Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Cam Sành - Lục Yên cây trồng mũi nhọn xóa đói giảm nghèo

18/10/2017 16:58:00 Xem cỡ chữ
CTTĐT - Xác định cây cam là một trong những cây trồng mũi nhọn để phát triển kinh tế của người dân địa phương, xóa đói, giảm nghèo, những năm qua, cùng với việc mở rộng diện tích, các cấp, các ngành và người nông dân Lục Yên đã không ngừng nỗ lực xây dựng thương hiệu cho sản phẩm cam sành.

Công bố và đón nhận Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể “Cam Lục Yên” đối với sản phẩm cam quả do Cục Sở hữu trí tuệ

Hiện, huyện Lục Yên có 18/24 xã trồng cam, diện tích hơn 450 ha, trong đó có hai giống cam chính là cam sành và cam Vinh, hằng năm cung cấp ra thị trường khoảng 2.000 tấn cam các loại. Cây cam đã trở thành loại cây xóa đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng cho người dân địa phương với bình quân thu nhập từ 35 - 40 triệu đồng/ha. Thực hiện đề án phát triển cây ăn quả có múi gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp của UBND tỉnh Yên Bái, trong năm 2016, huyện Lục Yên trồng mới 130 ha cam, với tổng kinh phí 2,6 tỷ đồng cùng 14 ha cam với kinh phí 280 triệu đồng từ nguồn vốn Chương trình 135.

Cam sành Lục Yên mầu vàng nâu, vỏ sần và dày như mảnh sành, múi cam róc vỏ, không dính bết vào nhau, tôm vàng rộm và rất mọng nước; vị ngọt đậm. Để cây cam Lục Yên dần được hồi sinh và nâng cao hơn nữa về chất lượng, huyện thành lập hợp tác xã cam Lục Yên, hỗ trợ người nông dân vay vốn, đầu tư vườn ươm giống tại địa phương, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thâm canh, cử cán bộ khuyến nông sâu sát với cơ sở, theo dõi sinh trưởng và phát triển của cây cam, mạnh dạn chuyển đổi quỹ đất, giống cây trồng để tăng diện tích, tăng sản lượng, chất lượng cũng như nâng cao thu nhập cho người dân từ cây cam.

Để cạnh tranh tốt trên thị trường, trước hết phải có sản phẩm tốt, quản lý được chất lượng. Do vậy, huyện Lục Yên đã tích cực phát huy hiệu quả hoạt động của các Hợp tác xã (HTX), tạo sự liên kết theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ. HTX cam sành Lục Yên.

Được thành lập từ tháng 12-2015 với 16 thành viên tham gia, hiện HTX cam sành Lục Yên có tổng diện tích 60ha. Từ khi thành lập HTX, với vốn điều lệ 100 triệu đồng, các hộ trồng cam sành được tổ chức thành nhóm, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ nguồn vốn, dần dần xây dựng thương hiệu cam đảm bảo chất lượng theo hướng Viet Gap, mở rộng phát triển sản xuất theo quy mô tập trung.

Mô hình đã giúp nhiều hộ gia đình trong xã có thu nhập ổn định như: Hộ anh Trịnh Văn Hưng ở thôn 8 với diện tích 3ha mỗi năm thu nhập đạt 600 triệu đồng; hộ chị Hoàng Thị Duy- thôn 8, diện tích 2ha thu nhập trên dưới 500 triệu đồng/năm…

Trong vụ cam năm 2016 vừa qua, toàn HTX thu hoạch ước đạt 500 tấn, với giá thị trường trung bình khoảng 10 ngàn đồng/kg, thu về đạt khoảng 5 tỷ đồng, thị trường được mở rộng tới nhiều tỉnh thành trong cả nước như: Hà Nội, Lào Cai, Lai Châu… Mỗi năm HTX còn sản xuất khoảng 3 vạn cây cam giống để đảm bảo cung ứng cho thị trường… Ngoài ra, để mở rộng thương hiệu, HTX cam sành Lục Yên còn tích cực tham gia các hội chợ nông sản giới thiệu sản phẩm cam sành đến với mọi người.

Với diện tích hơn 2ha đất trồng cam sành, gia đình chị Đặng Thị Dự ở thôn 5, xã Khánh Hòa trước đây phát triển cây cam theo hướng tự phát, việc chăm sóc, kỹ thuật phòng chống dịch bệnh đều do gia đình tự học hỏi, tuy nhiên năng suất, hiệu quả kinh tế không cao. Cuối năm 2015, khi thành lập HTX cam sành Lục Yên tại xã, được tuyên truyền, vận động nên gia đình chị đã mạnh dạn tham gia vào HTX. Được học tập kinh nghiệm về kỹ thuật chăm sóc cây cam sành ở nhiều nơi trong tỉnh nên gần 2 năm trở lại đây, chất lượng, năng suất vào vụ thu hoạch cam sành của gia đình chị cao hơn so với những năm trước. Chị Dự vui mừng nói: “Trồng cây cam chúng tôi thấy luôn lo lắng, khi được tham gia vào HTX, gia đình tôi yên tâm hơn về chất lượng cũng như đầu ra của sản phẩm”.

Trao đổi với ông Hoàng Minh Tưởng- Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Hòa ông cho biết: HTX cam sành Lục Yên đã giúp duy trì được cây trồng truyền thống của xã, cũng như phát triển thương hiệu cam sành ở huyện. Đặc biệt, giải quyết việc làm cho rất nhiều người dân trong xã và đóng góp không nhỏ trong quá trình xã tiến hành xây dựng NTM. Đây là mô hình nên được nhân rộng, và cần được quan tâm để ngày càng phát triển hơn nữa.

Trong tháng 1 đầu năm, UBND huyện Lục Yên tổ chức lễ công bố và đón nhận Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể “Cam Lục Yên” đối với sản phẩm cam quả do Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) ký quyết định công nhận,đây là cơ hội để nâng cao uy tín, giá trị của sản phẩm trên thị trường trong nước và nước ngoài, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Lục Yên.

 

 

  

BBT