Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tư tưởng Hồ Chí Minh về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong các tổ chức Kinh tế tập thể hiện nay

22/06/2021 13:48:00 Xem cỡ chữ
CTTĐT - Vấn đề thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP) không chỉ là vấn đề lớn, hệ trọng hiện nay, mà là ở bất cứ quốc gia, tổ chức, đơn vị trong mọi thời kì, thiệt hại do lãng phí không kém tham nhũng. Trong văn kiện Đại hội XIII, Đảng ta đã coi lãng phí là một căn bệnh “bệnh lãng phí”, vì vậy, vấn đề này cần phải được hết sức coi trọng. Nếu không có những giải pháp đồng bộ phòng ngừa và đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả, lãng phí sẽ làm bệnh tham nhũng trở nên trầm trọng hơn, đe dọa trực tiếp đến an nguy quốc gia và sự tồn vong của chế độ. Vì vậy, việc tiếp tục vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về phòng, chống lãng phí vào thực tiễn để đưa ra giải pháp phù hợp đối với mỗi tổ chức, đơn vị trong giai đoạn hiện nay là nhiệm vụ có ý nghĩa hết sức quan trọng.

Ảnh minh họa - nguồn Internet

1.Đặt vấn đề

Ban chỉ đạo Giải Báo chí toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí” lần thứ hai, năm 2018-2019 đã đánh giá tại cuộc họp thống nhất Kế hoạch tổ chức Lễ trao giải vào ngày 15/8/2019: “Tại giải báo chí này, một số đề tài đấu tranh chống lãng phí, tiêu cực, phê phán những thói hư tật xấu, biểu dương những tấm gương tích cực trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong xã hội mà nhân dân đang quan tâm còn chưa được phản ánh thỏa đáng qua các tác phẩm dự giải”.

Vấn đề thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP) không chỉ là vấn đề lớn, hệ trọng hiện nay, mà là ở bất cứ quốc gia, tổ chức, đơn vị trong mọi thời kì. Thiệt hại do lãng phí không kém tham nhũng, thậm chí có nhiều lĩnh vực lãng phí nguồn lực còn trầm trọng hơn, lớn hơn tham nhũng. Trong văn kiện Đại hội XIII, Đảng ta đã coi lãng phí là một căn bệnh “bệnh lãng phí”, vì vậy, vấn đề này cần phải được hết sức coi trọng. Nếu không có những giải pháp đồng bộ phòng ngừa và đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả, lãng phí sẽ làm bệnh tham nhũng trở nên trầm trọng hơn, đe dọa trực tiếp đến an nguy quốc gia và sự tồn vong của chế độ. Vì vậy, việc tiếp tục vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về phòng, chống lãng phí vào thực tiễn để đưa ra giải pháp phù hợp đối với mỗi tổ chức, đơn vị trong giai đoạn hiện nay là nhiệm vụ có ý nghĩa hết sức quan trọng.

Nhận thức đây là vấn đề mà Đảng, xã hội và Nhân dân đang hết sức quan tâm, với thực tiễn công tác của mình, cá nhân tôi tham dự giải Giải Báo chí toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh phòng,chống tham nhũng, lãng phí” lần thứ ba, năm 2020-2021, với Bài viết: Phân tích và vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí từ đó đề xuất một số giải pháp thực tiễn thực hiện THTK, CLP trong khu vực Kinh tế thập thể (KTTT), Hợp tác xã (HTX) hiện nay.

2. Tư tưởng Hồ Chí Minh về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

Tư tưởng Hồ Chí Minh về phòng, chống lãng phí có từ rất sớm. Phần mở đầu của cuốn Đường Kách mệnh (1927), Người nhấn mạnh tư cách của người cách mệnh: “Tự mình phải cần, kiệm”. Tư tưởng của Bác Hồ về THTK, CLP là những quan điểm có tính khoa học, cách mạng về biểu hiện, nguồn gốc, hậu quả và những giải pháp khắc phục, ngăn ngừa triệt để “căn bệnh” này.

