Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Nghĩa Lộ trên 8 nghìn lượt hội viên, nông dân đăng ký thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi.

14/05/2018 14:25:00 Xem cỡ chữ
CTTĐT - Trong 5 năm từ năm 2012 - 2017, Hội nông dân Thị xã Nghĩa Lộ đã có tới 8.570 lượt hội viên, nông dân đăng ký thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi. Trên các bản làng, tổ dân phố, người dân thi đua lao động, xây dựng các mô hình trang trại chăn nuôi, trồng trọt cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Ông Lò Văn Pành ở tổ 2, phường Cầu Thia thu hoạch dưa lê.

Xuất thân từ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, ông Lò Văn Pành, tổ dân phố 2, phường Cầu Thia đã đi nhiều nơi mong tìm được công việc phù hợp và có thu nhập ổn định nhằm giúp đỡ gia đình. Nhưng cuối cùng, ông Pành quyết định trở lại quê và gắn bó với nghề nông khi ông nhận ra tiềm năng đất đai, khí hậu, thị trường ở Nghĩa Lộ rất phù hợp cho phát triển nông nghiệp. Với ý nghĩ đó, năm 2006, ông bắt tay vào trồng dưa lê, dưa hấu, cà chua, rau đậu các loại theo hướng an toàn theo mùa.

Nhờ tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình trồng, chăm sóc, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nên sản phẩm rau, củ, quả của gia đình ông Pành được người tiêu dùng rất ưa chuộng. Giá bán trung bình các sản phẩm như dưa lê, dưa hấu từ 10 - 15.000/kg; cà chua 5 - 15.000 đồng/kg; chanh từ 10 - 30.000 đồng/kg... mỗi năm từ diện tích gần 3.000 m2 đất trồng rau mang về cho gia đình ông Pành thu nhập hơn 100 triệu đồng. Đến nay, kinh tế gia đình ông đã thuộc hộ khá giả trong tổ và con cái đều được học hành chu đáo.

Ông Lò Văn Thái ở thôn Ả Hạ, xã Nghĩa Phúc đầu tư gần 3 tỷ đồng - số tiền mà hai vợ chồng ông tích cóp được trong hơn 3 chục năm qua để mua đất, xây dựng chuồng trại, mua cây con giống để làm trang trại tổng hợp gồm nuôi hơn 2.500 con vịt, gà thịt và đẻ trứng; gần chục con trâu, bò; 3.000 m2  ao cá; gần trăm đôi chim bồ câu Pháp; trồng 1.500 m2 mía và các loại cây ăn quả như chanh, bưởi, xoài… từ năm 2015. Khi mới bắt tay vào làm trang trại, nhiều người nói vợ chồng ông Lò Văn Thái và bà Lò Thị Mơ là những người khùng. Bởi, với số tiền ấy, nhiều người có thể đầu tư vào kinh doanh nhiều lĩnh vực cho thu nhập cao và nhàn hạ hơn.

Nhưng với ước mơ từ lâu là có một trang trại cho riêng mình, năm 2015, sau khi đi tham quan tìm hiểu các mô hình phát triển kinh tế trang trại tổng hợp ở thị xã Nghĩa Lộ, các tỉnh lân cận và tìm hiểu trên sách báo… vợ chồng ông Thái đã quyết định đầu tư xây dựng trang trại tổng hợp. 

Trong quá trình phát triển trang trại, ông bà dành nhiều thời gian dự các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng cây ăn quả theo hướng an toàn thực phẩm do thị xã và xã tổ chức.

Kết quả, từ giữa năm 2016 trang trại của ông Thái bắt đầu cho thu nhập. Riêng năm 2017, sau khi trừ chi phí, trang trại đã mang về nguồn thu gần 300 triệu đồng. Ngoài ra, còn giải quyết việc làm thường xuyên cho từ 5 - 6 lao động địa phương với mức thu nhập từ 3 triệu đồng/người/tháng trở lên.

Trao đổi với ông Hà Đức Thuy - Chủ tịch Hội Nông dân thị xã Nghĩa Lộ được biết: những năm qua, Phong trào Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi được các cấp hội nông dân trên địa bàn thị xã chú trọng quan tâm. Các cấp hội đã tập trung tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa; khích lệ nông dân chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn đầu tư vốn, áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh. 

Đặc biệt, Hội Nông dân thị xã còn chú trọng phát động phong trào học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Phong trào Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi và đã tạo nên sự chuyển biến trong nhận thức, hành động của cán bộ, hội viên nông dân ở thị xã. Qua bình xét, đã có 7.119 lượt hội viên đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp; trong đó, cấp tỉnh 373 hộ; cấp thị xã 1.586 hộ; cấp xã, phường 5.160 hộ. 

Nhờ đó, chất lượng và hiệu quả Phong trào ngày càng được nâng lên, xuất hiện nhiều hộ đầu tư sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa trên tất cả các lĩnh vực, trồng trọt, chăn nuôi, kinh doanh dịch vụ tổng hợp cho thu nhập từ 100 - 300 triệu đồng/năm như ông Cầm Ngọc Minh, thôn Bản Lè, phường Trung Tâm; ông Lường Văn Mộc thôn Đêu 2, xã Nghĩa An; ông Chu Văn Luật, thôn Đêu 3, xã Nghĩa An; ông Lò Văn Tý, Lường Văn Lập, Hoàng Văn Lâm, Lò Văn Xuân, xã Nghĩa Lợi; ônng Nguyễn Hữu Lưu, tổ 12, phường Pú Trạng …

Bằng tâm huyết, trách nhiệm, nhiều hội viên, nông dân đã mạnh dạn đi đầu trong phát triển kinh tế cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm ở thị xã Nghĩa Lộ đã minh chứng thực tế dù còn nhiều khó khăn nhưng người dân hoàn toàn có thể thoát nghèo, vươn lên làm giàu từ chính đồng đất quê hương mình. 

 

BBT