Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Dự án Giảm nghèo giai đoạn 2 - Góp phần giảm nghèo và đẩy mạnh phát triển kinh tế nông thôn

30/10/2015 09:51:33 Xem cỡ chữ

CTTĐT - Dự án Giảm nghèo giai đoạn 2 tỉnh Yên Bái thực hiện từ năm 2010, nhưng đến năm 2011 các hoạt động sinh kế mới bắt đầu được triển khai. Sau gần 5 năm thực hiện dự án, các hoạt động sinh kế nói riêng đã hỗ trợ cho các hộ dân, các nhóm đồng sở thích thuộc 351 thôn/bản thuộc 40 xã trên địa bàn 5 huyện vùng dự án.

Nhờ Dự án Giảm nghèo giai đoạn 2 -các hộ gia đình người dân nơi đây được mùa ngô, lúa, chăn nuôi…

Mục tiêu của tiểu hợp phần hỗ trợ kinh tế và dịch vụ sản xuất là cải thiện và đa dạng cơ hội sinh kế của các hộ gia đình thông qua phát triển bền vững các dịch vụ khuyến nông, khuyến công, công nghệ chế biến, thú y, thúc đẩy các mô hình sản xuất kinh doanh hiệu quả, phù hợp với nhu cầu địa phương.

Hỗ trợ hoạt động sinh kế thông qua các nhóm Đồng sở thích Chiến lược và cách tiếp cận trong hỗ trợ phát triển sinh kế của Dự án được xây dựng dựa trên kết quả phân tích hiện trạng các hoạt động sinh kế của người dân trong vùng. Yếu tố cốt lõi của chiến lược và cách tiếp cận hỗ trợ sinh kế của dự án là kết hợp, liên kết các hộ gia đình sản xuất nhỏ lẻ thành các nhóm đồng sở thích (gọi tắt là CIG) để cùng thực hiện các hoạt động sinh kế chung. Điều này sẽ giúp các thành viên CIG dễ dàng hơn trong việc tiếp cận nguồn lực đầu vào, các dịch vụ hỗ trợ sản xuất, chăn nuôi như dịch vụ thú y, khuyến nông, tiếp cận thị trường mua giống, vật tư đầu vào và thị trường bán sản phẩm; đồng thời giúp cải thiện giá trị gia tăng từ các hoạt động sản xuất và qua đó cải thiện hiệu quả sản xuất.

Thực hiện mục tiêu đó, giai đoạn 2010 -2015, tiểu hợp phần hỗ trợ kinh tế và dịch vụ sản xuất đã hỗ trợ đầu tư cho 1.250 Tiểu dự án (TDA) với tổng vốn kế hoạch giao là  65.797,006 triệu đồng, trong đó vốn WB là 65.267,850 triệu đồng; vốn đối ứng là 529,156 triệu đồng. Thực tế thực hiện là 1.203 TDA với tổng vốn là 64.702,960 triệu đồng, trong đó vốn WB là 64.143,617 triệu đồng; vốn đối ứng là 559,343 triệu đồng; đạt 98% kế hoạch giao.

Ngoài ra còn có nguồn vốn dân tự đóng góp bằng công lao động, các nguyên vật liệu, thức ăn bổ sung trong chăn nuôi mà người dân có thể tự túc được tương đương với 23.937,250 triệu đồng. So với kế hoạch, thực tế không thực hiện là 47 TDA do không khả thi hoặc thời điểm thực hiện người dân không có công cụ, dụng cụ sản xuất đáp ứng yêu cầu như thời điểm lập kế hoạch. Đến thời điểm báo cáo đã hoàn thành 1.155 TDA, còn 48 TDA chưa kết thúc chu kỳ do mới thực hiện trong kế hoạch bổ sung 2014...

Sự hỗ trợ của dự án thông qua các hoạt động sinh kế đã mang lại tác động kinh tế hữu hình cho người hưởng lợi. Từ vốn đầu tư ban đầu giúp người dân có nguồn tài chính để thực hiện các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nhiều nhóm Đồng sở thích (CIGs) đã bước vào chu kỳ sản xuất thứ 2, thứ 3. Đặc biệt có nhiều nhóm tham gia hoạt động của dự án từ năm 2011, 2012 đã bước sang chu kỳ 5,6,7, chiếm 2,5% tổng số nhóm CIGs. Các nhóm CIGs không chỉ tiêu thụ sản phẩm trong gia đình mà còn đem bán để tăng thu nhập. Đồng thời tiết kiệm một phần tiền bán được để tái đầu tư vào chu kỳ sản xuất tiếp theo. Các nhóm CIGs tái sản xuất bằng nguồn lực của chính các thành viên trong nhóm với sự hỗ trợ tối thiểu từ dự án. Điều này đã làm gia tăng tác động của dự án và thể hiện tính bền vững của các nhóm CIGs ngay cả khi dự án kết thúc.

