Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Thoát nghèo từ việc trồng cây thanh long ruột đỏ.

08/11/2017 10:55:00 Xem cỡ chữ
CTTĐT - Quyết tâm phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, trong thời gian qua cựu chiến binh Lường Trung Lập, bản Sang Đốm, xã Nghĩa Lợi, thị xã Nghĩa Lộ đã phát huy phẩm chất anh Bộ đội cụ Hồ, năng động, sáng tạo trong phát triển kinh tế gia đình cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm ở nơi xã nghèo nhất của thị xã Nghĩa Lộ.

Cựu chiến binh Lường Trung Lập thu hoạch thanh long

Sau nhiều năm  trồng lúa không không mang lại hiệu quả, từ năm 2014, ông Lường Trung Lập, người dân tộc Thái ở bản Sang Đốm, xã Nghĩa Lợi, thị xã Nghĩa Lộ đã quyết định chuyển đổi hơn 4.000m2 đất ruộng sang trồng cây thanh long ruột đỏ.

Ông đã trồng 3.000 gốc thanh long ruột tím, với 600 trụ bê tông trên diện tích đất từ giữa năm 2015. Ông Lập cho biết tính trung bình một lứa gia đình ông thu từ 150 - 200kg với giá bán ra khoảng 30.000đ/kg mang về cho gia đình ông hơn 6 triệu đồng/lứa.

Không chỉ mang thu nhập về cho gia đình, từ việc trồng cây thanh long, hàng năm gia đình cựu chiến binh Lường Trung Lập còn tạo việc làm ổn định cho 3 – 4 lao động địa phương, với mức thu nhập 140 nghìn đồng/ngày. Công việc chủ yếu là cắt cỏ, chăm bón cây thanh long. Sau khi làm xong việc ông đều thanh toán tiền lương đầy đủ và rất quan tâm đến người lao động.

Năm 2017 là năm thứ 2 diện tích cây thanh long nhà ông cho thu hoạch. Tính từ đầu vụ thu hoạch đến nay gia đình ông đã thu hoạch được 3 lứa, với 5 tạ quả. Riêng năm ngoái là năm đầu cho thu hoạch mang về cho gia đình ông thu nhập trên 100 triệu đồng. Đó chính là thành quả ghi nhận sự cố gắng của gia đình ông khi không ngừng học hỏi, nghiên cứu nắm bắt nhu cầu thị trường trong nhiều năm để biết thị trường cần loại sản phẩm gì để quyết định đầu tư trồng bảo đảm đem lại giá trị thu nhập.

Được biết gia đình ông là hộ đầu tiên đưa cây thanh long ruột tím vào trồng ở Nghĩa Lộ, ông cho biết trồng cây thanh long ruột tím chỉ cần đầu tư 1 lần cho thu hái từ 20 đến 25 năm, trung bình mỗi năm thu hoạch từ 17 đến 23 lần, năng suất đạt cao hơn so với thanh long ruột trắng và ruột đỏ, đặc biệt là quả ăn thơm và ngọt đượm, thị trường rất ưa chuộng. 

Trao đổi về cách trồng và chăm sóc cây thanh long ruột đỏ, ông Lập vui vẻ cho biết: "Khi trồng, phải đổ cột trụ bê tông cao từ 1m8 đến 2m, cạnh vuông 13x13cm, trụ được chôn sâu 30cm, khoảng cách giữa các trụ cột là 3m và mỗi trụ trồng từ 5 - 6 cây giống. Thanh long là loại cây chịu hạn tốt, thích nghi với đất pha cát, ít sâu bệnh mà không mất nhiều công chăm sóc. Với kinh nghiệm được học, tôi sử dụng phân hỗn hợp từ rơm rạ, trấu lúa, phân trâu rồi ủ với vôi làm nguồn phân bón chủ yếu cho cây. Để cây mau lớn và đạt sản lượng cao, sau khi trồng cần giữ độ ẩm vừa đủ không để rễ bị tổn thương do ánh nắng mặt trời và hệ thống tiêu thoát nước trong vườn trồng cần phải được xử lý tốt, tránh để rễ cây bị ngập úng nước. Ngoài ra, cần phải thường xuyên làm sạch cỏ xung quanh gốc thì cây mới phát triển tốt”.

Không chỉ mạnh dạn đưa cây trồng mới cho năng suất, chất lượng cao vào trồng trên đồng đất Nghĩa Lộ, ông còn vận động gia đình, người thân tích cực thi đua tham gia phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc, thực hành tiết kiệm theo tấm gương đạo đức, phong cách của Bác. Bên cạnh đó, cựu chiến binh Lường Trung Lập luôn ý thức và tham gia đầy đủ các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi do địa phương tổ chức. Qua đó đã vận dụng có hiệu quả vào phát triển kinh tế gia đình. Kết quả, từ năm 2005, ông đã  chuyển một phần diện tích đất ruộng kém hiệu quả sang đào ao thả cá. Hơn 1.500m2 đất được ông cho đào làm 2 ao nuôi cá giống và cá thịt, các giống được ông chọn nuôi chủ yếu là loại truyền thống, dễ nuôi, cho hiệu quả cao như cá trắm, chép, rô phi đơn tính…

Từ bán cá giống và cá thịt gia đình ông thu về từ 50 đến 70 triệu đồng/năm. Ngoài ra, trong diện tích vườn nhà, ông Lập bố trí nuôi gà thả vườn và nuôi ong lấy mật. Công việc nuôi ong cũng rất tỷ mỷ từ việc đóng thùng, các khung cầu di động đến kỹ thuật chăm sóc, tạo chúa, chia đàn và khai thác… ông đều phải tìm tòi học hỏi kỹ thuật, kinh nghiệm từ nhiều nơi và chọn đặt đõ ong ở những nơi có nguồn hoa tự nhiên phong phú. Từ nuôi ong, mỗi năm gia đình ông khai thác được 50 đến 80 lít mật bán ra thị trường, ở thời điểm hiện tại với giá là 200 nghìn đồng/lít cũng thêm một nguồn thu đáng kể.

Với quyết tâm thoát nghèo, dám nghĩ, dám làm trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mô hình thanh long ruột đỏ của gia đình ông Lập ngày càng phát triển, mở ra một hướng phát triển kinh tế mới cho người dân quanh vùng. Không chỉ phát triển kinh tế gia đình giỏi, cựu chiến binh Lường Trung Lập còn là tấm gương sáng về nuôi dạy con tốt. Gia đình ông nhiều năm liên tục đạt gia đình văn hóa tiêu biểu. Với thành quả đã đạt được, năm 2015 ông Lường Văn Lập vinh dự được nhận Bằng khen của UBND tỉnh vì đã có thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2010 - 2015. Nhiều năm liên tục được các cấp khen thưởng cá nhân có thành tích xuất xắc trong phong trào học tập và làm theo Bác.

 

 

 

 

 

 

 

BBT