Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Yên Bái: cây trồng dược liệu quý, góp phần tăng thu nhập cho đồng bào vùng cao

04/10/2017 14:36:00 Xem cỡ chữ
CTTĐT - Yên Bái là tỉnh có nguồn dược liệu và cây thuốc tự nhiên phong phú, đa dạng về chủng loại. Đất đai, khí hậu phù hợp với nhiều loài cây, trong đó có nhiều loài cây thuốc quý xuất xứ từ các nguồn khác nhau đem lại thu nhập ổn định cho người dân, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững.

Cây thuốc Sơn Tra hay còn gọi là Táo Mèo

Tỉnh Yên Bái có 2 khu bảo tồn thiên nhiên là xã Nà Hẩu của huyện Văn Yên và xã Chế Tạo (Mù Cang Chải) nơi có thảm thực vật phong phú, khí hậu thổ nhưỡng cực kì thích hợp với các loại cây thuốc, cái loài dược liệu quý hiếm. Theo khảo sát ban đầu của Hội Đông y Yên Bái, trên địa bàn tỉnh hiện có hàng nghìn loài cây thuốc nam và hàng trăm bài thuốc gia truyền. Cùng với Lào Cai, Sơn La và Lai Châu, Yên Bái được mệnh danh là núi thuốc của Tây Bắc.

Trước hết nói về cây quế, loại cây được người dân trồng từ lâu đời gắn liền với sự phát triển kinh tế, xã hội của đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là người Dao ở huyện Văn Yên và trở thành một trong những nguồn thu nhập chính của người dân. Hiện nay tỉnh Yên Bái đang triển khai các đề án, dự án chính sách phát triển cây quế giai đoạn 2016 - 2020. Hiện nay với tổng số trên 50.000 héc-ta, cây quế đem lại nguồn thu khoảng 600 tỷ đồng từ quế vỏ, 131 tỷ đồng từ chưng cất tinh dầu và khoảng 70 tỷ đồng từ gỗ quế; bình quân thu nhập đạt từ 30 - 40 triệu đồng/lao động/năm, không chỉ người dân có đời sống no ấm mà còn đang trở thành những nông hộ giàu có nhờ "lúa đầy nhà, ngô cà đầy sân, quế nhiều cân".

Cùng với đó việc hình thành phát triển Đề án phát triển cây Sơn tra giai đoạn 2016 - 2020 tại huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải vài năm trở lại đây cuộc sống của người dân đã có nhiều khởi sắc. Tỷ lệ hộ nghèo giảm, thu nhập bình quân đầu người năm sau cao hơn năm trước. Có được kết quả trên một phần cũng nhờ phát triển cây sơn tra. Với diện tích hiện có gần 4.000 ha. Trong đó, có 980 ha đang cho thu hoạch quả, nếu tính thời gian kinh doanh rừng là 20 năm, đối với diện tích đất đai trên cao phù hợp thì trồng rừng sản xuất bằng cây sơn tra mang lại lợi ích kinh tế cao, tăng thu nhập đáng kể cho người dân với thu nhập khoảng 28 triệu đồng/ha/năm. Trong giai đoạn 2011 - 2016, tỉnh Yên Bái đã hỗ trợ trên 40 tỷ đồng cho nhân dân trồng quế và sơn tra. Trong đó, ngân sách trung ương 30 tỷ đồng trồng 4.700 ha quế và 4.400 ha cây sơn tra; ngân sách địa phương trên 10 tỷ đồng, hỗ trợ 6.726 triệu đồng trồng quế và 3.540 triệu đồng trồng sơn tra.

Bên cạnh cây quế, sơn tra còn có cây Thảo quả là một loại cây có hoa họ gừng, được sử dụng làm thuốc trong Đông y của Trung Quốc. Không những thế, loại này còn được sử dụng làm gia vị trong nhiều món ăn được trồng nhiều nhiều tại xã của huyện Mù Cang Chải và một số xã của huyện Văn Chấn chủ yếu trong rừng tự nhiện đặc dụng và rừng tự nhiên phòng hộ. Hàng năm, cây thảo quả đem về nguồn thu nhập lớn cho người dân.

