Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Yên Bái hỗ trợ truyền thông giảm nghèo

29/08/2018 09:27:00 Xem cỡ chữ
CTTĐT - Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm góp phần làm rõ nguyên nhân những hạn chế, bất cập trong công tác giảm nghèo trong thời gian qua là hết sức cần thiết để việc triển khai Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 đạt hiệu quả cao hơn. Tỉnh Yên Bái đã tăng cường hỗ trợ truyền thông giảm nghèo đạt hiệu quả tích cực.

Hỗ trợ phương tiện truyền thông cho các hộ nghèo

Tính từ năm 2016 đến nay, tổng vốn hỗ trợ tuyên truyền giảm nghèo giai đoạn từ năm 2016 đến nay là 2,750 tỷ đồng (vốn sự nghiệp).

Tỉnh Yên Bái đã thực hiện các nội dung xây dựng các phóng sự, tin, bài về chương trình giảm nghèo, an sinh xã hội nhằm tuyên truyền các chính sách giảm nghèo của Đảng, nhà nước, của tỉnh đến với nhân dân; tổ chức đối thoại trực tuyến trên Cổng thông tin điện tử tỉnh Yên Bái giữa lãnh đạo các cơ quan chuyên môn với nhân dân về chính sách giảm nghèo; phát hành 1.200 cuốn tài liệu về công tác giảm nghèo, bảo trợ xã hội cấp phát cho cán bộ cấp tỉnh, huyện, xã hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ được giao; phát hành 37.200 tờ rời tuyên truyền chính sách và hướng dẫn cán bộ giảm nghèo và người dân về quy trình rà soát thống kê hộ nghèo hàng năm; toàn tỉnh hiện có 196 cán bộ tuyên truyền viên, báo cáo viên về công tác giảm nghèo.

Năm 2017 đã thực hiện hỗ trợ radio cho 775 hộ nghèo dân tộc thiểu số, hộ nghèo tại các xã đặc biệt khó khăn của 02 huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải; hỗ trợ phương tiện tác nghiệp phục vụ thông tin cổ động tại xã Hát Lừu (huyện Trạm Tấu) và xã La Pán Tẩn (huyện Mù Cang Chải); tổ chức lớp tập huấn nghiệp vụ tuyên truyền về công tác giảm nghèo cho 90 học viên là cán bộ phụ trách Đài Truyền thanh cơ sở.

Các huyện, thị xã, thành phố đã tích cực tuyên truyền trên Đài Truyền thanh và Truyền hình cấp huyện, Đài Truyền thanh cấp xã và các hình thức tuyên truyền khác trên địa bàn về công tác giảm nghèo và an sinh xã hội.

Với cách tiếp cận mới về giảm nghèo, điều quan trọng là cần đẩy mạnh tuyên truyền nhằm góp phần thay đổi nhận thức về giảm nghèo của cán bộ, chính quyền các cấp và người dân. Áp dụng chuẩn nghèo đa chiều ở Việt Nam là một phương thức để hiện thực hóa mục tiêu giảm nghèo bền vững và phù hợp với nhận thức chung của thế giới trong cuộc chiến chống đói nghèo toàn cầu. Chúng ta đang đứng trước nhiều thách thức lớn trong giảm nghèo đa chiều bền vững. Vượt qua những thách thức ấy, đòi hỏi phải thay đổi nhận thức và hành động của nhiều ngành, nhiều cấp và của chính người dân - đối tượng trực tiếp của các chính sách giảm nghèo. Thay đổi nhận thức là cả một quá trình và không hề đơn giản đối với các cấp chính quyền và người dân.

Nhìn chung, để góp phần thực hiện giảm nghèo đa chiều bền vững trong thời gian tới, cần có sự đổi mới về công tác tuyên truyền một cách đồng bộ và hiệu quả, nhằm nâng cao nhận thức về mô hình, cơ chế và các chính sách giảm nghèo. Đồng thời, cần tạo sự đồng tâm và đồng lòng của cấp ủy, chính quyền và nhân dân trong công cuộc xóa đói giảm nghèo bền vững, góp phần thực hiện thành quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. 

 

Ban Biên tập