Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Xứng đáng là người công bộc của nhân dân

21/02/2020 21:19:00 Xem cỡ chữ
CTTĐT - “Tôi chỉ là “công bộc” của nhân dân…”. Đó là câu nói rất khảng khái của nữ Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Việt Thành (huyện Trấn Yên) Lê Thị Lụa, khi chị nghe ai đó nói về mình. 9 năm trên cương vị lãnh đạo, chị đã cùng nhân dân vượt qua biết bao khó khăn, gian khổ để đưa Việt Thành từ một xã chậm phát triển trở thành xã không những đạt chuẩn nông thôn mới mà còn sắp sửa cán đích nông thôn mới nâng cao. Chính bởi sự nỗ lực và tinh thần cống hiến quên mình, hết lòng tận tụy vì nhân dân mà chị đã trở thành một trong số 129 điển hình tiêu biểu được tôn vinh trong cuộc triển lãm “Những tấm gương bình dị mà cao quý” lần thứ VII tại Hà Nội nhân kỷ niệm 129 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và chị cũng là một trong số 25 tập thể, cá nhân tiêu biểu của cả nước được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen tại Giao lưu toàn quốc các điển hình tiêu biểu học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2019, do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức tại Thủ đô Hà Nội…

Chị Lê Thị Lụa được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng tặng Bằng khen và hoa tại Giao lưu toàn quốc các điển hình tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Trưởng thành từ trong nhân dân

