Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Nông dân xã Minh Quán huyện Trấn Yên thoát nghèo từ mô hình chăn nuôi gà.

14/05/2018 14:05:00 Xem cỡ chữ
CTTĐT - Xã Minh Quán huyện Trấn Yên trong những năm gần đây đã tìm được hướng phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo bằng mô hình chăn nuôi gia cầm.

Hộ nông dân chăn nuôi gà

Điều đáng nói là các hộ chăn nuôi đã liên kết với nhau tạo thành một nhóm hoạt động hỗ trợ lẫn nhau trong chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao và bền vững, phát triển khá mạnh cả về số lượng và chất lượng. Không chỉ dừng lại ở những mô hình nuôi từ vài trăm đến vài nghìn con gà, hiện nay, toàn xã đã có tới hơn 30 hộ chăn nuôi gà quy mô lớn với số lượng từ 3.000 đến hơn 10.000 con/lứa. Hiện nay toàn xã Minh Quán có tới  26 hộ thành viên liên kết chăn nuôi với gần 40 trang trại, nhiều hộ có từ 2 - 3 trang trại. Riêng năm 2017, các hộ trong nhóm đã xuất bán khoảng gần 500 tấn gà thịt, thu về lợi nhuận gần chục tỷ đồng.

Để có thể thực tế nhìn thấy và hiểu rõ hơn sự nỗ lực xóa đói, giảm nghèo của người dân nơi đây, chúng tôi đã được Chủ tịch UBND xã dẫn đi thăm hộ anh Nguyễn Tiến Sơn - Trưởng nhóm hộ liên kết chăn nuôi gà xã Minh Quán. Trao đổi cùng đoàn công tác, anh Sơn cho biết: Từ khi thành lập nhóm đến nay, việc chăn nuôi của các thành viên thuận lợi hơn, không để xảy ra dịch bệnh lớn hay gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ. Bên cạnh việc hỗ trợ nhau về kiến thức, kỹ thuật chăn nuôi thì việc tham gia nhóm cũng giúp các hội viên nâng cao ý thức chăn nuôi, hạn chế tình trạng sử dụng bừa bãi các chế phẩm như thuốc kháng sinh, chất kích thích. Mặt khác, nhờ liên kết chăn nuôi nên nông dân có điều kiện tiếp cận và lựa chọn các loại giống vật nuôi chất lượng, phù hợp với nhu cầu thị trường. Tham gia nhóm, các thành viên đều tuân thủ nguyên tắc hoạt động xuất nhập đàn phải cùng thời điểm, giải phóng chuồng hoàn toàn, sử dụng cùng loại con giống được thị trường ưa chuộng hiện nay là giống gà Minh Dư cùng thuốc thú y, vac xin, thức ăn chăn nuôi để thuận lợi trong việc quản lý, chăm sóc đàn gà và tuân thủ đúng quy trình chăn nuôi an toàn.

Nhóm hộ liên kết chăn nuôi gà ở Minh Quán là mô hình kinh tế tiêu biểu ở địa phương, là điểm sáng của kinh tế tập thể của các hộ nông dân cần được nhân rộng, tiến đến thành lập hợp tác xã. Ngoài việc mang đến nguồn thu nhập ổn định, giúp tổ viên nâng cao đời sống kinh tế còn tạo việc làm cho hàng chục lao động địa phương. Từ đó, góp phần thay đổi tư duy, phương thức sản xuất nhỏ lẻ thành kiểu sản xuất có liên kết với quy mô lớn, nâng cao giá trị nông sản. Việc nông dân chủ động liên kết trong chăn nuôi gà sẽ giúp giảm thiểu những rủi ro, tăng lợi nhuận, vừa thúc đẩy phong trào chăn nuôi ở địa phương phát triển theo hướng mở rộng quy mô hiệu quả.

Đây cũng là cơ hội tạo sự liên kết chặt chẽ giữa "4 nhà”: Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông trong phát triển chăn nuôi nói riêng và sản xuất nông nghiệp nói chung. Hợp tác, liên kết để phát triển và sống chung với những khắc nghiệt của thị trường tạo ra chuỗi giá trị trong sản xuất, kinh doanh là con đường tất yếu mà các cơ sở, hộ chăn nuôi cần nhìn nhận chuyển hướng; đồng thời, cần được sự quan tâm, vào cuộc của cả ngành chuyên môn, chính quyền địa phương.

Được biết trong thời gian tới xã Minh Quán sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng hướng dẫn và hỗ trợ  người dân chăn nuôi hàng hóa áp dụng công nghệ cao vào sản xuất, chăn nuôi hữu cơ; bảo đảm vệ sinh môi trường; đẩy mạnh các hình thức liên kết trong chăn nuôi, khuyến khích liên kết dọc theo chuỗi cung cấp sản phẩm ra thị trường. 

 

 

BBT