nhanh. Cùng với thu nhập từ sơn tra, thảo quả và lúa, gia đình tôi không thiếu ăn như trước nữa, mà còn có tiền mua sắm đồ dùng trong gia đình và cho con ăn học.

Cũng giống như gia đình chị Xua gia đình anh Lù A Lu ở bản Phình Ngài có 3 ha sơn tra, trong đó 1 ha đã cho thu hoạch, mỗi năm gia đình anh thu từ 50 đến 60 triệu đồng.  Trước đây, cây sơn tra ở Mù Cang Chải chủ yếu phát triển tự nhiên, hoang dã, không được quản lý thì đến nay, diện tích này đã được giao cho các hộ quản lý, chăm sóc. Bởi vậy, những năm gần đây nhờ tiền bán quả sơn tra mà nhiều hộ ở bản Lùng Cúng, Phình Ngài không còn thiếu ăn như trước, từng bước thoát nghèo bền vững. Anh Lu bảo: Trước đây cây này bị bỏ mặc cho trâu bò phá hoặc để quả chín rụng quanh gốc mà chẳng ai thèm nhặt. Từ khi bán được quả thì nhà nào trong bản cũng nhận bảo vệ và trồng thêm. Mấy năm gần đây, năm nào mình cũng trồng thêm nên giờ có hơn 3 ha rồi. Nhờ tiền bán quả mà cả nhà mình không còn đói như trước nữa, có cuộc sống ổn định, mua được nhiều đồ dùng sinh hoạt trong gia đình.

Tại xã La Pán Tẩn, hiện có 300 ha sơn tra đang cho thu hoạch, cùng với việc chăm sóc, bảo vệ rừng phòng hộ thì cây sơn tra đã bén rễ từ lâu trên rừng. Ðến nay cây sơn tra là cây xóa đói, giảm nghèo, vừa giữ rừng đầu nguồn, giữ nguồn nước, đồng bào có tiền từ việc bán quả. Xã khuyến khích người dân giữ rừng đi đôi với trồng mới cây sơn tra, những diện tích đất dốc trước đây làm lúa nương không hiệu quả cũng chuyển đổi trồng ngô và sơn tra.

Diện tích cây sơn tra ở xã Nậm Có chủ yếu tập trung ở hai bản Lùng Cúng và Phình Ngài, nằm trên độ cao hơn 1.500 m so với mực nước biển. Ðược thiên nhiên ưu đãi, cây sinh trưởng tốt, diện tích cây sơn tra nằm xen kẽ với rừng phòng hộ, nên nhiều cây có độ tuổi hàng trăm năm có đường kính từ 60 đến 70 cm, cho thu hoạch hơn một tạ quả mỗi cây. Hiện xã Nậm Có có gần 230 ha sơn tra và nằm trong diện tích rừng phòng hộ. Trong đó, 111 ha hơn bảy năm tuổi cho thu hoạch mỗi năm gần 300 tấn quả. Hiệu quả kinh tế của cây sơn tra đang làm thay đổi nhận thức của người dân. Những năm gần đây, bà con trong xã đã trồng mới 13 ha.

Xác định cây sơn tra là một trong những cây xóa đói, giảm nghèo nên những năm gần đây Mù Cang Chải đã căn cứ vào độ cao, thổ nhưỡng, vùng quy hoạch và bảo vệ rừng để phát triển cây sơn tra một cách bền vững. Vì vậy huyện đã có các biện pháp tuyên truyền đến người dân để bảo vệ tốt diện tích hiện có và trồng thêm khoảng 1.000 ha trong năm năm tới, chủ yếu ở các xã Nậm Có, Nậm Khắt, Lao Chải và một số xã khác.

Hiện huyện Mù Cang Chải cũng đang xây dựng Ðề án phát triển cây sơn tra, trong đó chú trọng nâng cao chất lượng cây giống để tạo ra vùng chuyên canh hàng hóa lớn và dần xây dựng thương hiệu sơn tra Mù Cang Chải một cách bền vững.

Huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) hiện có hơn 1.200 ha sơn tra (hay còn gọi là táo mèo) sản lượng hằng năm ước đạt 1.700 tấn quả. Với giá bán từ 20 đến 30 nghìn đồng/kg quả tươi, tổng số tiền thu về khoảng 30 tỷ đồng. Những năm gần đây, cây sơn tra đã thật sự mang lại nguồn thu đáng kể, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào các dân tộc nơi đây.

 

Thanh Thủy