Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Ngân hàng chính sách xã hội mở ra cơ hội thoát nghèo cho người dân.

24/05/2019 15:50:00 Xem cỡ chữ
CTTĐT - Yên Bái là địa phương còn nhiều hộ nghèo, nhất là các huyện vùng cao, vùng khó khăn. Chính ở nơi đây, nguồn vốn tín dụng của NHCSXH đã trở thành một trong những "đòn bẩy" giúp bà con có vốn làm ăn, cho con học tập và xua đuổi cái nghèo.

Cán bộ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Trạm Tấu giải ngân vốn vay hộ nghèo

Tính đến hết năm 2018, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Yên Bái đã triển khai 13 chương trình tín dụng chính sách, tổng dư nợ các chương trình đạt 2.767,6 tỷ đồng với 84.210 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, các đối tượng chính sách khác đang có dư nợ tại NHCSXH.  Trong đó, dư nợ các chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi là 1.750 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 63% tổng dư nợ, số hộ còn dư nợ là 49.769 hộ. 

Nhờ chương trình tín dụng chính sách với nguồn vốn ưu đãi, những năm qua, đã giúp cho hộ nghèo và đối tượng chính sách đầu tư vào phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, bảo đảm đời sống và từng bước thoát nghèo, góp phần thực hiện tăng trưởng kinh tế, ổn định giá cả, kiềm chế lạm phát, hoàn thành chỉ tiêu giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội, góp phần quan trọng vào việc thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.  Việc đầu tư vốn các chương trình đã chú trọng tới chất lượng và vừa thực hiện cho vay đúng đối tượng vừa nâng suất đầu tư đảm bảo phù hợp với nhu cầu sử dụng của hộ nghèo. Các đơn vị đã chủ động tham mưu với chính quyền cấp xã trong việc rà soát danh sách hộ nghèo và phê duyệt đối tượng vay vốn. 

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả nêu trên, chương trình tín dụng chính sách còn gặp một số khó khăn nhất định, đó là việc quy định mức cho vay tối đa đối với các chương trình sản xuất, kinh doanh là 50 triệu đồng/hộ, thời hạn cho vay tối đa 5 năm không còn phù hợp với nhu cầu thực tế hiện nay do chi phí đầu tư vào sản xuất đã tăng cao, đặc biệt chi phí trồng trọt một số loại cây có giá trị kinh tế cao: quế, sơn tra, cây ăn quả đặc sản. Một số lĩnh vực đầu tư chủ yếu như trồng rừng, chăn nuôi thì thời gian thu hồi vốn lên tới 7 - 10 năm và nhiều hộ vay vốn để làm nhà ở, làm công trình nước sạch với số tiền đã lên tới 50 triệu đồng nên rất thiếu vốn để đầu tư làm ăn. Số hộ khác muốn mở rộng chăn nuôi nhưng thiếu vốn để tăng đàn, trong khi hạn mức vay đã hết, nên chấp nhận vay vốn bên ngoài với mức lãi suất cao tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Để tháo gỡ những khó khăn trên; đồng thời, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc góp phần ngăn chặn tác động của tín dụng đen, ngày 22/02/2019, Hội đồng Quản trị NHCSXH đã ban hành Quyết định số 12 về việc nâng mức cho vay và thời hạn cho vay tối đa đối với hộ nghèo để đầu tư vào sản xuất kinh doanh. Theo đó, hộ nghèo, hộ cận nghèo được vay vốn đầu tư vào sản xuất, kinh doanh với mức tối đa lên tới 100 triệu đồng, thời hạn cho vay tối đa 10 năm; hộ mới thoát nghèo, hộ hưởng chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn (theo Quyết định 2085/QĐ-TTg) được vay mức tối đa 100 triệu đồng. 

Quyết định 22 của Hội đồng Quản trị NHCSXH Việt Nam thực sự mở ra cơ hội cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ nghèo thuộc vùng dân tộc miền núi giúp bà con có đủ vốn để đầu tư vào các phương án sản xuất, kinh doanh hoặc mở rộng các phương án đang có hiệu quả và phù hợp với chu kỳ sản xuất, kinh doanh. Thời hạn cho vay tối đa của chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo lên tới 10 năm cũng đảm bảo phù hợp với một số đối tượng đầu tư đặc thù và khả năng trả nợ của người vay.

 

Ban Biên tập