Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin hoạt động >> Văn hóa - Xã hội

Đặc sản của huyện vùng cao Trạm Tấu

19/07/2022 17:04:24 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Nằm ở độ cao từ 800 - 2.000 m so với mực nước biển, huyện vùng cao Trạm Tấu là nơi có những tiềm năng trong phát triển sản xuất, chế biến nông - lâm sản, tài nguyên khoáng sản, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng với những lợi thế riêng có về bề dày văn hóa của cộng đồng các dân tộc. Đây cũng là nơi để khám phá đặc sản nổi danh của các dân tộc Mông, Thái như lợn đen, gà đen, măng ớt, gạo nếp 87… là những món quà kỳ diệu mà thiên nhiên ban tặng cho vùng đất này.

* Lợn đen:

Lợn đen Trạm Tấu là giống lợn bản địa được nuôi nhiều đời tại Trạm Tấu. Lợn đen được nuôi ở 11 xã đồng bào dân tộc Mông với tổng số hộ chăn nuôi là 2.742 hộ, trong đó số lượng đàn lớn tập trung nuôi ở các xã: Bản Mù, Bản Công, Xà Hồ, Trạm Tấu, Pá Hu, Pá Lau, Túc Đán, Phình Hồ, Làng Nhì, Tà Xi Láng và tại một số hộ của xã Hát Lừu.

Số lượng Lợn đen bản địa trên toàn huyện đạt khoảng 20.300 con. Thời gian nuôi khá dài từ 1-2 năm. Lợn đen bản địa Trạm Tấu là giống lợn có màu đen, mõm dài, chân nhỏ, tai nhỏ, lông ở giữa dọc sống lưng dài hẳn lên so với lông ở các vùng khác. Có tầm vóc nhỏ, tốc độ sinh trưởng chậm nhưng bù lại chất lượng thịt lại thơm ngon đặc biệt, miếng thịt ít mỡ, ăn không ngấy, khi chín từ ngoài vào trong chỉ có một lớp bì dày, rồi đến một lớp thịt nạc thật mềm, ngọt lịm. Lợn đen Trạm Tấu được nuôi theo mô hình bán chăn thả. Chúng chỉ ăn cám gạo, cám ngô, sắn, rau chuối băm nhỏ. Do giống lợn này được thuần hóa lâu đời nên thích nghi tốt với điều kiện khí hậu khắc nghiệt của các huyện vùng cao, dễ nuôi, phàm ăn và có sức đề kháng cao, chống chịu bệnh tốt.

Ngoại hình lợn đen bản địa Trạm Tấu

Lợn đen bản địa là một trong những đặc sản của huyện Trạm Tấu. Giá phụ thuộc vào trọng lượng của từng con, cụ thể: lợn dưới 20 kg/con có giá trung bình từ 100.000 - 120.000 đồng/kg, vào dịp Tết Nguyên Đán giá dao động từ 150.000 - 180.000 đồng/kg. Đối với lợn trên 20kg/con có giá trung bình từ 65.000 - 80.000 đồng/kg.

           

Các món chế biến từ thịt lợn đen Trạm Tấu như: Lợn nướng cả con; Lợn thái miếng xiên nướng; Lợn hấp; Lợn xào; Lợn rang cháy cạnh...

Hiện nay nhu cầu về lợn đen trên thị trường lớn nên bán được giá, sản xuất không đủ cung cấp ra thị trường. Các hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện được chính quyền hỗ trợ nhiều mặt như vốn, khoa học kỹ thuật, đầu ra sản phẩm… đây cũng là các yếu tố thuận lợi để phát triển chăn nuôi, góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân nơi đây.

* Gà đen:

Gà đen bản địa của huyện Trạm Tấu hay còn gọi là Gà H’mông, là một giống gà có nguồn gốc từ các tỉnh miền núi phía bắc do đồng bào dân tộc Mông chăn nuôi theo tập quán chăn thả tự nhiên. Giống gà này có sức đề kháng tốt, có khả năng thích nghi tốt với điều kiện thời tiết, khí hậu, khá phù hợp với phương thức chăn thả tự nhiên hoặc bán chăn thả. Thịt gà H’mông có giá trị cao hơn nhiều giống gà nội khác.