Sinh ra và lớn lên trên đất Việt Thành, gia đình thuần nông nghèo lại có tới 9 người con nhưng chị Lê Thị Lụa vẫn được cha mẹ nuôi cho học hết bậc trung học phổ thông. Nuôi ước mơ được làm cô giáo từ khi còn là một cô bé, song bởi hoàn cảnh gia đình khó khăn, cha mẹ lại thương con gái, không muốn để con đi xa nên ước mơ chị đành bỏ dở, ở nhà đào sắn, mót khoai, đỡ đần cha mẹ nuôi các em ăn học rồi xây dựng gia đình. Việt Thành những năm chín mươi còn nghèo lắm, cuộc sống của người dân chỉ trông vào vài mảnh ruộng khoán với cây ngô, cây sắn trồng tranh thủ mùa nước cạn dọc triền sông. Chồng làm cán bộ ở Trạm y tế xã, ngày đi làm, đêm đi trực. 7 năm sống ở nhà chồng, chị thay chồng vừa chăm sóc cha già, lo cho các em, vừa một tay nuôi 2 con thơ, lo việc đồng áng. Đến năm 1997, phần vì để thuận tiện cho chồng và con đi làm, đi học, phần vì muốn tách ra tự lập, tìm cơ hội phát triển kinh tế gia đình, chị Lụa bàn với chồng xin ra ở riêng. Ngày chuyển đến chỗ ở mới, tài sản lớn nhất anh chị có là khung nhà gỗ cũ với hơn tạ thóc bố chồng cho thì chỉ sau một đêm mưa lớn, khung nhà gỗ bị sập mà tạ thóc cũng bị lấy mất. Cuộc sống mới của 2 vợ chồng và 2 con nhỏ chỉ trông vào nguồn thu nhập duy nhất là 46 nghìn đồng từ lương của chồng. Vốn là người cần cù chịu khó lại năng động, quyết đoán nên chị Lụa không ngồi yên chịu đói. Chị quyết định đạp xe lên thành phố học cách đi buôn. Lần đầu tiên đặt chân lên thành phố, vậy mà chỉ trong một ngày, chị Lụa đã học được cách khâu giày, dép, rồi tìm được mối hàng quần áo, đồ lót để lấy về bán. Con nhỏ gửi bà ngoại trông nom, sáng đạp xe xuôi ngược từ phố huyện đến chợ Hóp chở hàng đi bán, chiều về lại lao vào đồng áng, ruộng vườn, ấy thế mà chị Lụa vẫn tham gia đủ các hoạt động phong trào đoàn thể của thôn, của xóm. Từ ngày còn ở nhà chồng, dù lam lũ ruộng vườn nhưng chị Lụa luôn là thành viên hăng hái trong các phong trào của Đoàn thanh niên, của Chi hội Phụ nữ, văn nghệ rồi thể thao, hoạt động nào cũng tham gia không thiếu mặt. Từ ngày đi buôn bán, chị có cơ hội tiếp xúc với người dân trong xã nhiều hơn. Là người phụ nữ hiền lành, tính tình chan hòa, cởi mở lại có lòng thương người. Dù chẳng khá giả gì nhưng hễ người nào khó khăn là chị lại giúp đỡ, khi thì bát cơm, đấu gạo, lúc lại bán hàng chịu, có khi người ta không có trả chị cũng cho luôn. Bà con phố chợ ai cũng quý, nhất là các chị em phụ nữ thường tìm đến chị chuyện trò, chia sẻ. Chuyện vui, chuyện buồn, đến cả những chuyện riêng tư thầm kín trong gia đình họ cũng muốn được chia sẻ, bởi họ có niềm tin từ sự chân thành, nhiệt tình của chị, và hơn thế, đôi khi họ còn nhận được từ chị sự đồng cảm, quan tâm và những lời khuyên hữu ích. Chuyện ở chợ không hết, có khi chị em còn đến tận nhà, chị em ôm nhau nằm tâm sự cả trưa. Từ những đồng cảm, sẻ chia ấy mà chị đã giúp cho nhiều chị em giải tỏa những bức xúc, bế tắc trong cuộc sống, đôi khi còn cứu vãn được hạnh phúc hôn nhân, giúp cho nhiều chị em giữ gìn mái ấm gia đình. Cũng chính từ đó, chị Lụa được chị em phụ nữ trong tổ tín nhiệm bầu vào làm cán bộ Hội, lãnh đạo xã tin tưởng giao cho làm cán bộ tuyên truyền, cán bộ chuyên trách dân số kế hoạch hóa gia đình… Với sự năng động và sáng tạo của mình, ở vị trí nào chị cũng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đưa các hoạt động phong trào từ không thành có, từ chậm chạp ì ạch thành sôi nổi, rầm rộ. Rồi chị được bầu vào Hội đồng nhân dân, làm Phó Chủ tịch Hội đồng. Năm 2010, Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XXI, chị Lụa được bầu giữ chức Phó Bí thư Thường trực, Chủ tịch UBND xã. Kể từ đây, chị chính thức bước vào hành trình làm “công bộc” của nhân dân.

