Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Nhìn lại những thành quả giảm nghèo

20/08/2015 14:20:19 Xem cỡ chữ

Trong nhiều năm qua, mục tiêu giảm nghèo là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Nhiệm vụ xóa đói, giảm nghèo (XĐGN) đã từng bước được thể chế hóa thông qua việc xây dựng pháp luật, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, mục tiêu và chính sách cụ thể với phương châm “kết hợp hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và thực hiện công bằng, tiến bộ xã hội”.

Trao quà cho gia đình nghèo người dân tộc Mông ở Cao Bằng.

Kết quả giảm nghèo chưa thật sự vững chắc

Cũng theo ông Ngô Trường Thi, thành tựu XĐGN tuy lớn, nhưng nhìn chung kết quả giảm nghèo vẫn chưa thật sự vững chắc, tỷ lệ hộ tái nghèo hằng năm còn cao, đặc biệt là ở những huyện miền núi, vùng cao, biên giới. Việc dạy nghề chưa thực sự gắn với nhu cầu; việc cho vay tín dụng ưu đãi chưa gắn với hỗ trợ và hướng dẫn về sản xuất, khuyến nông một cách hiệu quả. Chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học và chống tái mù chữ còn thấp, dẫn đến mặt bằng học vấn của người dân chưa được nâng lên như mong muốn; tỷ lệ tái mù chữ ở những nhóm dân tộc rất ít người còn cao. 

Trong khi đó, vùng đặc biệt khó khăn ở nước ta hiện nay chủ yếu là vùng đồng bào DTTS và miền núi. Mặc dù, tỷ lệ nghèo đã giảm nhanh, nhưng tỷ lệ nghèo trong vùng đồng bào DTTS, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn còn nhiều. Trong số hơn 10 triệu người nghèo nhất cả nước hiện nay, hầu hết là cư dân nông thôn miền núi và đồng bào DTTS (chiếm gần 50%). Có thể nói, đây vẫn là “rốn nghèo”, là nơi tập trung nhiều người nghèo nhất. Đồng bào DTTS (trong đó có trẻ em) ở nhiều nơi vẫn khó tiếp cận với dịch vụ y tế do chi phí cho khám chữa bệnh cao, đi lại khó khăn, chất lượng khám chữa bệnh còn thấp...

Ngoài ra, công tác giảm nghèo còn hạn chế là do điều kiện kinh tế - xã hội địa lý của các địa bàn nghèo nhất còn khó khăn, do xuất phát điểm thấp, kinh tế phát triển chậm, khí hậu và thời tiết khắc nghiệt, thiếu nguồn nước, trình độ dân trí thấp..., vẫn còn sự tồn tại một số phong tục tập quán lạc hậu trong một số địa bàn đồng bào DTTS. Một số chính sách chưa gắn với điều kiện tham gia của người nghèo nên hiệu quả giảm nghèo còn chưa cao ở một số địa phương, một số bộ phận cán bộ và người nghèo còn tư tưởng ỷ lại, trông chờ chính sách Nhà nước. Việc chưa thực sự lồng ghép chính sách giữa các chương trình, dự án đã ảnh hưởng đến hiệu quả giảm nghèo. Vì vậy, XĐGN vẫn phải được tiếp tục thực hiện đồng thời cùng với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Đâu là giải pháp?

Mục tiêu tổng quát của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 là đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo, hạn chế tái nghèo; tạo điều kiện để người nghèo, hộ nghèo tại các địa bàn nghèo tiếp cận một cách tốt nhất các dịch vụ xã hội cơ bản (y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt, vệ sinh…), góp phần giảm số hộ nghèo bình quân cả nước từ 1- 1,5%/năm theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016-2020, trong đó số hộ nghèo trên địa bàn các huyện, xã nghèo giảm bình quân trên 4%/năm.

Theo Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Ksor Phước: Mặc dù có đầu tư rất lớn nhưng so với nhu cầu, vấn đề giảm nghèo ở vùng có đông bà con DTTS, vùng sâu, vùng xa vẫn chưa đạt được. Do đó, cần đổi mới về xây dựng chính sách, nâng cao hiệu quả, chất lượng triển khai các chương trình giảm nghèo, cần rà soát lại hiệu quả thực sự của từng chính sách để tạo động lực giảm nghèo cho người dân và để khuyến khích người dân chủ động vươn lên. Chú trọng nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả, phát huy sự tham gia của người dân và cộng đồng trong giảm nghèo... cũng như xem xét xây dựng các mô hình liên kết mang tính bền vững, trọng tâm, trọng điểm hơn, có chính sách khuyến khích mạnh mẽ hơn để  thúc đẩy, kích thích các doanh nghiệp đầu tư ở vùng DTTS, vùng sâu, vùng xa. “Cần bước đột phá về tư duy, hoàn thiện chính sách các doanh nghiệp đầu tư vào vùng này và giải quyết công ăn việc làm giúp nông dân, đồng bào DTTS”  - Ông Ksor Phước nói.

 

(Theo Molisa.gov.vn)