Gà đen bản địa Trạm Tấu có nhiều loại hình màu lông, tuy nhiên có 3 màu chủ yếu là hoa mơ, trắng và đen tuyền. Con trống có mào cờ cao, còn con mái có mào cờ thấp. Trọng lượng gà trưởng thành đạt từ 1,5- 2,0 kg.

Đặc điểm nổi bật của gà đen bản địa Trạm Tấu là xương đen và rất cứng, thịt đen, phủ tạng đen, da ngăm đen (màu chì), chân đen 100%, chân có 4 ngón.

Ngoại hình gà đen bản địa Trạm Tấu

Gà đen bản địa Trạm Tấu được nuôi theo hình thức bán chăn thả. Đây là phương thức nuôi truyền thống có từ lâu đời, do đó gà đen thích nghi với điều kiện ngoại cảnh rất tốt.

Số lượng Gà đen bản địa trên địa bàn huyện Trạm Tấu là 41.300 con chiếm hơn 30% tổng số đàn gia cầm của toàn huyện. Đàn lớn tập trung nuôi ở các xã Bản Công, Xà Hồ, Hát Lừu, Pá Lau, Trạm Tấu. Đối với các hộ sản xuất kinh doanh, số lượng đàn gà dao động từ 800 cho đến 1.200 con.

Thời gian nuôi gà đen bản địa khá dài, từ lúc nở cho đến khi nuôi cần 5-6 tháng trở lên. Gà đen là giống gà quý hiếm, có giá trị dinh dưỡng cao vừa dùng làm thực phẩm, vừa dùng làm thuốc. Giá bán gà luôn dao động trong khoảng 150.000 - 180.000 đồng/kg, cao hơn 40.000 - 50.000 đồng/kg so với giá bán gà ri lai, gà mía. Trong những năm gần đây, do thu nhập từ chăn nuôi Gà đen tăng lên đã khuyến khích các hộ gia đình mở rộng quy mô nuôi. Do chăn thả tự nhiên và gà được nuôi bằng ngô, sắn, thóc,... cho nên thịt gà rất thơm, mềm nhưng săn chắc, ngọt.

Theo kết quả điều tra cho thấy, 100% hộ dân đều nuôi theo phương thức thả vườn. Thức ăn chính của gà là thóc, ngô, sắn và cây chuối băm nhỏ; 100% hộ dân không sử dụng thức ăn công nghiệp trong chăn nuôi. Đây chính là một trong những yếu tố tạo nên hương vị thơm ngon của sản phẩm gà. Thịt gà đen có vị ngọt, mặn, mùi thơm, tính ấm, có tác dụng bổ dưỡng cao, bổ can thận, ích khí huyết, giúp phục hồi sức khỏe nhanh, cầm máu, an thần, giảm đau, đặc trị các bệnh về phổi, thận, mồ hôi trộm, đau lưng, đái tháo đường, di tinh, kiết lỵ lâu ngày, nóng trong xương, chây tay yếu mỏi, thiếu máu. Có thể chế biến thành nhiều món ngon như: món canh gà, gà nướng, gà hấp cùng các gia vị, thảo dược đặc trưng của núi rừng Tây Bắc như hạt dổi, hạt mắc khén, lá mắc mật..., tạo thành những món ăn có hương vị riêng khó quên.

Gà đen là giống gà quý hiếm, có giá trị dinh dưỡng cao vừa dùng làm thực phẩm, vừa dùng làm thuốc.

Việc chăn nuôi giống gà đen bản địa không đòi hỏi yêu cầu quá cao, người dân có thể tận dụng hệ thống chuồng trại và nguồn thức ăn tại chỗ. Với khả năng thích nghi tốt với điều kiện khí hậu vùng cao, việc tập trung chăn nuôi gà đen trên địa bàn huyện Trạm Tấu không chỉ giúp bảo tồn giống gà bản địa mà còn là hướng đi hiệu quả, giúp người dân địa phương phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập và vươn lên làm giàu ngay tại quê hương.