Cầm chèo quyết vững tay chèo

Tiếp nhận vị trí Chủ tịch UBND xã, chị Lụa phải đối mặt với muôn vàn khó khăn. Do tuổi đời còn khá trẻ, là nữ, lại phát triển khá nhanh nên số đông các cán bộ lãnh đạo tiền nhiệm, các vị lão thành và một phần trong nhân dân còn nghi ngại khả năng của chị. Mặt khác, do nhiều nguyên nhân mà bao năm nay, Việt Thành vẫn là xã bị xếp đội sổ về mọi mặt với vị trí 25/27 xã, thị trấn của huyện cho dù đã có nền tảng khá vững chắc trong tiềm năng phát triển kinh tế từ cây dâu tằm… Trước thực tế ấy, chị Lụa nhiều đêm thức trắng, trăn trở, suy tính xem mình phải bắt đầu từ đâu, phải làm những gì và làm như thế nào để tạo dựng được niềm tin trong nhân dân, chứng minh được năng lực của mình và quan trọng nhất là phải làm tròn sứ mệnh, trách nhiệm mà Đảng và nhân dân giao phó. Sau khi nghiên cứu, phân tích tình hình cụ thể của xã, xác định rõ mọi căn nguyên của sự trì trệ mà xã đang gặp phải, việc đầu tiên chị Lụa quyết định bắt tay vào thực hiện lại chính là chấn chỉnh đội ngũ cán bộ, xốc lại tất cả các đầu mối trong cơ quan chính quyền xã. Chị Lụa bảo, Bác Hồ đã dạy, mọi việc đều phải “lấy dân làm gốc”. Chính quyền là do dân cử ra để bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân. Cán bộ chính là người thực hiện nhiệm vụ đó, vậy mà lại thiếu tôn trọng nhân dân, cửa quyền, hách dịch, sách nhiễu dân và làm việc vì lợi ích cá nhân chứ không phải vì lợi ích của dân thì bảo sao dân không tin, không đồng thuận. “Dân như nước; chở thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân; thuyền bị lật mới biết sức dân mạnh như nước”, có được sự tin yêu, chung sức của nhân dân thì việc gì cũng thành công. Muốn lấy lại được lòng tin và sự đồng thuận ấy thì việc đầu tiên là phải làm là thay đổi tư tưởng, tư duy, thái độ, tác phong, lề lối làm việc của toàn bộ hệ thống cán bộ từ xã xuống thôn. Việc này nói dễ không hề dễ, nói khó thì cực khó bởi lâu nay tác phong làm việc cũ như chiếc rễ cắm sâu trong đội ngũ cán bộ xã. Là lãnh đạo nữ mới nhận chức, trong khi còn nhiều người không đồng tình, ủng hộ nên chị gặp phải sự phản ứng mạnh mẽ khi thực hiện công tác nhạy cảm này. Song, với sự cương quyết và lập trường kiên định của mình, chị Lụa đã có nhiều biện pháp hợp tình, hợp lý, vận động thuyết phục có, răn đe kỷ luật có, cán bộ nào yếu, thiếu về năng lực làm việc chị cho đi đào tạo, bồi dưỡng, kể cả tự học; cán bộ thôn không đủ nhiệt tình, tâm huyết làm việc, chị sẵn sàng cho nghỉ, tìm người thay thế… Song song với việc chấn chỉnh đội ngũ, chị Lụa cho rà soát lại tất cả hồ sơ tồn đọng để đưa ra xử lý, giải quyết. Vụ việc nào dễ, chị giao cho cán bộ xử lý với những nguyên tắc làm việc hoàn toàn mới, vụ việc nào khó chị tự mình thực hiện. Trong số đó, có những vụ việc nghiêm trọng tồn tại từ nhiều năm, đã có sự vào cuộc của các cấp chính quyền mà chưa giải quyết được như vụ tranh chấp đất đai giữa hộ gia đình chính sách có con là liệt sĩ với Trường THCS. Do vụ việc chưa được giải quyết, phần đất để làm cổng trường không được giải tỏa nên trường bị che chắn, học sinh và giáo viên gặp khó khăn trong việc đi lại… Nghiên cứu hồ sơ, tìm gặp các vị lãnh đạo tiền nhiệm để tìm hiểu rõ ngọn ngành, nắm rõ các điểm mấu chốt của vụ việc, chị Lụa vừa mềm mỏng, khéo léo vận động, vừa vận dụng các quy định của pháp luật để tuyên truyền, thuyết phục, chỉ sau vài tháng, vụ việc tưởng chừng vĩnh viễn không bao giờ giải quyết được lại kết thúc một cách vui vẻ, êm thấm.

Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Việt Thành Lê Thị Lụa cùng nhân dân cuốc ruộng trồng dâu

