Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Cây Khôi Nhung hiệu quả kinh tế, nhiều hộ dân thoát nghèo.

05/06/2019 13:57:00 Xem cỡ chữ
CTTĐT - Thời gian gần đây, nhiều địa phương trong tỉnh Yên Bái đã chuyển đổi từ đất trồng lúa, trồng màu kém hiệu quả hay đất dưới tán rừng để trồng cây dược liệu trong đó có cây Khôi Nhung, một loại cây mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.

Ông Giàng A Câu - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh (đứng giữa) thăm mô hình trồng cây lá khôi Nhung của ông Phạm Bá Chiến, thôn Đầm Hồng, xã Cường Thịnh, huyện Trấn Yên.

Tận dụng diện tích đất dưới tán rừng, nhiều hộ dân ở huyện Trấn Yên đã trồng cây Khôi Nhung, đây là cây được dùng trong bài thuốc điều trị bệnh đau dạ dày, tiểu đường, tim mạch, huyết áp, những bệnh dị ứng với thuốc kháng sinh, kháng viêm rất an toàn, không có tác dụng phụ. 

Chúng tôi tới thăm mô hình trồng cây Khôi Nhung của gia đình ông Phạm Bá Chiến ở thôn Đầm Hồng, xã Cường Thịnh, huyện Trấn Yên, một trong những hộ đầu tiên đưa cây khôi nhung về trồng tại vườn nhà. Hiện nay ông Chiến có khoảng 6 sào khôi nhung và cho thu nhập mỗi năm trên 100 triệu đồng. Ông Chiến cho biết: Cách đây hơn chục năm, nhiều người đã tìm đến đặt mua lá của cây khôi nhung và chúng tôi thường lên rừng tìm về bán. Nguồn lá khôi cạn kiệt dần, chúng tôi nghĩ đến việc đưa cây về vườn nhà trồng thử nghiệm. Thấy cây hợp với đất ở lòng khe nên chúng tôi đưa cây về ươm và nhân rộng.

Cùng với ông Chiến, gia đình bà Hoàng Thị Thảo, thôn Đất Đen cũng đã trồng cây khôi Nhung gần 1 ha. Nhờ chăm sóc tốt và phù hợp với điều kiện đất đai nên cây phát triển nhanh, ra nhiều lá.  Dự kiến sau hơn 1 tháng nữa, diện tích khôi nhung của bà Thảo sẽ cho thu hoạch đợt lá đầu. Toàn bộ số lá khôi trong xã được ông Chiến thu gom cung cấp cho các công ty dược nên bà Thảo và người dân Cường Thịnh rất yên tâm. 

Trên địa bàn huyện Trấn Yên hiện có khoảng trên 10 ha cây lá Khôi Nhung, trong đó, 8 ha ở xã Cường Thịnh. Được Hội Nông dân khuyến khích, hỗ trợ đã có 3 tổ hợp tác trồng cây dược liệu ra đời ở các xã: Cường Thịnh, Đào Thịnh, Việt Hồng tạo điều kiện cho người dân liên kết sản xuất theo chuỗi hàng hóa tập trung, tạo tính bền vững, nâng cao thu nhập cho hội viên nông dân. 

Theo bà Nguyễn Thị Phương Đông - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Trấn Yên: "Đây là mô hình trồng cây dược liệu mới, bước đầu đem lại giá trị kinh tế cao cho một số hộ dân. Tuy nhiên, quy mô trồng loại cây dược liệu này còn nhỏ lẻ, phương pháp trồng, chăm sóc và thu hoạch vẫn theo cách thủ công nên đã hạn chế sự phát triển của cây, làm giảm năng suất thu hoạch lá. Thời gian tới, Hội Nông dân huyện tiếp tục chỉ đạo hội nông dân các xã kiểm tra, mở rộng diện tích; đồng thời, thành lập tổ hợp tác liên kết nhằm giúp bà con yên tâm sản xuất”.  Cùng đó, Hội Nông dân huyện tiếp tục triển khai thực hiện mô hình "Trồng cây dược liệu lá khôi dưới tán rừng trồng sản xuất và dưới tán cây đất vườn hộ tại xã Việt Hồng” với 10 ha, 31 hộ tham gia thực hiện. 

Được biết, hiện nay trên thị trường, lá cây Khôi Nhung khô có giá từ 200 - 250.000 đồng/kg, lá tươi 30.000 đồng/kg. Đây là cơ sở để người dân Cường Thịnh, huyện Trấn Yên  nhân rộng diện tích. Đây là mô hình trồng cây dược liệu mới nhưng bước đầu đem lại giá trị kinh tế cao cho một số hộ dân trong xã.

 

Ban Biên tập