Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Sử dụng kinh phí bảo vệ và phát triển rừng gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2020

03/12/2016 15:23:00 Xem cỡ chữ

CTTĐT - Ngày 27/6/2016, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa ban hành Thông tư liên tịch số 93/2016/TTLT-BTC-BNNPTNT về hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Nghị định 75/2015/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2020.

Những năm gần đây, Chính phủ đã có nhiều cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số ổn định cuộc sống

Theo Thông tư thì đối tượng áp dụng là các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn có liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng theo quy định tại Điều 2 Nghị định số 75/2015/NĐ-CP.

Cùng với đó, thông tư cũng quy định hỗ trợ khoán bảo vệ rừng; hỗ trợ bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh có trồng rừng bổ sung; trợ cấp gạo trồng rừng thay thế nương rẫy.

Cụ thể, đối tượng được nhận hỗ trợ khoản bảo vệ rừng, hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số, hộ gia đình người Kinh nghèo đang sinh sống ổn định tại các xã có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn (khu vực II và III) thuộc vùng dân tộc và miền núi theo tiêu chí do Thủ tướng Chính phủ quy định được nhận khoán bảo vệ rừng; Cộng đồng dân cư thôn tại các xã có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn (khu vực II và III) thuộc vùng dân tộc và miền núi theo tiêu chí do Thủ tướng Chính phủ quy định được nhận khoán bảo vệ rừng.

Mức hỗ trợ khoán bảo vệ rừng là 400.000 đồng/ha/năm. Hạn mức diện tích rừng nhận khoán được hỗ trợ tối đa 30 ha một hộ gia đình. Phương thức khoán bảo vệ rừng là thực hiện thông qua hợp đồng khoán bảo vệ rừng với thời gian hợp đồng là hàng năm hoặc theo kế hoạch trung hạn 3 năm, 5 năm. Kết quả nghiệm thu hàng năm là căn cứ để bên giao khoán thanh toán, quyết toán kinh phí

Với quy định hỗ trợ bảo vệ rừng; khoanh nuôi tái sinh có trồng rừng bổ sung, Thông tư nêu rõ đối tượng được hỗ trợ bảo vệ rừng gồm hộ gia đình, cộng đồng dân cư thôn thực hiện bảo vệ diện tích rừng phòng hộ và rừng sản xuất là rừng tự nhiên được giao. Hỗ trợ khoanh nuôi tái sinh có trồng rừng bổ sung là hộ gia đình thực hiện khoanh nuôi tái sinh có trồng rừng bổ sung trên diện tích đất rừng phòng hộ và rừng sản xuất là rừng tự nhiên được giao.

Mức hỗ trợ bảo vệ rừng là 400.000 đồng/ha/năm. Đối với khoanh nuôi tái sinh có trồng rừng bổ sung: Theo thiết kế, dự toán, tối đa không quá 1.600.000 đồng/ha/năm trong 03 năm đầu và 600.000 đồng/ha/năm cho 03 năm tiếp theo. Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định mức hỗ trợ cụ thể phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

Ngoài ra, Thông tư cũng quy định đối tượng được trợ cấp gạo trồng rừng thay thế nương rẫy là hộ gia đình nghèo tham gia trồng rừng sản xuất và phát triển lâm sản ngoài gỗ, trồng rừng phòng hộ thay thế nương rẫy trên diện tích đất lâm nghiệp được giao trong thời gian chưa tự túc được lương thực. Chủ tịch UBND tỉnh xác định cụ thể đối tượng hộ gia đình nghèo chưa tự túc được lương thực.

Mức trợ cấp là 15 kg gạo/khẩu/tháng hoặc bằng tiền tương ứng với giá trị 15 kg gạo/khẩu/tháng tại thời điểm trợ cấp (theo giá công bố của địa phương). Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định mức trợ cấp cụ thể theo diện tích, số khẩu phù hợp với thực tế của địa phương và thời gian trợ cấp, nhưng tối đa không quá 7 năm.

Loại gạo trợ cấp là gạo tẻ thường, độ ẩm không quá 14%; không bị sâu mọt, nấm, mốc. UBND cấp tỉnh xem xét ưu tiên giải quyết loại gạo phù hợp với nhu cầu sử dụng hoặc được sản xuất ở địa phương. Tùy tình hình thực tế tại địa phương, UBND cấp tỉnh quyết định số lần trợ cấp, mức trợ cấp từng lần, nhưng tối đa không quá 02 tháng một lần.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/8/2016./.

Thanh Hoa