Cho đến hôm nay, nhân kỷ niệm 131 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2021). Kế thừa tư tưởng của Người, Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư BCH Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã có Bài viết quan trọng “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”. Trong bài viết, đồng chí Tổng Bí thư đánh giá: “Bên cạnh những thành tựu, mặt tích cực là cơ bản, chúng ta cũng còn không ít khuyết điểm, hạn chế và đang phải đối mặt với những thách thức mới trong quá trình phát triển đất nước... Đặc biệt, tình trạng tham nhũng, lãng phí, suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống vẫn diễn ra trong một bộ phận cán bộ, đảng viên”.   

Theo quan điểm Hồ Chí Minh, tiết kiệm là“không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi”. Tiết kiệm không phải là bủn xỉn, không phải là “xem đồng tiền to bằng cái nống”, “gặp việc đáng làm cũng không làm, đáng tiêu không tiêu”. Nói theo lối khoa học, thì tiết kiệm là tích cực, chứ không phải là tiêu cực. Theo Người, tất cả mọi người đều phải tiết kiệm, tiết kiệm là chi tiêu, sử dụng có kế hoạch, có tính toán, xem xét đầy đủ các yếu tố, giảm bớt hao phí trong sử dụng tiền của, thời gian, công sức, nhưng vẫn đạt được mục tiêu xác định.

Đi đôi với thực hành tiết kiệm là chống lãng phí, xa xỉ. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ tác hại của nạn lãng phí:“Tham ô có hại, nhưng lãng phí có khi còn hại hơn nhiều, nó tai hại hơn tham ô vì lãng phí rất phổ biến...”. Người nhiều lần nhấn mạnh: Lãng phí không phải chỉ là tiêu tốn tiền của, mồ hôi nước mắt của Nhân dân, mà nguy hiểm hơn là tham ô, lãng phí và quan liêu là thứ “giặc nội xâm” nguy hiểm, làm tha hóa, suy thoái đạo đức cách mạng, phá hoại tinh thần trong sạch, ý chí vượt khó của cán bộ, đảng viên, là nguy cơ đe dọa trực tiếp đến an nguy quốc gia và sự tồn vong của chế độ.

3. Tư tưởng Hồ Chí Minh về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong khu vực Kinh tế hợp tác.

Là người đầu tiên đưa tư tưởng Hợp tác xã vào Việt Nam, năm 1945 ngay sau khi giành được chính quyền về tay Nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo thực hiện phát triển phong trào HTX rộng khắp tại các địa phương. Mặc dù bận trăm công ngàn việc, nhưng Bác Hồ vẫn đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực này. Trong diễn văn khai mạc Hội nghị lần thứ 16 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (mở rộng) ngày 16/4/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định vai trò đặc biệt quan trọng của Hợp tác xã trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, Người cho rằng phong trào tổ chức Hợp tác xã đã tiến bước khá tốt, nhưng nhiều nơi còn lệnh lạc. Tiếp đó, trong Bài đăng báo Nhân dân 20.6.1959, Bác viết:“Hội nghị xóm mổ bò, Hội nghị xã mổ bò. Hội nghị huyện cũng mổ bò! Ngược đời hơn nữa là: Hội nghị phụ lão bàn về sản xuất và tiết kiệm, hội nghị liên hoan tổ đổi công và khai mạc HTX nông nghiệp cũng đều mổ bò! Có HTX mổ đến 2 con! Đó là lãng phí rất nghiêm trọng và phổ biến”.

Từ sau năm 1960 là thời kỳ các Hợp tác xã được phát triển mạnh mẽ và đồng bộ. Trong thư, gửi cho Đại hội Hợp tác xã và đội sản xuất nông nghiệp tiên tiến miền núi và trung du, ngày 11/4/1964, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã biểu dương, khen ngợi: “...Về kinh tế thì miền núi và trung du đã có hơn 70% nông hộ vào HTX nông nghiệp. Đồng bào đã được no ấm hơn, nhà ở nhiều nơi đã làm mới sạch sẽ, gọn gàng hơn,...”. Song, để thực hiện mục đích đó, căn cứ vào Nghị quyết của Đảng và căn cứ vào tình hình thực tiễn của miền núi và trung du, Bác nêu một số ý kiến sau đây: Các HTX cần có phương hướng sản xuất trên mọi lĩnh vực: Lúa, màu, cây công nghiệp, chăn nuôi, bảo vệ rừng. Để làm tốt việc này, “HTX phải được củng cố, tức là làm cho xã viên có tinh thần làm chủ, làm cho Ban quản trị được vững vàng và có năng lực, phải thực hành dân chủ, chống tham ô, lãng phí..., làm tốt công tác cải tiến quản lý, cải tiến kỹ thuật...”.