Năm 2015, Đại hội Đảng bộ lần thứ XXII tín nhiệm bầu chị làm Bí thư kiêm Chủ tịch xã. Chính thức tiếp nhận công tác Đảng, chị lại bắt tay ngay vào công tác củng cố, xây dựng Đảng, nhanh chóng tiến hành kiện toàn tổ chức, quy hoạch lại tổ chức Chi bộ Đảng cơ sở từ 15 thu gọn thành 9 Chi bộ, 12 thôn còn 8 thôn, rà soát toàn bộ các Chi bộ Đảng cơ sở, thống nhất phân công mỗi đảng viên trong Ban Chấp hành phải phụ trách một Chi bộ, với những Chi bộ quá yếu kém thì lãnh đạo chủ chốt phải đảm nhiệm. Chị Lụa đặc biệt quan tâm đến công tác đảng viên, sn sàng điều chuyển bí thư, đảng viên giữa các Chi bộ, bổ sung những vị trí còn khuyết thiếu để cải thiện và nâng cao tính chiến đấu và khách quan trong từng Chi bộ Đảng; sắp xếp đội ngũ cán bộ đúng người, đúng việc, có tinh thần trách nhiệm, tận tâm, tận lực và có khả năng hoàn thành tốt các nhiệm vụ được phân công.

Một lòng vì nhân dân phục vụ

Việc lớn đầu tiên thành công, không chỉ người cầm chèo là chị có được lòng tin yêu từ nhân dân mà cả hệ thống chính quyền xã từ trên xuống dưới đều được nhân dân đặt niềm tin. Chị Lụa bắt tay vào việc lớn thứ hai, đó là làm đường giao thông. Việt Thành vốn có tiềm năng phát triển kinh tế lớn với 3 vùng kinh tế rõ rệt, vùng Đồng Phúc có thế mạnh về trồng rừng; vùng Lan Đình có bãi bồi phù sa, nhiều màu, nhiều ruộng nên phát triển mạnh về nông nghiệp, nhất là nghề dâu tằm; vùng Phú Thọ nằm ngay khu trung tâm xã, trên trục đường Yên Bái- Khe Sang phù hợp phát triển kinh doanh dịch vụ và thuận tiện giao thương, buôn bán… Khó khăn và cản trở duy nhất là đường sá đi lại khiến cho các tiềm năng thế mạnh ấy chưa được phát huy, cho nên hoàn thiện và mở mang hệ thống đường giao thông sẽ là cách nhanh nhất để thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho nhân dân.