* Gạo nếp 87

Chí chủa, nếp cẩm, nếp nương là những loại gạo nương ngon nức tiếng do người Mông trồng và chỉ có ở vùng cao như Trạm Tấu. Tuy nhiên, những năm gần đây, Trạm Tấu còn có loại gạo nếp mới đặc biệt thơm ngon.

Theo số liệu năm 2021 của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trạm Tấu, có 115 hộ trồng, trong đó tập trung chủ yếu ở xã Hát Lừu. Diện tích trồng lúa nếp 87 chiếm 30 - 35% diện tích trồng lúa của toàn xã Hát Lừu, khoảng 80 ha. Diện tích trồng lúa nếp ở mỗi hộ cũng khác nhau, hộ ít thì dưới 400-500 m2, hộ nhiều thì 7000-8000 m2, năng suất bình quân 4,6 - 5,1 tấn/ha, vụ Xuân thì năng suất cao hơn, đặc biệt ở mô hình mẫu trồng lúa nếp 87 đạt tới 5-7 tấn/ha. Lúa nếp này được người dân Trạm Tấu trồng từ rất lâu, đây là giống lúa nếp do Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Việt Nam chọn tạo. Giống lúa nếp này được chọn lại từ 1 dòng đột biến cao cây của nếp IR 352, chiều cao cây 100 - 105cm, cây cứng và đẻ nhánh khỏe, khả năng thích ứng rộng, chịu rét cao chất lượng tốt, có giá trị hàng hóa cao. Đây là giống lúa nếp, có thời gian sinh trưởng vụ mùa 123-128 ngày, vụ xuân 145-152 ngày. So với giống lúa nếp IR 352, lúa nếp 87 (N98) cho năng suất cao hơn từ 10 đến 20%, cơm dẻo hơn.

Hiện nay, giống lúa nếp này được người dân tự để giống, thông qua quá trình sản xuất, cây lúa nếp này bước đầu trở thành một sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của huyện. Giá bán gạo nếp 87 đạt trung bình là 18.000 đồng/kg, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân trong vùng sản xuất. Các hộ ở thị trấn thu gom chủ yếu bán cho thương lái mang về thị xã Nghĩa Lộ và vùng lân cận để tiêu thụ. Sản phẩm Gạo nếp 87 Trạm Tấu rất ngon, và có mùi thơm đặc trưng. Khi nấu cơm nếp hoặc nấu xôi không cần cho thêm bất cứ gia vị gì, gạo được ngâm từ 2 đến 4 tiếng, gạo rất dẻo nên không cần ngâm lâu. Thời gian xôi từ 25 - 30 phút. Xôi có vị ngọt tự nhiên có cái mộc mạc của núi rừng, sự tinh túy của trời đất. Gạo nếp còn có thể chế biến các món như cơm nếp, xôi, bánh chưng, các món chè, sữa gạo, hoặc chưng cất rượu nếp. Bột gạo nếp được dùng để làm các món bánh như: bánh nếp, bánh giầy, bánh rán, bánh trôi, bánh gai, bánh cốm...

Huyện Trạm Tấu đang từng bước xây dựng và hình thành mô hình sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm theo liên kết chuỗi giá trị, giúp cho người dân yên tâm sản xuất, tăng thu nhập hộ gia đình, đồng thời cũng là cơ sở để mở rộng quy mô sản xuất trong thời gian tới.

* Măng ớt

Măng ớt Trạm Tấu là món ăn chỉ có ở huyện vùng cao Trạm Tấu của tỉnh Yên Bái được chế biến từ cây măng trúc gai (hay gọi là măng sạt gay, măng lay). Đây là loại măng rất đặc biệt, kích thước của măng nhỏ bằng ngón tay, bên trong thì lại đặc ruột, mọc trong rừng tự nhiên, trên các đai cao, mọc thành búi trên sườn của núi đá. Trên địa bàn huyện hiện có khoảng hơn 3.700 ha cây măng trúc gai, phân bố chủ yếu tại các xã Bản Mù, xã Bản Công, xã Xà Hồ, xã Trạm Tấu, xã Pá Lau, xã Túc Đán, xã Làng Nhì, xã Tà Si Láng và thị trấn Trạm Tấu. Có chiều dài từ 15-30 cm, màu trắng, măng được bà con thu hái. Thời vụ thu hái từ tháng 9 đến tháng 11, nhưng tập trung chủ yếu là cuối tháng 9 đến hết tháng 10, sản lượng trên 200 tấn/năm.