Bên cạnh những lợi ích kinh tế, hai lợi ích từ sự hỗ trợ của Dự án đã được người hưởng lợi công nhận bao gồm: Đào tạo về kỹ thuật: Cung cấp các kiến thức, kỹ năng về lựa chọn cây/con giống, chăm sóc, phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi, cây trồng; tăng cường ý thức bảo vệ môi trường thông qua việc xử lý chất thải trong chăn nuôi...; Hoạt động nhóm: làm việc theo tổ nhóm, có quản lý, hỗ trợ lẫn nhau; thực hiện ghi chép và tính toán hiệu quả kinh tế cho mỗi chu kỳ sản xuất; làm quen dần với việc sàn xuất gắn với thị trường; các nhóm phụ nữ có cơ hội được tham gia ý kiến và chủ động lựa chọn loại hình sinh kế để thực hiện...

Đến nay trong toàn vùng dự án đã có 1.977 nhóm Đồng sở thích (CIG) được thành lập. Hoạt động nhóm tích cực là nhân tố chính cho sự thành công của mô hình tổ chức sản xuất dưới hình thức nhóm. Thời điểm mới triển khai cáọ hoạt động sinh kế, các nhóm CIG còn dè dặt, lúng túng trong vận hành Tiểu dự án, các hoạt động nhóm cũng chưa được thực hiện đều đặn.

Sau gần 5 năm triển khai, hoạt động nhóm đã trở nên gần gũi và phát huy hiệu quả. Qua điều tra khảo sát mẫu trên 633 TDA, cuối năm 2014, cho kết quả như sau: 94,6% nhóm CIG họp đinh kỳ ít nhất 1 lần/tháng; 88,9% nhóm CIG có hồ sơ nhóm; 54% nhóm CIGs có quỹ nhóm; 91,2% nhóm có sự trao đổi thông tin thị trường trong nhóm; 96,4% nhóm CIG có sự đổi công lao động trong nhóm; 100% các trưởng nhóm nắm được tình hình sản xuất kinh doanh của các nhóm. Hoạt động nhóm nhìn chung đã có nhiều tiến bộ, đi sâu vào chất lượng.

Các thành viên nhóm thường xuyên gặp gỡ để thảo luận những vấn đề gây cản trở sản xuất của nhóm, chia sẻ thông tin thi trường và xác định giải pháp tiếp cận thị trường tốt nhất. Đây cũng là cơ hội để những nông dân giỏi hơn trong nhóm chia sẻ kinh nghiệm với những thành viên khác. Hiệu quả hoạt động nhóm do đó cũng rõ rệt hơn. Một số nhóm đã thành lập quỹ để hỗ trợ các thành viên trong nhóm trong trường hợp cần thiết. Một số nhóm khác thực hiện hỗ trợ các thành viên ngoài nhóm về kiến thức và kinh nghiệm trong sản xuất. Nhiều nhóm đã biết tận dụng ưu thế nhóm, sản xuất tập trung vói số lượng lớn để chiếm lợi thế trong các thỏa thuận mua, bán.

Ví dụ như một nhóm nuôi lợn ở xã Xuân Tầm, huyện Văn Yên đã có sự thỏa thuận với người cung cấp giống và thức ăn chăn nuôi đảm bảo rằng ngoài việc cung cấp giống và thức ăn, người cung cấp sẽ bao tiêu toàn bộ sản phẩm đầu ra từ hoạt động này của nhóm. Nhờ đó cả 2 bên đều có lợi, đặc biệt là những hộ ở xa chợ. Các thành viên trong nhóm cùng hỗ trợ nhau cả trong sản xuất và trong cuộc sống. Nhóm cũng thường xuyên họp nhóm, trao đổi thông tin và quyết định cùng nhau chủ động đưa sản phẩm đến thị trường thông quan các gian hàng tại các lễ hội địa phương và một gian hàng cố định trên trục đường chính của xã. Những cách thức này được phát triển chính từ hoạt động nhóm và càn được nhân rộng.

Đến hết năm 2014, có 16.823 hộ nghèo nhận được hỗ trợ từ các hoạt động sinh kế của dự án, chiếm trên 70% sổ hộ hưởng lợi. Trong đó huyện Mù Cang Chải là 4.126 hộ, huyện Trạm Tấu là 2.304 hộ, huyện Văn Chấn là 3.987 hộ, huyện Lục Yên là 3.384 hộ, huyện Văn Yên là 3.022 hộ. So với số liệu hộ nghèo năm 2013, đến hết năm 2014 số hộ nghèo trên địa bàn dự án đã giảm 12,7%. Như vậy sự hỗ trợ của Dự án Giảm nghèo thông qua các hoạt động sinh kế đã góp phần giúp cuộc sống người dân được cải thiện.

Hồng Hạnh