Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Yên Bái nỗ lực giảm nghèo

06/01/2017 10:20:00 Xem cỡ chữ
Năm 2016, bằng nhiều nguồn lực cho chương trình giảm nghèo thông qua các chương trình, dự án về xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất cho vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, đã giúp cho hộ nghèo, cận nghèo ở Yên Bái vươn lên thoát nghèo ổn định cuộc sống.

Hiện nay, toàn tỉnh có 36.589 hộ nghèo và 9.131 hộ cận nghèo được vay vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh dịch vụ, với số dư nợ trên 2.000 tỷ đồng

Năm 2016, là năm đầu về thực hiện mục tiêu giảm nghèo giai đoạn 2016-2020, với kế hoạch đề ra mỗi năm tỉnh Yên Bái giảm 4% tỷ lệ hộ nghèo. Để đạt được mục tiêu đề ra, tỉnh đã đề ra 11 nhóm chính sách, dự án và giải pháp tổng thể gồm: xây dựng và nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững; thực hiện chính sách hỗ trợ vật chất trực tiếp cho người nghèo; chế độ ưu đãi cho người có công với cách mạng; huy động các nguồn lực đầu tư; đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm; truyền thông nâng cao năng lực; thực hiện lồng ghép các nguồn vốn trong thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ đối với 2 huyện nghèo Trạm Tấu và Mù Cang Chải; chính sách khuyến khích phát triển vùng sản xuất hàng hóa…

Năm 2016, thực hiện chương trình 135, tổng vốn được giao thực hiện trên địa bàn tỉnh đạt 131.809 triệu đồng, trong đó đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK) 64.800 triệu đồng, tiếp tục đầu tư xây dựng 41 công trình chuyển tiếp với số vốn thực hiện 29.763 triệu đồng, các dự án khởi công mới 35.037 triệu đồng để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho các thôn, bản ĐBKK, kinh phí cho xây dựng 33.120 triệu đồng và duy tu bảo dưỡng 2.950 triệu đồng.

Cùng với đó là Dự án Hỗ trợ pháp triển sản xuất 30.650 triệu đồng và Dự án Nâng cao năng lực cho cán bộ cơ sở và cộng đồng trên địa bàn các xã, thôn, bản ĐBKK 289 triệu đồng.

Trong rất nhiều chính sách giảm nghèo, nổi bật là việc thực hiện Nghị quyết 30a/2008/NQ- CP của Chính phủ về triển khai chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững đối với huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải.

Năm 2016, với tổng số tiền hỗ trợ 80.721 triệu đồng, trong đó vốn đầu tư phát triển hạ tầng nông thôn 42.000 triệu đồng, nhằm tiếp tục đầu tư 4 công trình giao thông chuyển tiếp từ những năm trước, kinh phí thực hiện 23.345 triệu đồng và đầu tư các công trình mới 18.655 triệu đồng; vốn sự nghiệp 38.721 triệu đồng, phục vụ cho việc duy tu bảo dưỡng 10 công trình, kinh phí 4.860 triệu đồng và thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất bằng các giống cây trồng, vật nuôi 33.861 triệu đồng.

Bên cạnh đó, nhiều chính sách hỗ trợ người nghèo khác cũng được đặc biệt quan tâm như: 526.443 người nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số vùng ĐBKK, trẻ em dưới 6 tuổi, được hỗ trợ cấp thẻ bảo hiểm y tế. Lĩnh vực giáo dục cũng được triển khai nhiều chính sách như: miễn giảm học phí, trợ cấp học bổng, hỗ trợ học sinh bán trú, hỗ trợ học sinh THPT vùng ĐBKK, với kinh phí thực hiện 103.287 triệu đồng.

Ngoài ra, 980 hộ nghèo khó khăn về nhà ở còn được hỗ trợ sửa chữa, làm mới nhà ở với kinh phí thực hiện 48.940 triệu đồng. Chính sách hỗ trợ vay vốn ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội cũng được đặc biệt quan tâm.

Hiện nay, toàn tỉnh có 36.589 hộ nghèo và 9.131 hộ cận nghèo được vay vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh dịch vụ, với số dư nợ trên 2.000 tỷ đồng; các nguồn vốn vay khác như: vay chương trình học sinh, sinh viên, hộ sản xuất kinh doanh vùng ĐBKK, hộ đồng bào dân tộc thiểu số ĐBKK… Đánh giá công tác giảm nghèo năm 2016, tỷ lệ giảm nghèo toàn tỉnh ước đạt 5,29%, giảm tỷ lệ hộ nghèo năm 2015 là 32,12% xuống còn 26,92% năm 2016, tương đương số hộ nghèo từ 65.374 hộ giảm xuống còn 55.320 hộ năm 2016.

Cùng với các chính sách giảm nghèo, công tác dạy nghề, tạo việc làm cũng được xem như là “bà đỡ” trong tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Năm 2016, toàn tỉnh có 17.700 người được đào tạo nghề, góp phần giải quyết việc làm cho 18.120 lao động, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề toàn tỉnh đạt 47,5%.

Từ các chính sách giảm nghèo, đã góp phần ổn định xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững, an sinh xã hội được đảm bảo. Nhận thức của nhân dân về công tác giảm nghèo đã có sự chuyển biến và nâng cao rõ rệt. Đa phần hộ nghèo ở các xã, thôn, bản vùng cao đã biết áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, tạo ra sản phẩm hàng hóa, tiêu thụ sản phẩm nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng.

 

Theo Báo Yên Bái