Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

135 tiếp sức người nghèo

19/08/2016 10:53:51 Xem cỡ chữ

CTTĐT – Chương trình 135 là một trong những chương trình được Đảng và Nhà nước quan tâm đầu tư cho các xã, thôn ĐBKK, là nguồn lực quan trọng để các xã, thôn ĐBKK vùng dân tộc và miền núi phát triển kinh tế - xã hội, phù hợp với tâm tư nguyện vọng và mong muốn của người dân, đặc biệt là người dân nghèo vùng khó khăn được nhân dân tin tưởng, phấn khởi và đồng tình ủng hộ.

Với việc quan tâm đầu tư hỗ trợ của Chương trình 135 cùng với việc lồng ghép các nguồn vốn trên địa bàn đã góp phần tích cực vào thay đổi và phát triển kinh tế - xã họi của các xã 135

Để triển khai thực hiện Chương trình có hiệu quả trên địa bàn, UBND tỉnh Yên Bái đã chỉ đạo các huyện, thị xã đôn đốc các xã tổ chức treo áp phích tại các điểm công cộng (trụ sở UBND xã, nhà văn hóa xã, thôn, bản, nhà sinh hoạt cộng đồng…); tờ gấp phát đến tay người dân trong các cuộc hợp thôn, bản để người dân biết và chủ động tham gia vào quá trình triển khai thực hiện dự án đạt hiệu quả. Ngoài ra còn tuyên truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, hội nghị tập huấn và qua các buổi họp của xã thôn…

Trong giai đoạn 2011 - 2015, tỉnh Yên Bái được hỗ trợ trên 597 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này, Yên Bái đã tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất... cho các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn trong tỉnh; góp phần thay đổi diện mạo nông thôn của tỉnh, đời sống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh.

Trong 5 năm, tổng nguồn vốn thực hiện dự án hỗ trợ phát triển sản xuất trên 95 tỷ đồng với nhiều hạng mục và đối tượng được hưởng lợi tương đối lớn. Hầu hết các hộ ở các xã, thôn, bản ĐBKK được cải thiện và phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển dần từ sản xuất 1 vụ lên 2 vụ, các loại máy móc thiết bị được đưa vào phục vụ sản xuất đạt hiệu quả cao như: máy tuốt lúa liên hoàn, may xay đậu tương, máy xay xát gạo….bước đầu tạo được thương hiệu nông sản hàng hóa, gồm: vùng lúa, vùng chè, rừng nguyên liệu, vùng tre măng Bát Độ, vùng sắn cao sản, vùng cây ăn quả. Đây là điều kiện thuận lợi để thâm canh, ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất thay thế dần tập quán sản xuất cũ, tạo ra giá trị ngày càng cao  trên một đơn vị diện tích. Chăn nuôi thủy sản được chú trọng phát triển. Đã xây dựng cơ chế chính sách cho phát triển chăn nuôi đại gia súc theo hướng hàng hóa, sử dụng giống cây mới đưa tỷ trọng ngày càng nâng lên trong cơ cấu ngành nông nghiệp.

Với dự án hỗ trợ đầu tư vào các lĩnh vực giao thông, thủy lợi, công trình giáo dục, điện sinh hoạt, nhà sinh hoạt cộng đồng…qua 5 năm thực hiện, các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng được đầu tư đúng địa bàn đảm bảo chất lượng. Nhờ đó đến nay đã có 92,3% số xã có đường ô tô đến trung tâm đi được 4 mùa, toàn tỉnh hiện có 920 công trình thủy lợi đảm bảo nước tưới cho 83% diện tích lúa xuân và 95% diện tích lúa mùa; 76,2% dân số đô thị được dùng nước sạch năm 2015; hộ dân cư nông thôn được dùng nước hợp vệ sinh 85%; 100% số xã đã có điện lưới quốc gia; Mạng lưới trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú được củng cố đầu tư tăng cường cơ sở vật chất từng bước nâng cao chất lượng hoạt động.

Có thể thấy, đa số các công trình đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng như đường giao thông, thủy điện, trường học... đều phát huy được hiệu quả sử dụng tạo điều kiện cho nhân dân đi lại, giao lưu, buôn bán trao đổi hàng hóa thu hút trẻ em trong độ tuổi đến trường… góp phần nâng cao đời sống của nhân dân và bộ mặt nông thôn các xã trong tỉnh.

Bên cạnh đó, công tác giảm nghèo, an sinh xã hội, giáo dục, y tế, an ninh - quốc phòng, đào tạo nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số, người có uy tín trong đồng bào thiểu số tiếp tục được quan tâm. Bình quân mỗi năm toàn tỉnh giải quyết việc làm cho trên 17.000 lao động; tỷ lệ lao động qua đào tạo đến nay đạt 42,6%; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 4%/năm, riêng 2 huyện Mù Cang Chải và Trạm Tấu đạt trên 6%/năm, các lớp đào tạo, bồi dưỡng tập huấn cho cán bộ xã thôn, bản đặc biệt khó khăn góp phần nâng cao năng lực cán bộ từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các chủ trương chính sách cảu Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế  xã hội, xóa đói giảm nghèo ở miền núi, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh.

Cùng với đó, các chính sách dân tộc khác được triển khai thực hiện có hiệu quả, như: Chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở và nước sinh hoạt theo Quyết định số 1592/QĐ-TTg và Quyết định số 755/QĐ-TTg cảu Thủ tướng Chính phủ; Chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo vùng khó khăn theo Quyết định 102/2009/QĐ-TTg ngày 07/8/2009; Chính sách hỗ trợ dầu hảo thắp sáng bằng tiền cho các đồng bào dân tộc thiểu số, thuộc diện chính sách và hộ nghèo chưa sử dụng điện lưới; Chính sách hỗ trợ vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số; Chính sách đối với người uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số; Chương trình 30a; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Với những kết quả đạt được trong 5 năm thực hiện Chương trình 135 và các chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh, đến hết năm 2015, tỉnh Yên Bái đã đề nghị Trung ương xem xét quyết định 08 thôn bản cơ bản hoàn thành mục tiêu của Chương trình.

Để tiếp tục nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số, phát triển kinh tế - xã hội vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, các cấp, các ngành tiếp tục tập trung quán triệt nội dung Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII cho cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị vùng cao nhận thức nhận thức về công tác dân tộc, đặc biệt là cấp cơ sở; Tổ chức quán triệt sâu rộng trong các cấp, các ngành, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số về nội dung của các chương trình, chính sách dân tộc giai đoạn 2016 – 2020; xây dựng chương trình, kế hoạch tổ chức thực hiện Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020 và các chính sách dân tộc giai đoạn 2016 – 2020; kế hoạch thực hiện Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ đối với đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Thực hiện tốt việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng cán bộ người dân tộc thiểu số phù hợp với vị trí việc làm và tình hình thực tế của từng địa phương; thường xuyên rà soát, đánh giá việc thực hiện chính sách trên địa bàn để đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, các bộ, ngành sửa đổi phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Tăng cường công tác kiểm tra phối hợp giữa các cấp, các ngành trong việc thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc, đặc biệt là Chương trình giảm nghèo bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020.

Nguyễn Hiên