Mùa thu, khi lưng đèo mờ mờ sương, măng đua nhau mọc. Người dân thu hoạch măng về, làm sạch, sau đó xếp vào ống bương, hoặc chum để ủ. Cứ một lượt măng lại được rắc một lượt ớt tươi giã nhuyễn trộn với muối trắng. Khi măng đã đầy ống bương hoặc chum, người ta dùng đá nén chặt lại. Chừng 1 tháng sau khi ngâm thì măng có thể ăn được. Măng được ngâm trong dung dịch muối ớt trắng hồng, nõn nà, trông ngon mắt. Cắn một miếng măng ớt giòn, đầu lưỡi chạm ngay vào vị chua chua, cay cay, mùi thơm rất đặc trưng, quyến rũ, ai ăn một lần sẽ nhớ mãi. Không phải là món ăn chính, nhưng bữa cơm thiếu đi chút cay cay của măng ngâm ớt quả thật nhạt nhẽo đói với những người sành ăn. Măng ớt còn có thể kho cá, ăn cùng thịt luộc, mì tôm, cho vào nước chấm.

Măng được ngâm trong dung dịch muối ớt trắng hồng, nõn nà, trông ngon mắt.

Giá bán măng tươi nguyên liệu (măng sau khi đã bóc vỏ sạch sẽ) cho các cơ sở chế biến trung bình từ 20.000 – 25.000 đồng/kg. Thành phẩm măng ớt sau khi ngâm trung bình từ 50.000 – 60.000 đồng/hộp (hộp loại 1 kg). Thị trường tiêu thụ chủ yếu ở thị xã Nghĩa Lộ, huyện Trạm Tấu và vùng lân cận. Những năm gần đây, giá sản phẩm măng luôn ổn định đã giúp nhiều gia đình nông dân Trạm Tấu thoát nghèo.

* Chè Shan tuyết Phình Hồ

Lên vùng cao vào mùa lạnh, nếu được hơ mình bên bếp lửa hồng, nhấm nháp chén chè tỏa hơi ấm ngọt, nghe tiếng sáo Mông thi vị thì thật là tuyệt vời biết bao. Đây cũng chính là một trong nhiều thức uống đặc sản khá phổ biến ở tỉnh Yên Bái.

Chè Shan tuyết Phình Hồ - Trạm Tấu, Yên Bái trồng ở độ cao từ 900 - 1.500 mét so với mực nước biển, độ ẩm cao, quanh năm mây mù, khí hậu ôn hoà, chắt lọc những tinh tuý của đất trời tạo nên một loại chè thơm ngon tinh khiết. Chè Shan tuyết Phình Hồ nhiều cây trăm năm tuổi, tán rộng, xum xuê, lá to dày, búp mẩy, có nhiều lông tơ trắng mịn. Búp chè xanh non, sao lên có mùi thơm dễ chịu, nước pha ra vàng như mật ong, nhấp ngụm đầu tiên chỉ thấy vị chan chát, nuốt đến họng lại cảm nhận được vị ngọt đọng lại mãi nơi đầu lưỡi. Chè Shan tuyết Phình Hồ phát triển hoàn toàn tự nhiên, chắt lọc những tinh tuý của đất trời không chỉ có chất lượng thơm ngon mà còn là một sản vật mang thương hiệu riêng của vùng cao.

Xã Phình Hồ hiện có 180 ha chè Shan tuyết cổ thụ, và có khoảng 70.000 - 80.000 cây chè cổ thụ, tập trung ở các bản: Tà Chử, Phình Hồ, Chí Lư, Bản Mù, Bản Công, Pá Hu. Nhờ sức hấp dẫn của sản vật này mà Phình Hồ được nhiều người biết đến. Là loại cây xóa đói giảm nghèo hiệu quả của người dân nơi đây./.

279165 lượt xem
Thanh Hoa