Tôi đã từng về thăm, tìm hiểu thông tin để viết bài ngay trước những ngày Việt Thành chính thức trở thành xã nông thôn mới (NTM). Đến tận bây giờ, vẫn còn nguyên trong tôi ấn tượng về cách làm và cả quá trình xây dựng NTM của Việt Thành, đặc biệt là những ấn tượng về vị Chủ tịch xã ngày ấy. Trong tất cả 19 tiêu chí xây dựng NTM, có lẽ xây dựng đường giao thông tiêu chí được triển khai rầm rộ nhất. Để làm được 12km đường bê tông và kiên cố hóa 25km đường trục chính liên thôn, ngõ xóm, nhân dân trong xã đã hiến tặng hơn 8000m2 đất, đóng góp hơn 3,5 tỷ đồng tiền mặt và ngày công lao động. Song, phong trào rầm rộ ấy, kết quả tốt đẹp ấy không phải chỉ một câu hô hào là xong, mà nó đã trải qua cả một quá trình bền bỉ, lấy đi nhiều mồ hôi, công sức thậm chí là cả nước mắt của cả hệ thống chính trị và nhân dân, nhất là người đứng mũi chịu sào như chị. Nhớ lại những tháng ngày lịch sử ấy, chị Nga- cán bộ Văn phòng y ban bồi hồi kể cho tôi nghe: “Cùng là xây dựng NTM thì ở đâu cũng theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân hưởng”, trên tinh thần dân chủ, công khai, minh bạch, nhưng với Việt Thành thì cô Lụa còn có thêm cách làm riêng của mình. Để tiết kiệm tối đa chi phí, giúp người dân đóng góp mức ít nhất có thể, cô Lụa cho họp dân bàn bạc, thống nhất từ trên xuống dưới và ra Nghị quyết rất rõ ràng, cắt bỏ toàn bộ chi phí ngoài lề như nền đường (có sẵn), chi phí quản lý, giám sát công trình, chi phí hỗ trợ cho cán bộ xã... khoản tiền còn lại dân phải đóng góp chỉ là những khoản thực tế như tiền cát, tiền sỏi. Trước đây, cán bộ xã thường được ưu tiên, không phải đóng góp, hoặc đóng góp ít, lại được hưởng các khoản hỗ trợ thì giờ cô Lụa quán triệt, cán bộ xã phải đầu tàu gương mẫu, không những phải đóng góp nhiều hơn, không được hưởng bất cứ khoản nào từ tiền làm đường của dân mà còn phải hăng hái tham gia làm cùng dân. Chẳng thế mà con đường từ trung tâm xã vào khu Lan Đình dài hơn 2km, tổng chi phí 2,67 tỷ đồng, Nhà nước đã cho tiền xi măng, tính ra dân sẽ phải đóng 1,5 tỷ, nhưng với cách tính của cô, bà con chỉ còn phải đóng có hơn 600 triệu. Trong quá trình làm đường, hễ bà con cần là cán bộ xã phải có mặt, có những lúc khan hiếm cát, sỏi, anh em cán bộ xã thức thâu đêm ăn trực, nằm chờ dưới bến đợi sỏi để đổ bê tông cho kịp tiến độ. Riêng phần cô, không một công trình nào mà cô vắng mặt. Làm Chủ tịch xã mà ngày nào cũng từ sáng sớm đến tối mịt ở dưới công trình, chẳng nề hà việc gì, xúc cát, đẩy sỏi, trộn vữa như tất cả mọi người. Công việc ở ủy ban, cần giải quyết gấp thì chúng em phải đạp xe mang xuống cho cô ký duyệt, còn không thì để trên mặt bàn, tranh thủ nghỉ trưa hoặc tối trước khi về nhà cô lại đáo qua, không để ứ đọng một việc gì. Không chỉ các công trình lớn của xã, của thôn mà ngay cả những việc như cuốc đất, san ruộng giúp dân đưa cây dâu lên trồng trên đất mới hay trồng hoa ven đường cô cũng xuống tham gia làm cùng bà con. Gặp cô trong những ngày ấy, chắc chẳng ai nhận ra là Chủ tịch xã, mà chỉ nghĩ cô là nông dân thôi. Ngày làm nhà văn hóa thôn, trong số 12 thôn thì có thôn 3 được coi là thôn khó khăn, gai góc nhất xã. Trưởng thôn hiền lành, lại bận chăm sóc vợ ốm nên không điều hành, vận động được, ì ạch mãi không làm được nhà văn hóa thôn. Tìm hiểu tình hình xong, cô Lụa xin ý kiến Thường vụ tạm thời cho xuống đảm nhiệm chức trưởng thôn cho đến khi có được nhà văn hóa mới thôi. Cũng chỉ bằng cách dân vận, thuyết phục mà cô nhanh chóng xin được đất của dân và chỉ sau đúng 2 tháng 1 ngày làm xong nhà văn hóa chị ạ, lại còn to đẹp, khuôn viên rộng rãi hơn nhiều chỗ khác nữa chứ...”. 

Hoàn thành xây dựng nông thôn mới, đời sống vật chất đã được đảm bảo, chị Lụa lại tính đến việc chăm lo đời sống tinh thần cho nhân dân. Năm 2015, chị làm hồ sơ xin tỉnh cấp Bằng chứng nhận di tích cho đền Mẫu- nơi quây quần sinh hoạt văn hóa tâm linh của nhân dân từ bao đời nay. Có Bằng chứng nhận rồi, chị xin cấp đất, rồi tính đến chuyện xây dựng lại đền cho khang trang, sạch đẹp với quy mô tổng kinh phí dự kiến tới 5 tỷ đồng. Không muốn trông chờ, ỷ lại vào ngân sách Nhà nước, cũng quyết không để dân phải đóng góp một đồng tiền mặt nào vào công trình, chị Lụa vận động cán bộ xã huy động, quyên góp công đức từ bạn bè, người thân, còn bản thân chị tìm cách vận động quyên góp công đức từ nhiều nơi. Chị cho văn phòng in tờ rơi rồi suốt 2 tháng ròng, tranh thủ giờ nghỉ trưa, chị và Nga lại đèo nhau đi rải tờ rơi khắp nơi để “xin” tiền công đức từ nhân dân thập phương. Đầu năm 2017, công trình đền bắt đầu được tiến hành thi công trong sự hồ hởi của nhân dân toàn xã. Xây đền xong, thấy khuôn viên chưa đủ rộng để phục vụ nhân dân, chị Lụa lại tìm cách xin thêm đất. Thấy mảnh ruộng liền kề phù hợp, tìm hiểu biết là của một gia đình người dân trong xã, chị không xin mà liền thỏa thuận lấy mảnh ruộng có diện tích tương ứng gần 1000m2 trong khu “bờ xôi ruộng mật” của nhà mình, đổi lấy mảnh ruộng đó để hiến tặng cho đền.

