Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Yên Bái: Thực hiện các giải pháp giảm nghèo bền vững

08/08/2019 13:48:00 Xem cỡ chữ
Triển khai Chương trình hành động 144-CTr/TU ngày 15/2/2019 của Tỉnh ủy Yên Bái về thực hiện Kết luận số 37-KL/TW ngày 17/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII và Nghị quyết Hội nghị lần thứ 22 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về thực hiện nhiệm vụ chính trị của tỉnh năm 2019; Kế hoạch số 131-KH/TU ngày 19/4/2019 của Tỉnh ủy về thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững năm 2019, công tác giảm nghèo đang được triển khai mạnh mẽ. Năm 2019, Yên Bái phấn đấu giảm 5,8% hộ nghèo (11.869 hộ)

Năm 2019, Yên Bái phấn đấu giảm 5,8% hộ nghèo (11.869 hộ)

Để đạt mục tiêu giảm 5,8% hộ nghèo (11.869 hộ) trong năm nay, tổng kinh phí triển khai thực hiện ước tính trên 5.440 tỷ đồng; trong đó, ngân sách Trung ương 1.621 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 29,81%; ngân sách địa phương trên 367 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 6,76%; vốn vay tín dụng ưu đãi 3.000 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 55,14%; vốn huy động khác trên 450 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 8,29%. 

Theo đó, trong 6 tháng đầu năm, các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo đã được triển khai gồm: đối với Chương trình 30a tại 2 huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải, năm 2019, Trung ương bố trí trên 136 tỷ đồng, gồm: vốn đầu tư phát triển trên 115 tỷ đồng, bố trí thu hồi vốn ứng trước của 10 công trình (5 công trình thủy lợi, 3 công trình giao thông và 2 công trình cấp nước) kinh phí 10,9 tỷ đồng; cấp vốn cho 12 công trình chuyển tiếp (3 công trình giao thông, 8 công trình thủy lợi, 1 công trình nước sạch), kinh phí 25,7 tỷ đồng; đầu tư mới 18 công trình (11 công trình giao thông, 7 công trình thủy lợi), kinh phí 78,4 tỷ đồng. 

Vốn sự nghiệp, đã cấp về cho các địa phương 20,9 tỷ đồng để triển khai: duy tu, bảo dưỡng các công trình sau đầu tư là 3,5 tỷ đồng; hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo là 16,1 tỷ đồng; hỗ trợ lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài là 1,2 tỷ đồng. 

Đối với Chương trình 135, tổng vốn trên 161,1 tỷ đồng, trong đó: vốn đầu tư phát triển trên 118,3 tỷ đồng, vốn sự nghiệp trên 42,7 tỷ đồng. Trong đó, vốn đầu tư phát triển dành trên 89,5 tỷ đồng đầu tư xây dựng 113 công trình tại các xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK) gồm: 55 công trình chuyển tiếp với số vốn đầu tư trên 42 tỷ đồng, 58 công trình khởi công xây dựng mới với số vốn trên 46 tỷ đồng; hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng tại 144 thôn, bản ĐBKK, kinh phí 28,8 tỷ đồng. 

Đối với vốn sự nghiệp, đã dành 8,4 tỷ đồng duy tu bảo dưỡng các công trình; 29,8 tỷ đồng hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn các xã, thôn, bản ĐBKK; 4,5 tỷ đồng nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ cơ sở trên địa bàn các xã, thôn bản ĐBKK. 

Qua 6 tháng, các địa phương đã mở 26 lớp tập huấn cho 1.737 cán bộ thôn, bản và cộng đồng dân cư; 4 lớp tập huấn cho 194 cán bộ cấp xã; tổ chức 1 đoàn tham quan học tập kinh nghiệm cho 38 người tại một số tỉnh miền Trung. Ngoài  ra, các địa phương đang triển khai Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn các xã ngoài Chương trình 30a và Chương trình 135, với vốn Trung ương bố trí năm 2019 trên 2,1 tỷ đồng. 