Khi biết Hợp tác xã Nam Tiến thành công trong xây dựng HTX bậc cao có quy mô và là nơi điển hình tiên tiến về năng suất cao của tỉnh Phú Thọ, Bác Hồ đã đến thăm và Người vẫn luôn căn dặn: “Các cô, các chú phải cần, kiệm, làm cho hợp tác xã ngày càng giàu mạnh, đời sống ngày càng ấm no”...

Những năm tháng cuối đời, tuy sức khỏe đã yếu, trong các buổi họp Bộ Chính trị, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng thường nhắc đến việc phải có Điều lệ HTX sản xuất nông nghiệp bậc cao. Người dặn dò: Cần viết bản Điều lệ sao cho nông dân ít học nhất cũng hiểu được. Sau đó, cuốn Điều lệ tóm tắt của Hợp tác xã nông nghiệp đã được ra đời. Sách in xong đúng dịp Sinh nhật lần thứ 79 của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Hình ảnh Bác Hồ về thăm HTX Cầu Thành- Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên (nguồn Internet)

4. Việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong Khu vực KTTT, HTX hiện nay.

Hiện nay, trong bối cảnh kinh tế Việt Nam có nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhưng phát triển Kinh tế tập thể, mà nòng cốt là các HTX và Tổ hợp tác (THT) vẫn hoạt động khá ổn định. Số lượng HTX tăng lên, hiện cả nước có 26,1 ngàn HTX, thu hút gần 6,1 triệu thành viên tham gia, số lao động làm việc trong HTX khoảng 1,2 triệu người. Những năm gần đây, số lượng HTX sản xuất theo chuỗi giá trị ngày càng gia tăng và dần trở thành phương thức phổ biến để phát triển, bền vững.

Có được kết quả trên là do Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, ban hành nhiều chính sách quan trọng cùng với đó là sự vào cuộc của các Bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là sự nỗ lực phấn đấu vươn lên của cộng đồng KTTT, HTX bằng những hành động, việc làm cụ thể: Các HTX, THT biết liên kết, hợp tác với nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; chú trọng nâng cao hiệu quả hoạt động, công khai, minh bạch về tài chính, tài sản, thực hành triệt để việc tiết kiệm thời gian, tiết kiệm nhân công, lao động; giảm chi phí sản xuất, chi phí quản lý; áp dụng các tiến bộ, khoa học công nghệ vào sản xuất để tăng năng xuất lao động, tạo ra nhiều sản phẩm có tính cạnh tranh cao...từ đó đã tạo đà cho khu vực Kinh tế tập thể,Hợp tác xã có bước chuyển biến mạnh mẽ về lượng và chất.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước (nguyên Thủ tướng Chính Phủ) Nguyễn Xuân Phúc đã trao Huân chương Độc lập hạng Nhì cho Liên minh HTX Việt Nam, tại Đại hội VI, Liên minh HTX Việt Nam, nhiệm kỳ 2020-2025 (Nguồn ảnh - Trung tâm thông tin- Truyền thông, Liên minh HTX Việt Nam)

Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, các đồng chí Lãnh đạo tỉnh Yên Bái và các sở, ngành của tỉnh tìm hiểu các sản phẩm Quế của các HTX trên địa bàn tỉnh Yên Bái.

