Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Hiệu quả đào tạo nghề cho phụ nữ nông thôn

01/09/2021 09:12:00 Xem cỡ chữ
Đào tạo nghề, chuyển giao khoa học, kỹ thuật cho lao động vùng nông thôn, trong đó có phụ nữ được huyện Văn Yên thường xuyên quan tâm. Thời gian qua, trên địa bàn huyện đã xuất hiện nhiều mô hình đào tạo nghề và chuyển giao khoa học kỹ thuật cho lao động nữ nông thôn đem lại hiệu quả thiết thực.

Trong giai đoạn 2016 - 2021 đã đào tạo nghề cho trên 3.200 lượt phụ nữ

Hàng năm, UBND huyện Văn Yên đã tập trung chỉ đạo các địa phương tiến hành khảo sát, lựa chọn các nghề phù hợp, hiệu quả, mang tính bền vững, có khả năng thu hút nhiều lao động tại địa phương vào làm việc để dạy nghề và tạo việc làm cho người lao động.

Công tác tuyên truyền phụ nữ tham gia học nghề được tổ chức Hội phụ nữ các cấp trên địa bàn tích cực thực hiện, giúp nâng cao nhận thức và ý thức của nhiều hội viên, phụ nữ về việc học nghề. Thời gian qua, trên địa bàn huyện đã xuất hiện nhiều mô hình đào tạo nghề và chuyển giao khoa học kỹ thuật cho lao động nữ nông thôn đem lại hiệu quả như: mô hình sản xuất rau an toàn (xã Yên Hợp, Yên Phú) đã giải quyết việc làm cho 10 lao động thường xuyên, thu nhập bình quân 4 triệu đồng/người/tháng; mô hình chăn nuôi gà thả vườn xã Xuân Ái; mô hình tổng hợp xã Phong Dụ Thượng… 

Trung tâm Dịch vụ, Hỗ trợ phát triển nông nghiệp huyện Văn Yên với vai trò là cơ quan chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân đã rất quan tâm tới việc đào tạo nghề, chuyển tải những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới cho phụ nữ nông thôn. Hoạt động đào tạo nghề và chuyển giao kỹ thuật của Trung tâm thông qua tập huấn và xây dựng các mô hình trình diễn được thực hiện phù hợp với nhu cầu thực tế của sản xuất, nhận được sự đồng tình, ủng hộ và tham gia tích cực của nông dân, trong đó có 80% là phụ nữ. Trong giai đoạn 2016 - 2021, Trung tâm đã đào tạo nghề cho trên 3.200 lượt phụ nữ nhằm hỗ trợ phụ nữ nông thôn nắm bắt kiến thức, áp dụng hiệu quả vào sản xuất nông nghiệp; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển ngành nghề phụ. Mỗi năm, đơn vị tổ chức tập huấn kỹ thuật cho trên 32.000 lượt người tham gia, trong đó tỷ lệ phụ nữ chiếm 80%. Trong công tác tập huấn kỹ thuật, Trung tâm đã xây dựng các mô hình trình diễn tiến bộ kỹ thuật mới, giúp người dân lựa chọn và xác định được phương thức làm ăn phù hợp, mang lại hiệu quả kinh tế cao, an toàn và bền vững. Nhiều mô hình tiêu biểu mang lại hiệu quả cao, được nông dân và các địa phương tuyên truyền nhân rộng như: mô hình sản xuất rau an toàn; chăn nuôi gà, lợn an toàn sinh học; mô hình trồng và thâm canh cây quả; mô hình canh tác sắn bền vững trên đất dốc; mô hình trồng cây ăn quả... 

Các tiến bộ kỹ thuật chuyển giao được lựa chọn trên cơ sở phù hợp với từng điều kiện và nhu cầu của địa phương và khả năng tiếp cận của phụ nữ, như: thâm canh lúa thuần chất lượng cao ở vùng Đại - Phú - An; chăn nuôi an toàn sinh học ở các xã: Xuân Tầm, Phong Dụ Thượng, Quế Thượng, Đông An, Xuân Ái, Yên Hợp…; sản xuất rau an toàn ở xã Yên Hợp; trồng dâu nuôi tằm ở Xuân Ái; ủ chua thức ăn xanh cho gia súc ở xã An Thịnh, Đông Cuông… 

Nhờ được học nghề, tiếp thu tiến bộ khoa học kỹ thuật, nhiều phụ nữ vùng nông thôn trên địa bàn huyện đã biết áp dụng tốt các kiến thức được học vào sản xuất, phát triển kinh tế hiệu quả, làm giàu cho gia đình như chị: Mai Thị Thâng ở thôn Cao Sơn, Mai Thị Nga ở thôn Làng Trạng, xã Phong Dụ Thượng; chị Trần Thị Tình ở thôn Yên Hòa, xã Yên Hợp; chị Nguyễn Thị Kỳ ở thôn Cầu Vải, xã Mậu Đông… góp phần nâng giảm tỷ lệ hộ nghèo, nâng cao đời sống người nông dân vùng nông thôn trên địa bàn huyện.