Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Thoát nghèo nhờ chăn nuôi tổng hợp

01/05/2017 12:15:00 Xem cỡ chữ
Về thôn Đá Voi, xã Thịnh Hưng, huyện Yên Bình, không mấy ai là không biết đến gia đình chị Trần Thị Tuyến bởi đã vượt qua bao bất hạnh cuộc đời để làm chủ một gia trại chăn nuôi thu lãi trên 100 triệu đồng/năm.

Chị Trần Thị Tuyến đang chăm sóc đàn lợn thịt.

Năm 1996, gia đình chị Tuyến đi làm chè tại Công ty cổ phần Chè Văn Hưng nằm trên địa bàn xã Thịnh Hưng. Đồng lương đi làm thuê của cả 2 vợ chồng chỉ đủ ăn chứ không tích lũy được gì. Bên cạnh đó, không may cho gia đình, sức khỏe chồng chị bỗng dưng xấu đi và chị đưa chồng đi khám thì phát hiện anh mắc bệnh liệt não. Một mình chị phải chạy vạy, vay mượn tiền khắp nơi để chữa trị cho chồng.

Suốt 5 năm chồng mắc bệnh nằm liệt một chỗ, chị Tuyến phải gồng mình làm trụ cột gia đình, vừa kiếm tiền chữa bệnh cho chồng vừa nuôi 2 đứa con thơ. Tình cảnh của chị khó khăn lại chồng thêm khó khăn.

Năm 2011, chồng qua đời, chị Tuyến nén đau thương, quyết tâm bắt tay vào làm kinh tế, vượt khó để thoát nghèo. Được sự quan tâm của Hội Nông dân xã Thịnh Hưng và lại nằm trong diện hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nên chị Tuyến được hỗ trợ 10 triệu đồng và được hỗ trợ vay vốn 20 triệu đồng thông qua kênh tín chấp của Hội Nông dân để đầu tư phát triển kinh tế. Người dân trong thôn, ai cũng biết đến tình cảnh của chị Tuyến, nên mọi người đều thông cảm và giúp đỡ rất nhiều.

Chị chia sẻ: “Khoảng thời gian chồng bị bệnh là lúc u ám nhất trong cuộc đời tôi. Căn nhà tôi ở trước kia lụp xụp lắm. Cũng may, nhờ bà con hàng xóm mỗi người giúp một tay xây lại nên giờ 3 mẹ con tôi mới có chỗ ở vững chãi như thế này”.

Từ nguồn vốn ban đầu, chị mạnh dạn đầu tư nuôi mấy chục con gà và một con lợn nái. Nhận thấy chăn nuôi phát triển tốt, cho hiệu quả cao, sau mấy năm làm kinh tế cũng dành dụm được một khoản tiền và chị quyết tâm nhân rộng thêm mô hình, đa dạng hóa vật nuôi. Chị nói một cách hóm hỉnh: “Chắc được chồng phù hộ nên tôi có tay chăn nuôi lắm! May mắn từ khi bắt đầu chăn nuôi đến giờ, vật nuôi nhà tôi chưa bị mắc bệnh hay chết con nào”.

Với bản lĩnh của người phụ nữ đã từng trải qua quá nhiều bất hạnh cuộc đời, chị không ngại tìm tòi, học hỏi thêm kinh nghiệm chăn nuôi từ sách, báo, các mô hình chăn nuôi phát triển lân cận. Đến nay, chị đã sở hữu mô hình chăn nuôi tổng hợp với quy mô 5 con lợn nái, 35 con lợn thịt, hàng trăm con gà, 1 cặp bò. Bên cạnh đó, chị còn làm chè, trồng lúa… Người ngoài có thể nghĩ chị tham làm nhưng những khó khăn, vất vả đã trải qua chính là động lực để chị cố gắng thoát nghèo.

Theo chị, chăn nuôi không chỉ dựa vào may mắn mà nuôi con gì phải nắm chắc kỹ thuật. Chia sẻ kinh nghiệm của mình, chị Tuyến cho biết: “Để gia trại duy trì được thì phải nuôi nhiều giống vật nuôi, như vậy, sẽ không lo giá cả thị trường bấp bênh. Trong chăn nuôi cần chú ý vấn đề vệ sinh môi trường và phòng chống dịch bệnh, có như vậy chăn nuôi mới mang lại hiệu quả cao. Bên cạnh đó, việc đảm bảo vệ sinh chuồng trại, tôi cũng rất lưu ý”.

Do đó, 60 m2 chuồng lợn nhà chị được xây dựng theo quy mô khép kín vừa tránh gây ô nhiễm môi trường vừa tăng hiệu quả kinh tế. Hệ thống chuồng nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường, sử dụng đệm lót sinh học sạch sẽ, ấm vào mùa đông, thoáng vào mùa hè. Mỗi chuồng nuôi đều có hệ thống đường điện, đường nước và cống xả thải.

Tận dụng việc nấu rượu, chị sử dụng luôn bỗng rượu làm thức ăn cho lợn, gà, vừa tiết kiệm được chi phí mua thức ăn vừa giúp cho chất lượng thịt thơm ngon. Điều đáng mừng là thị trường tiêu thụ các sản phẩm từ gia trại được nhiều người biết đến nên chị luôn chủ động được đầu ra cho sản phẩm. Mô hình chăn nuôi tổng hợp của chị Tuyến đã thu lãi trên 100 triệu đồng/năm.

Đồng chí Nguyễn Hải Thu - Chủ tịch Hội Nông dân xã Thịnh Hưng cho biết: Nhờ sự chăm chỉ, không ngừng học hỏi trong lao động sản xuất mà chị Trần Thị Tuyến đã vượt qua khó khăn, vươn lên làm giàu. Mô hình chăn nuôi tổng hợp của gia đình chị là một mô hình phát triển kinh tế tiêu biểu của xã Thịnh Hưng. Không chỉ mạnh dạn trong phát triển kinh tế gia đình, chị Tuyến còn nhiệt tình tham gia các phong trào của địa phương, chia sẻ kinh nghiệm cho các hộ dân khác để có hướng phát triển kinh tế phù hợp, nâng cao đời sống.

Thời gian tới, để khuyến khích mô hình kinh tế hộ phát triển, chính quyền và các đoàn thể xã Thịnh Hưng sẽ tiếp tục tạo điều kiện cho bà con được tham gia các lớp tư vấn, hướng dẫn khoa học, kỹ thuật, tiếp cận với các nguồn vốn ưu đãi, giúp người dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.

 

Theo Báo Yên Bái