Mặc dù vậy, khu vực Kinh tế tập thể, HTX vẫn còn những hạn chế, bất cập, đó là: Tốc độ tăng trưởng còn thấp so với các khu vực kinh tế khác, tỉ lệ đóng góp vào GDP chưa đáp ứng được yêu cầu (đóng góp từ Kinh tế tập thể vào tổng sản phẩm quốc nội của Việt Nam mới chỉ có 4% thấp hơn nhiều so với các khu vực kinh tế khác);phần lớn tổ chức Kinh tế tập thể có quy mô nhỏ, sức cạnh tranh còn yếu, hạn chế về khả năng huy động nguồn lực từ thị trường để đầu tư sản xuất, kinh doanh, sự liên kết lợi ích giữa thành viên và HTX còn hạn chế, thiếu tính bền vững...

Nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém trên do nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan; Song, trong đó có nguyên nhân là do các tổ chức trong khu vực Kinh tế tập thể chưa thường xuyên, tích cực học tập, vận dụng hiệu quả những tư tưởng, quan điểm về thực hành tiết kiệm, phòng chống lãng phí của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về THTK, CLP vào hoạt động của tổ chức mình.

Có thể thấy, tình trạng lãng phí vẫn còn diễn ra tại một số Hợp tác xã, Tổ hợp tác, doanh nghiệp như: Không ít dự án đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh của một số doanh nghiệp, Hợp tác xã chưa thực hiện đúng kế hoạch, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng và quy định về bảo vệ cảnh quan, bảo vệ môi trường. Việc sử dụng vốn, công nghệ, thời gian, lao động, năng lượng, vật tư, chi phí đầu vào, tài nguyên thiên nhiên và các nguồn lực khác trong đầu tư xây dựng, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của một số doanh nghiệp, Hợp tác xã, Tổ hợp tác chưa tiết kiệm và hiệu quả. Nhiều HTX, Tổ hợp tác, doanh nghiệp được thành lập mới vẫn còn tổ chức ra mắt linh đình, gây lãng phí tiền của, công sức và thời gian; chưa chủ động hiệu quả áp dụng công nghệ số, công nghệ thông tin vào hoạt động kinh doanh, dịch vụ, xúc tiến thương mại...

5. Giải pháp thực hiện hiệu quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong các tổ chức Kinh tế tập thể, Hợp tác xã nhằm tăng năng suất lao động và chất lượng sản phẩm, để khu vực KTTT, HTX phát triển bền vững trong tình hình mới.

Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về THTK, CLP, đồng thời để có cơ sở pháp lý cao, đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về công tác này, như: Nghị quyết “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí”; Chỉ thị số 21-CT/TW về “Đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”; Luật thực hành tiết kiệm chống lãng phí năm 2013 và được sửa đổi bổ sung năm 2018; Chính Phủ ban hành hàng loạt văn bản pháp quy về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và các Chương trình tổng thể về THTK,CLP hàng năm và giai đoạn để tổ chức thực hiện. Đặc biệt, tại Nghị quyết phiên họp Chính Phủ thường kỳ tháng 5 năm 2021, Chính Phủ thống nhất cắt giảm tối thiểu 50% kinh phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước còn lại của các bộ, cơ quan Trung ương và tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên còn lại của năm 2021 để bổ sung nguồn phòng, chống dịch Covid-19, tăng đầu tư phát triển và nhiệm vụ an ninh, quốc phòng cần thiết...

Điều đó cho thấy, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Đảng và Nhà nước ta đã thể hiện quyết tâm chính trị, sự đồng thuận cao trong công tác này. Trong văn kiện Đại hội XIII, Đảng tiếp tụckhẳng định: “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh, ngăn chặn phòng, chống tham nhũng, lãng phí với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ hơn và hiệu quả hơn...; thực hiện đồng bộ các biện pháp chính trị, tư tưởng, hành chính, kinh tế, hình sự trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Coi phòng, chống tham nhũng, lãng phí là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, trong sạch vững mạnh”.

Đối với khu vực Kinh tế tập thể, Hợp tác xã, trước yêu cầu cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nhất là cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.Đảng và Nhà nước đã định hướng và yêu cầucần phải phát triển các HTX kiểu mới, đây là mô hình HTX hoạt động theo Luật HTX năm 2012, bảo đảm nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, cùng có lợi và quản lý dân chủ. Thực hiện quá trình đổi mới đến nay, các HTX kiểu mới đã tích cực đổi mới hoạt động, không ngừng ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, tiết kiệm chi phí đầu vào, giảm chi phí quản lý, phát huy sức mạnh tập thể để xây dựng phương án sản xuất tối ưu, do vậy đã giảm thiểu lãng phí trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ so với các mô hình HTX kiểu cũ.

