Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Giải pháp giảm nghèo bền vững và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh Yên Bái

21/09/2015 15:50:04 Xem cỡ chữ

CTTĐT - Xóa đói giảm nghèo là chủ trương, chính sách lớn, một trong những nhiệm vụ hàng đầu mà Đảng, Nhà nước đã đề ra, nhằm thực hiện mục tiêu tăng trưởng bền vững gắn với việc bảo đảm công bằng xã hội. Thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn vừa qua.

Trong 5 năm qua tổng nguồn lực huy động cho chương trình giảm nghèo, an sinh xã hội toàn tỉnh đạt trên 6.800 tỷ đồng.)

Những năm qua, tỉnh Yên Bái đã triển khai 11 nhóm chính sách, dự án và các giải pháp tổng thể chung mà trung ương chỉ đạo, ban hành bao gồm: công tác truyền thông nâng cao năng lực, huy động nguồn lực đầu tư, đào tạo nghề gắn với tạo việc làm, xuất khẩu lao động, xây dựng và nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững, thực hiện chính sách hỗ trợ vật chất trực tiếp cho người nghèo, chế độ ưu đãi cho người có công với cách mạng, chính sách an sinh xã hội- bảo trợ xã hội, lồng ghép các nguồn vốn trong thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ đối với 2 huyện nghèo Trạm Tấu, Mù Cang Chải...

Ngoài chính sách chung, tỉnh Yên Bái đã ban hành một số đề án chính sách đặc thù về giảm nghèo và an sinh xã hội như: Hỗ trợ phát triển sản xuất nông lâm nghiệp, thủy sản vùng đặc biệt khó khăn và vùng sản xuất hàng hóa theo Nghị quyết số 40/2011/NQ-HĐND; Hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội áp dụng đối với các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2011- 2015 ngoài huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải theo Nghị quyết số 20/2011/NQ-HĐND; Đề án Chính sách hỗ trợ hộ gia đình người có công khó khăn về nhà ở tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2012-2015 theo Nghị quyết số 03/2012/NQ-HĐND; Chính sách hỗ trợ chăn nuôi trâu, bò cho hộ người có công với cách mạng có thu nhập thấp giai đoạn 2013- 2016 thoe Nghị quyết số 17/2013/NQ-HĐND; Chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội đối với các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn; chính sách khuyến khích phát triển vùng sản xuất hàng hoá tỉnh Yên Bái năm 2015 đến năm 2016 theo Nghị quyết số 13/2014/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh.

Trong 5 năm qua tổng nguồn lực huy động cho chương trình giảm nghèo, an sinh xã hội toàn tỉnh đạt trên 6.800 tỷ đồng, trong đó, đã tuyển mới đào tạo nghề cho 55.019 người. Đến hết năm 2014, tỷ lệ lao động qua đào tạo toàn tỉnh đạt 42,6% trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 28,7%; Giải quyết cho trên 26.441 lượt hộ nghèo, 3.200 hộ cận nghèo được xét duyệt cho vay vốn phát triển sản xuất.

Mỗi năm cấp phát miễn phí khoảng 400 nghìn thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số vùng khó khăn, đối tượng người có công, bảo trợ xã hội và trẻ em dưới 6 tuổi, góp phần nâng tỷ lệ số người dân tham gia bảo hiểm y tế trên phạm vi toàn tỉnh lên 84% hiện nay.

Thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ trực tiếp về tiền mua dầu hoả thắp sáng, tiền điện, giáo dục và đào tạo, nước sạch sinh hoạt, đất sản xuất… Có trên 2.558 hộ nghèo, hộ gia đình chính sách người có công và cựu chiến binh khó khăn về nhà ở được hỗ trợ kinh phí làm nhà; gần 21.000 đối tượng bảo trợ xã hội được trợ cấp hàng tháng. Trợ giúp cho 6.200 hộ nghèo, hộ thuộc chính sách người có công được hỗ trợ trâu bò giống và lợn nái sinh sản. Giải quyết chế độ, chính sách đầy đủ và kịp thời cho trên 7.000 người có công và thân nhân hưởng trợ cấp thường xuyên hàng tháng.    

Thông qua việc thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách, chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm từ 32,53% cuối năm 2011 xuống còn 20,56% cuối năm 2014 (bình quân giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh trên 4%/năm, riêng 2 huyn Trạm Tấu và Mù Cang Chải trên 6%/năm), vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra; góp phần ổn định xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững, an sinh xã hội được đảm bảo. Đối tượng thụ hưởng chính sách tin tưởng, phấn khởi và tạo sự đồng thuận cao trong quá trình tổ chức triển khai ở địa phương và cơ sở. Các chính sách về người có công và an sinh xã hội được triển khai kịp thời, đủ số lượng, đúng đối tượng. Bộ mặt nông thôn được thay đổi theo hướng tích cực, nhất là địa bàn vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống vật chất, văn hoá, tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt, số lượng gạo cứu đói dịp tết nguyên đán, dịp giáp hạt giảm đi hàng năm. Cơ sở hạ tầng và phúc lợi xã hội như: trường học, bệnh viện, đường giao thông, thuỷ lợi… được cải thiện cơ bản, đáp ứng được nhu cầu thiết yếu về sản xuất, đi lại, khám chữa bệnh và học tập của nhân dân. [Nhận thức của nhân dân về công tác giảm nghèo đã có sự chuyển biến và nâng cao rõ rệt, nhóm hộ nghèo, hộ có thu nhập thấp và nhóm hộ ở vùng cao đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất tạo ra sản phẩm hàng hoá, biết kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm làm ra để có thu nhập, vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng.

Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, theo dự kiến của Trung ương giai đoạn 2016-2020 chuẩn nghèo sẽ được điều chỉnh theo hướng nâng lên sát với chuẩn nghèo của thế giới và khu vực; xác định nghèo đa chiều (ngoài đánh giá về thu nhập, còn đánh giá về mức độ thiếu hụt về các nhu cầu xã hội cơ bản như y tế, giáo dục, điều kiện sống, tiếp cận thông tin, bảo hiểm và trợ giúp xã hội). Như vậy, tỷ lệ hộ gia đình nghèo chắc chắn sẽ tăng cao hơn nhiều. Mục tiêu những năm tới theo dự thảo văn kiện Đại hội lần thứ XVIII của Đảng bộ tỉnh Yên Bái là giảm bình quân 3,5% hộ nghèo hàng năm, cao gần gấp 2 lần mức giảm bình quân cả nước, đó là thể hiện sự quyết tâm, nhưng cũng là một thách thức đòi hỏi sự phấn đấu nỗ lực cao của cả hệ thống chính trị.

Để tiếp tục phát huy những thành quả đã đạt được trong công tác giảm nghèo bền vững và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh trong 5 năm qua, phấn đấu hoàn thành mục tiêu và các giải pháp giảm nghèo bền vững trong giai đoạn 2016 -2020 như: Tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở; có nghị quyết, chỉ thị chuyên đềchương trình hành động cụ thể của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp để lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai được hiệu quả.

Đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, các chính sách về giảm nghèo, chính sách trợ giúp xã hội để nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, trong đó trước tiên là nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo, trợ giúp xã hội và đặc biệt là nâng cao nhận thức của người dân thuộc hộ nghèo để khơi dậy ý chí chủ động vươn lên thoát nghèo. Tổ chức cho các hộ dân trên địa bàn nghèo, đặc biệt khó khăn đề xuất nhu cầu hỗ trợ một cách thiết thực nhất.

Thực hiện tốt vai trò tham mưu của cơ quan thường trực Ban chỉ đạo giảm nghèo các cấp trong việc phối hợp giữa các ngành, các cấp, triển khai các đề án giảm nghèo, các dự án hỗ trợ người nghèo, tạo điều kiện cho người nghèo tiếp cận với các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước để vươn lên thoát nghèo, thực hiện thắng lợi mục tiêu giảm nghèo theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra; đồng thời thường xuyên chủ động thực hiện tốt việc cứu trợ đột xuất cho người dân gặp thiên tai, hỏa hoạn, bão lũ, thiếu đói giáp hạt; thực hiện tốt các chế độ trợ giúp xã hội cho đối tượng hưởng trợ cấp xã hội trên địa bàn.

Huy động tối đa nguồn lực cho công tác giảm nghèo, đồng thời triển khai thực hiện tốt lồng ghép các chương trình giảm nghèo trong việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn; thực hiện đồng bộ các chính sách, dự án giảm nghèo, đặc biệt quan tâm đến việc lồng ghép các chương trình, dự án có mục tiêu, hoạt động giảm nghèo để nâng cao hiệu quả giảm nghèo, gắn với thực hiện chính sách trợ giúp xã hội để trợ giúp đối với có hoàn cảnh khó khăn. Tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị quyết 30a của Chính phủ đối với 2 huyện nghèo Trạm Tấu, Mù Cang Chải.

Đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả trong giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động theo yêu cầu của thị trường, nhu cầu xã hội; đồng thời tập trung nâng cao chất lượng dạy nghề, hiệu quả dạy nghề. Chuẩn hóa trình độ và kỹ năng nghề đối với giáo viên dạy nghề. Tăng khả năng cạnh tranh giữa các cơ sở dạy nghề, phân công ngành nghề đào tạo giữa các cơ sở dạy nghề theo hướng tập trung, chuyên sâu. Đẩy mạnh đào tạo nghề theo đơn đặt hàng, theo địa chỉ sử dụng của doanh nghiệp, đào tạo nghề theo nhu cầu thị trường lao động.

Quản lý và thực hiện tốt các chế độ chính sách đối với người có công với cách mạng; đẩy mạnh phong trào "đền ơn đáp nghĩa", quản lý và sử dụng có hiệu quả "Quỹ đền ơn đáp nghĩa", xây dựng xã, phường làm tốt công tác thương binh liệt sĩ và người có công, đảm bảo cho các đối tượng chính sách có cuộc sống ổn định về đời sống vật chất và tinh thần.

Thực hiện nghiêm túc công tác điều tra, rà soát hộ nghèo theo quy định. Đánh giá, phân tích và xác định chính xác, thực chất tỷ lệ hộ nghèo, nguyên nhân nghèo đối với từng hộ gia đình, từ đó có giải pháp cụ thể để thực hiện các chương trình, dự án hỗ trợ thoát nghèo bền vững. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện gắn với sơ kết, tổng kết thực tiễn, rút ra bài học kinh nghiệm trong công tác tổ chức triển khai chương trình giảm nghèo, trợ giúp xã hội.

Hồng Hạnh