Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Yên Bái thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp cho mục tiêu giảm nghèo

03/11/2015 09:32:32 Xem cỡ chữ

CTTĐT - Yên Bái là tỉnh miền núi với nhiều dân tộc sinh sống có 2 huyện nghèo là Trạm Tấu, Mù Cang Chải nằm trong chương trình thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ. Thời gian qua, tỉnh Yên Bái đã phê duyệt, thực hiện hiệu quả Đề án Giảm nghèo bền vững với 11 nhóm chính sách, dự án và các giải pháp tổng thể mà Trung ương chỉ đạo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh từ 32,53% cuối năm 2011 xuống còn 20,56% cuối năm 2014, vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm bình quân trên 4%/năm, riêng 2 huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải trên 6%/năm.

Trong 5 năm qua, Yên Bái đã huy động tổng nguồn lực cho chương trình giảm nghèo, an sinh xã hội ước đạt 6.813,4 tỷ đồng. Trong đó, vốn trung ương 3.505,5 tỷ đồng, vốn địa phương 578,2 tỷ đồng, vốn vay ưu đãi Ngân hàng Chính sách xã hội 1.720 tỷ đồng...

Thực hiện Chương trình Giảm nghèo giai đoạn 2011-2015, tỉnh Yên Bái đã phê duyệt Đề án Giảm nghèo bền vững với 11 nhóm chính sách, dự án và các giải pháp tổng thể chung mà trung ương chỉ đạo gồm công tác truyền thông nâng cao năng lực, huy động nguồn lực đầu tư, đào tạo nghề gắn với tạo việc làm, xuất khẩu lao động, xây dựng và nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững, thực hiện chính sách hỗ trợ vật chất trực tiếp cho người nghèo, chế độ ưu đãi cho người có công với cách mạng, chính sách an sinh xã hội, bảo trợ xã hội, lồng ghép các nguồn vốn trong thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ đối với 2 huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải...

Ngoài chính sách chung của trung ương, tỉnh Yên Bái đã ban hành một số chính sách đặc thù về giảm nghèo và an sinh xã hội như hỗ trợ phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp, thủy sản vùng đặc biệt khó khăn và vùng sản xuất hàng hóa; hỗ trợ phát triển kinh tế, xã hội áp dụng đối với các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2011- 2015 ngoài huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải; Đề án Chính sách hỗ trợ hộ gia đình người có công khó khăn về nhà ở tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2012 - 2015; chính sách hỗ trợ chăn nuôi trâu, bò cho hộ người có công với cách mạng có thu nhập thấp giai đoạn 2013 - 2016; chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế, xã hội đối với các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn; chính sách khuyến khích phát triển vùng sản xuất hàng hoá tỉnh Yên Bái năm 2015 đến năm 2016.

Đến nay, toàn tỉnh đã tuyển mới đào tạo nghề cho 58.893 người; giải quyết cho trên 26.441 lượt hộ nghèo, 3.200 hộ cận nghèo được xét duyệt cho vay vốn phát triển sản xuất; mỗi năm cấp phát miễn phí khoảng 460 nghìn thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số vùng khó khăn, đối tượng người có công, bảo trợ xã hội và trẻ em dưới 6 tuổi; đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng và phúc lợi xã hội như: trường học, bệnh viện, đường giao thông, thuỷ lợi... đáp ứng nhu cầu thiết yếu về sản xuất, đi lại, khám chữa bệnh và học tập của nhân dân.

Thông qua thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách, chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm từ 32,53% cuối năm 2011 xuống còn 20,56% cuối năm 2014 (bình quân giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh trên 4%/năm, riêng 2 huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải trên 6%/năm), vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Ước tính năm 2015, giảm trên 4% tỷ lệ hộ nghèo và tỷ lệ hộ nghèo còn khoảng 16%, góp phần ổn định xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững.

Thời gian qua, thực hiện mục tiêu giảm nghèo tỉnh Yên Bái đã có những bài học kinh nghiệm quý trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện xóa đói giảm nghèo (XĐGN). Đó là, XĐGN phải hướng vào vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số là những khu vực còn tỷ lệ hộ nghèo cao. Xây dựng lộ trình thực hiện các chính sách, cơ chế đặc thù, các biện pháp đột phá, nhằm thực hiện có hiệu quả công tác XĐGN, tích cực giải quyết việc làm cho người lao động, gắn với đào tạo nguồn nhân lực, nhất là đào tạo nghề ngắn hạn cho người lao động nông thôn trong lĩnh vực nông nghiệp và phi nông nghiệp. Đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động XĐGN, phát động phong trào quần chúng sâu rộng trong toàn tỉnh. Phấn đấu thực hiện mục tiêu XĐGN nhanh và bền vững thông qua đẩy mạnh các chương trình đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, các chương trình hỗ trợ về sản xuất và đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số, các xã đặc biệt khó khăn kết hợp và lồng ghép với các chương trình phát triển kinh tế, xã hội trên từng địa bàn và dựa trên cơ sở đề xuất của nhân dân…

 

Hồng Hạnh