Trong giai đoạn tiếp theo, để nhân rộng hơn nữa các mô hình HTX kiểu mới hoạt động theo Luật HTX năm 2012, các tổ chức trong khu vực KTTT cần tích cực vận dụng tư tưởng, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về THTK, CLP để hiện thực hóa vào thực tiễn hoạt động và thực hiện tốt một số giải pháp sau:

Trước hết: Nâng cao nhận thức cho toàn xã hội và vai trò, trách nhiệm của các Cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong phòng, chống lãng phí. Đảng ta, chỉ rõ trong Văn kiện Đại hội XIII, đó là: “Không ít cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền và người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa thực hiện tốt trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo và gương mẫu, đi đầu thực hiện công tác phòng, chống lãng phí. Tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, chủ nghĩa cá nhân, “lợi ích nhóm”, bệnh lãng phí, vô cảm, bệnh thành tích ở một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi.”.

Thực tiễn chỉ ra rằng, vai trò của người đứng đầu cơ quan, tổ chức rất quan trọng. Nơi nào, ở đâu người đứng đầu chủ động ban hành các quy định về THTK, CLP và làm gương thực hành, sâu sát trong quản lý, xử phạt những sai phạm thì ở đó việc THTK, CLP đạt hiệu quả cao và ngược lại. Tuyên truyền, quán triệt, phổ biến kịp thời, hiệu quả Luật THTK, CLP và các văn bản về THTK, CLP cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân nói chung và thành viên, người lao động trong khu vực KTTT nói riêng, để nắm vững và thực hiện. Việc THTK, CKLP không chỉ là trách nhiệm mà còn là lối sống, đạo đức của con người trong xã hội.

Thứ hai: Nền kinh tế nước ta đang vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, cạnh tranh và hội nhập với kinh tế quốc tế đòi hỏi phải giảm chi phí trong quá trình sản xuất để sản phẩm có giá thành hạ, chất lượng cao, số lượng lớn, tăng xuất khẩu và tiêu dùng trong nước có nguồn thu tích lũy tái sản xuất mở rộng. Chủ tịch Hồ Chí Minh phân tích rõ thế nào là tăng gia sản xuất: “Kiệm đi với cần, tăng gia sản xuất thực hành tiết kiệm. Tăng gia sản xuất cần được hiểu đầy đủ là làm cho quy mô, chất lượng, hiệu quả sản xuất gia tăng...”.

Quy luật giá trị chỉ ra rằng nhà sản xuất nào tạo ra giá trị cá biệt thấp mà sản xuất nhiều sản phẩm cạnh tranh sẽ có lợi nhuận phát triển. Như vậy, các doanh nghiệp, HTX cần phải tiết kiệm, bao gồm việc giảm chi đầu vào, tiêu dùng hợp lý. Cùng với đó, các Hợp tác xã, doanh nghiệp phải chủ động đổi mới, áp dụng công nghệ mới, cải tiến quy trình sản xuất, đổi mới công tác quản lý nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, HTX. Bên cạnh đó, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng như hiện nay, các HTX, doanh nghiệp cần so sánh chi phí sản xuất quốc tế và khu vực về các sản phẩm cạnh tranh để thực hiện cắt giảm ngay chi phí bất hợp lý trong nội bộ và đưa ra các nguyên tắc hợp đồng mua - bán, xây dựng phương án, kế hoạch đầu tư; đồng thời kiến nghị sửa đổi cơ chế, chính sách thuế, phí và lệ phí, giá, thủ tục hành chính...

Thứ ba: Công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động của các HTX, Tổ hợp tác, doanh nghiệp thành viên phải được các cấp, các ngành và hệ thống Liên minh HTX Việt Nam coi trọng, trở thành nhiệm vụ thường xuyên, sâu sát nhằm kịp thời đánh giá tình hình, động viên, khen thưởng những mô hình HTX hoạt động hiệu quả, gắn với thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và chấn chỉnh các vi phạm.