Ngoài hai dự án chính trên, ngành lao động - thương binh và xã hội và các địa phương đang triển khai 2 dự án là: truyền thông và giảm nghèo về thông tin, vốn trên 1,9 tỷ đồng (truyền thông về giảm nghèo 696 triệu đồng); nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá thực hiện chương trình, vốn trên 1,5 tỷ đồng. 

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh và Cổng Thông tin điện tử tỉnh triển khai các hoạt động tuyên truyền; mở 8 lớp tập huấn nâng cao năng lực cán bộ làm công tác giảm nghèo cấp huyện, xã và thôn cho 734 học viên; các địa phương trực tiếp thực hiện là 613 triệu đồng.

Giúp các hộ dân thực hiện giảm nghèo bền vững, 6 tháng qua, đã có 4.629 hộ (2.586 hộ nghèo, 1.269 hộ cận nghèo, 774 hộ mới thoát nghèo) được vay vốn thông qua hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội với doanh số cho vay trên 212 tỷ đồng, mức vay bình quân đạt trên 45,8 triệu đồng/hộ. Ngoài ra, tỉnh triển khai hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo, hộ chính sách xã hội với nguồn vốn Trung ương bố trí trên 36 tỷ đồng. 

Thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở năm 2019, dự kiến có 952 hộ được hỗ trợ theo chương trình của Đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo theo Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg (Chương trình hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg giai đoạn 2), mức 50 triệu đồng/hộ. Bên cạnh đó, Quỹ "Vì người nghèo” tỉnh Yên Bái đã cấp 900 triệu đồng để hỗ trợ làm 60 nhà ở cho hộ nghèo tại 8 huyện, thị xã trong tỉnh, mức hỗ trợ 15 triệu đồng/hộ.

 Cùng với chính sách cho vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, năm 2019, toàn tỉnh đã thực hiện mua và cấp 537.379 thẻ bảo hiểm y tế cho các nhóm đối tượng là người nghèo, người cận nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, đối tượng bảo trợ xã hội, người dân sống trong vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, người dân tộc thiểu số sống trong vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, người làm nông - lâm - ngư nghiệp có mức sống trung bình, người từ 80 tuổi trở lên đang hưởng trợ cấp tuất hàng tháng. 

Đồng thời, thực hiện các chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, hỗ trợ tiền ăn trưa cho trẻ em mẫu giáo từ 3-5 tuổi; chính sách đối với học sinh bán trú và trường bán trú trên địa bàn tỉnh với kinh phí thực hiện cả năm 2019 trên 271 tỷ đồng; xây dựng cơ sở hạ tầng trường lớp học trên 156 tỷ đồng. 

Đồng bào dân tộc thiểu số tại vùng ĐBKK còn được hưởng chính sách trợ giúp pháp lý với kinh phí Trung ương bố trí năm 2019 là 1,1 tỷ đồng. Cùng chính sách và nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, chương trình giảm nghèo trên địa bàn tỉnh còn nhận được sự hỗ trợ từ các dự án NGO, ODA, đặc biệt có sự vào cuộc trực tiếp các ban, ngành, đoàn thể của tỉnh trong giúp đỡ các hộ nghèo tại các xã được phân công phụ trách.

Song song thực hiện các chính sách giảm nghèo, hiện 100% đối tượng bảo trợ xã hội (23.890 đối tượng, tăng 433 đối tượng so với cùng kỳ năm 2018) đều được cấp thẻ bảo hiểm y tế theo quy định với kinh phí thực hiện chi trả trợ cấp 6 tháng ước đạt trên 60 tỷ đồng. Tỉnh còn thực hiện quản lý chăm sóc, nuôi dưỡng 93 đối tượng tại Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội tỉnh.

Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị qua triển khai tốt các chương trình, dự án giảm nghèo bền vững, chắc chắn công tác giảm nghèo của tỉnh sẽ đạt được mục tiêu đề ra.