Ngoài những loài cây thuốc quý như các địa phương khác trong vùng, Yên Bái còn được đánh giá là “thủ phủ” của một số loài cây thuốc nam quý hiếm nhóm IA,IIA và một số cây thảo dược quý khác như: Hoàng liên Chân Gà, cây lan kim tuyến, Hoàng Thảo, Thạch Hộc, Tam Thất Vũ Diệp, Tiết Trúc Sâm, Cốt Toái Bổ, Thất Diệp Nhất Chi Hoa, Hoàng Tinh, Kê Huyết Đằng, Bình Vôi, Hà Thủ Ô, Thổ Phục Linh, Trà Hoa Vàng, Khôi Tía, Hoàng Bá, Sa Nhân, Thảo Quả, Quế Chi .... Ở huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn, Văn Yên, Lục Yên. Đây cũng là nguồn nguyên liệu giúp nhân dân tỉnh Yên Bái với kinh nghiệm, tập quán có thể sản xuất một số loại cây dược liệu từ khâu trồng, chăm sóc, bảo vệ, khai thác và tiêu thu sản phẩm phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, qua tìm hiểu thực tế, mặc dù được sự quan tâm của các cấp chính quyền, nhân dân trong tỉnh đã có kinh nghiệm, tập quán sản xuất một số loại cây dược liệu từ khâu trồng, chăm sóc, bảo vệ, khai thác và tiêu thu sản phẩm, nhưng trong phát triển cây dược liệu trên địa bàn gặp phải không ít khó khăn. Cụ thể, ở Yên Bái hiện tại vẫn đang ở mức nhỏ lẻ là chủ yếu, còn khai thác cây dược liệu có quy mô lớn hầu như chưa có. Ngoài quế, sơn tra, thảo quả, người dân chủ yếu khai thác cây thuốc theo cách tự nhiên. Bên cạnh đó, tình trạng khai thác dược liệu bừa bãi, thiếu quy hoạch quản lý bảo tồn, khiến nguồn dược liệu quý hiếm cạn kiệt. Hơn nữa, việc nuôi trồng nguồn dược liệu quý của người dân chủ yếu tự phát, manh mún, còn với những doanh nghiệp thì thiếu những mô hình, quy hoạch, định hướng phát triển, cùng đó là địa hình bị chia cắt, thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, giao thông đi lại khó khăn, nên ảnh hưởng lớn đến trồng, khai thác cây dược liệu có quy mô lớn.

Để phát triển ngành dược liệu, không chỉ giúp xóa đói, giảm nghèo mà còn giúp nhiều hộ dân vươn lên làm giàu, các cấp, ngành cần nhận thức đúng về giá trị kinh tế của dược liệu và cây thuốc không chỉ phục vụ cho sản xuất thuốc chữa bệnh, mà còn là loại cây trồng có khả năng tham gia chuyển dịch cơ cấu cây trồng, sản xuất hàng hóa nâng cao giá trị kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, phát triển bền vững. Cần đẩy mạnh chính sách thu hút đầu tư của các doanh nghiệp dược trong và ngoài tỉnh để phát huy lợi thế của một tỉnh miền núi còn nhiều tiềm năng về rừng và đất rừng trong hoạt động bảo tồn, khoanh nuôi, trồng và thu hái, chế biến dược liệu, sản xuất hàng hoá dược liệu, thuốc y học cổ truyền tại Yên Bái. Điều tra đánh giá đúng thực trạng sử dụng tài nguyên rừng và đất rừng Yên Bái để có chính sách cụ thể phát triển theo vùng dược liệu, cây thuốc nam của Yên Bái.

 

 

 

 

BBT