Thứ tư: Đề xuất, kiến nghị với Chính Phủ và các cấp chính quyền

Tiếp tục quan tâm và đồng hành với HTX, doanh nghiệp như: Giảm tiền điện, giảm thanh tra, kiểm tra hằng năm; đơn giản hóa hơn nữa các thủ tục hành chính (TTHC); lấy ý kiến, đánh giá của người dân, doanh nghiệp, HTX qua điện thoại, mạng xã hội Zalo đối với việc giải quyết TTHC nhằm giảm bớt phiền hà, tiết kiệm thời gian, tiết kiệm kinh phí, minh bạch trong giải quyết TTHC, người dân, doanh nghiệp, HTX có thể ngồi tại nhà hay nơi làm việc mà vẫn thực hiện được các TTHC, góp ý TTHC một cách dễ dàng, nhanh chóng, tiện lợi.Đồng thời tiếp tục hỗ trợ vay vốn, giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ lãi suất cho vay, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí; gia hạn thời hạn nộp thuế, miễn thuế, miễn tiền chậm nộp thuế; hỗ trợ tiền đóng Bảo hiểm Xã hội (BHXH) cho người lao động, chậm nộp BHXH… 

Cho đến nay, những tư tưởng, quan điểm tiến bộ của Chủ tịch Hồ Chí Minh về hợp tác xã và vấn đề thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong các tổ chức Kinh tế hợp tác vẫn giữ nguyên giá trị.Thấm nhuần lời dạy của Người, Đảng, Nhà nước, các tổ chức trong Khu vực Kinh tế tập thể, toàn thể người lao động trong hệ thống và Nhân dân luôn kế thừa, phát huy và phát triển phù hợp với thực tiễn và là sợi chỉ đỏ xuyên suốt quá trình phát triển Kinh tế tập thể trong giai đoạn đổi mới.

Dưới đây là một số mô hình HTX kiểu mới hoạt động theo Luật HTX 2012 của tỉnh Yên Bái hoạt động hiệu quả nhờ đổi mới quy trình quản lý, tiết kiệm chi phí đầu vào, áp dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao được tiêu thụ rộng rãi trong nước và xuất khẩu sang một số thị trường nước ngoài khó tính,có đóng góp ngày càng lớn vào Ngân sách Nhà nước.

HTX Hương Lý, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái ký Hợp đồng tiêu thụ sản phẩm OCOP 3 sao Chè Hương Lý với Liên hiệp HTX OCOP Việt Nam (nguồn ảnh- Trung tâm thông tin-Truyền thông, Liên minh HTX Việt Nam)

HTX Suối Giàng, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái nâng cao thu nhập cho đồng bào các dân tộc thiểu số thông qua tạo việc làm nhân dân trên địa bàn huyện Văn Chấn (Bà Sùng Thị Mai dân tộc Mông xã Suối Giàng bán Chè xanh cho HTX và cho biết- “ Nhờ có HTX tôi đủ tiền tiêu rồi”

Các sản phẩm OCOOP của HTX Thái Sơn huyện Lục Yên, HTX Quế Khánh Thành, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái tại Hội nghị kết nối cung cầu Yên Bái năm 2020, sản phẩm Quế ống điếu của HTX Quế Khánh Thành (trong hình) đã được xuất khẩu sang các nước Ấn Độ, Malayxia, Singgapo, Úc, Thổ Nhĩ Kỳ và Giooc Đan.

Nữ đại biểu HĐND tỉnh Yên Bái, nhiệm kỳ 2021-2026 - Giám đốc HTX Dâu tằm Minh Tiến- Y Can, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái (người mặc áo vàng) cùng các thành viên HTX hăng say lao động sản xuất bên ruộng dâu tằm của Hợp tác xã

HTX dich vụ nông nghiệp Hồng Ca, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái liên kết với Công ty cổ phần Yên Thành, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái chế biến Măng tre Bát Độ (một loại cây trồng xóa đói, giảm nghèo những năm gần đây của tỉnh Yên Bái) để phục vụ xuất khẩu sản phẩm

 

Hoàng Hà