Cầm vàng không để vàng rơi

Tôi còn nhớ, khi vừa tiếp nhận vị trí Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã, chị Lụa từng chia sẻ rằng, mục tiêu lớn nhất của chị là làm sao phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới trên các lĩnh vực của đời sống xã hội và xây dựng xã Việt Thành đạt chuẩn NTM một cách bền vững. Sau 4 năm trở lại nơi đây, điều đầu tiên tôi có thể cảm nhận được chính là sự thành công hơn cả mục tiêu mà bản thân chị cũng như Đảng bộ và nhân dân Việt Thành đã đề ra. Giờ đây, Việt Thành không chỉ là xã NTM mà còn đang trên đường xây dựng NTM nâng cao. Hôm nay về Việt Thành, không chỉ là nhà cao tầng hay những căn biệt thự lộng lẫy, mà đường bê tông cũng đã trải gần như kín xã, đường làng ngõ xóm khang trang, sạch sẽ. Ở những trục đường chính, trên cao là đường điện chiếu sáng, phía dưới là hai hàng hoa rực rỡ chạy hút tầm mắt dọc ven đường. Màu xanh mướt mắt của tằm dâu không chỉ có ở triền sông mà đã vươn lên cả vùng Phú Thọ. Tại thời điểm này, các tiêu chí xây dựng NTM nâng cao của Việt Thành cơ bản đã hoàn thành. Hạ tầng kinh tế- xã hội được đầu tư đồng bộ, 6/8 thôn có đường điện chiếu sáng; thu nhập bình quân đầu người năm 2018 đạt 34 triệu đồng/người, hộ nghèo chỉ còn 1,4%; y tế, văn hóa, giáo dục, môi trường và an ninh trật tự đều được đảm bảo; hành chính công phục vụ hiệu quả; Đảng bộ, chính quyền xã đạt trong sạch, vững mạnh tiêu biểu, các tổ chức chính trị đạt loại khá trở lên... Trồng cây, chăm chỉ vun xới ắt có ngày thu về quả ngọt. Gần 10 năm miệt mài, tận tụy làm “công bộc” của dân, thành quả lớn nhất chị Lụa thu được chính là sự tin tưởng, yêu mến và đồng lòng của bà con nhân dân trong xã. Với chị, điều đó còn quý hơn cả nghìn vàng. Có được khối vàng ấy trong tay không phải dễ, nên đã có thì phải cầm cho thật chắc. Tâm niệm điều ấy, chị Lụa chưa dám thỏa mãn với những gì đã đạt được mà vẫn luôn đặt ra cho mình những mục tiêu mới. Chị Lụa chia sẻ: chậm nhất là đến năm 2022, toàn bộ 8/8 thôn của Việt Thành sẽ trở thành NTM kiểu mẫu. Đây là yếu tố tạo nên nền tảng và là vấn đề cốt lõi để nâng cao vượt bậc đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, và đây cũng chính là mong muốn, là mục tiêu lớn nhất mà người “công bộc” tận tụy của nhân dân Việt Thành luôn phấn đấu hướng tới.

 

CTV: Nguyễn Tâm