Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Xây dựng đời sống văn hóa gắn với phát triển kinh tế du lịch bền vững

18/09/2023 09:17:00 Xem cỡ chữ
CTTĐT - Nhìn lại chặng đường 65 năm qua, dù còn nhiều khó khăn nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh và khắc ghi lời căn dặn của Bác, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Mù Cang Chải đã luôn đoàn kết, nỗ lực vươn lên để thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa mới, làm cho cuộc sống người dân được “sung sướng hơn” như Bác đã dạy trong buổi nói chuyện với Đảng bộ chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái.

Phát triển du lịch góp phần nâng cao đời sống cho nhân dân huyện Mù Cang Chải

Những ngày đầu mới thành lập, do tàn dư của chế độ thực dân phong kiến để lại nên đời sống của nhân dân Mù Cang Chải gặp muôn vàn khó khăn, cơ sở vật chất còn thiếu thốn, người dân sống du canh du cư, đốt rừng, phá rừng làm nương rẫy, trồng cây thuốc phiện; tỷ lệ người nghiện và mù chữ cao cùng với các hủ tục ma chay, kết hôn cận huyết thống, đẻ nhiều, đẻ dày, thầy cúng nhiều hơn thầy thuốc, đời sống văn hóa, tinh thần nghèo nàn, lạc hậu, cái đói, cái nghèo luôn đeo bám người dân (hằng năm, Nhà nước phải cứu đói, cấp muối, cấp dầu 6-7 tháng/năm).

Thực hiện lời dạy của Bác khi Người thăm Yên Bái, dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là Đảng bộ tỉnh Yên Bái; Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Mù Cang Chải đã nêu cao tinh thần đoàn kết, quyết tâm, không ngại khó, ngại khổ, khắc phục mọi khó khăn, tập trung lãnh đạo nhân dân tiến hành cuộc cách mạng dân chủ, xóa bỏ tận gốc những tàn dư của chế độ thực dân phong kiến, giải phóng giai cấp nông dân… Từ năm 1959 đến 1961 đã cải tạo được 28 địa chủ đem lại cho nông dân 30 công mẫu ruộng, 20 công mẫu nương, 208 con trâu bò và 57 con ngựa, từ đây người Mông đã có ruộng đất của mình, cuộc đời đã sang trang mới, ước mơ “người cày có ruộng” đã trở thành sự thật, đồng bào Mông càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, đoàn kết xây dựng quê hương Mù Cang Chải.

Cùng với các chính sách hỗ trợ nhân dân định canh, định cư, giao đất giao rừng, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, vận động nhân dân khai hoang, cải tạo đồng đất, đặc biệt là khai phá ruộng bậc thang để sản xuất lúa nước từ một vụ lên 02 vụ, phát triển chăn nuôi, xóa bỏ bằng được cây thuốc phiện, đã từng bước thay đổi đời sống của nhân dân, diện mạo của địa phương ngày một khởi sắc. Năm 2010, huyện Mù Cang Chải đã quyết tâm chuyển đổi 1.140 ha diện tích lúa nương kém hiệu quả sang trồng ngô, mở rộng diện tích đất sản xuất nông nghiệp lên đến 9.382 ha (2015), đưa tổng sản lượng có hạt đạt trên 33.000 tấn, bình quân lương thực đầu người đạt 600kg/người/năm. Đánh dấu bước phát triển vượt bậc trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, đảm bảo được an ninh lương thực, chấm dứt tình trạng thiếu lương thực lưu niên, Trung ương không phải hỗ trợ gạo cứu đói mỗi khi giáp hạt như trước đây. Năm 2022, diện tích đất sản xuất nông nghiệp đạt 13.854,2 ha; tổng sản lượng lương thực có hạt 46.881 tấn, bình quân lương thực đầu người đạt trên 700kg/người/năm; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 30,3 triệu đồng/người/năm; đã hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, các sản phẩm OCOP như gạo Nếp Tan xã Cao Phạ, xã Nậm Có, gạo Séng Cù xã Khao Mang, Hoa hồng, Nấm hương, rau an toàn... tại Nậm Khắt...; từng bước xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trong toàn huyện năm 2022 xuống còn 42,28% (theo tiêu chí nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025).

Phát triển kinh tế vùng cao, vùng có đồng đồng dân tộc thiểu số để giải quyết cái đói, nâng cao đời sống đã khó khăn thì việc xây dựng đời sống văn hóa mới, cải sửa các phong tục, tập quán lạc hậu, không còn phù hợp đã “ăn sâu, bám rễ” trong tiềm thức bao đời nay của dân nơi đây, đặc biệt trong đám ma, đám cưới lại càng khó khăn hơn và cũng được xác định là cuộc “cách mạng” đối với Mù Cang Chải. Do vậy, trước hết phải tập trung mọi nguồn lực để làm tốt công tác xóa mù chữ cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao để từng bước nâng cao dân trí. Thực hiện chủ trương đẩy mạnh phong trào bình dân học vụ, năm 1959 lần đầu tiên huyện Mù Cang Chải có 13 giáo viên là người miền xuôi tình nguyện, xung phong lên công tác, được phân công về 13 xã để gây dựng sự nghiệp giáo dục vùng cao. Chỉ sau 01 năm (1960), 13 xã đã thành lập được trường cấp I, mở các lớp vỡ lòng và lớp bình dân học vụ với 557 người theo học. Sau 10 năm, đến năm học 1970 - 1971, toàn huyện có 36 lớp vỡ lòng với 644 học sinh, 21 bổ túc văn hóa với 212 học viên. Đến nay, sự nghiệp giáo dục vùng cao Mù Cang Chải có bước phát triển mạnh cả về quy mô và chất lượng; toàn huyện có 39 đơn vị trường và 01 trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên, với 694 lớp 22.784 học sinh;  xây dựng 11 trường đại chuẩn quốc gia; 37/37 đơn vị trường triển khai thực hiện xây dựng mô hình “Trường học hạnh phúc, Trường học du lịch”. Người dân bước đầu đã thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; xóa bỏ được tình trạng hôn nhân cận huyết; tình trạng tảo hôn, đẻ dày, đẻ nhiều dần được đẩy lùi.

Công tác chăm sóc khỏe nhân dân từng bước đươc quan tâm và đạt được những kết quả tích cực. Năm 1960, huyện có 01 trạm xá với 15 cán bộ y tế, chủ yếu là vận động nhân dân thực hiện ăn chín, uống sôi, ngủ ấm, ở sạch, phun thuốc phòng dịch bệnh. Đến nay, 13/13 xã có trạm y tế, 12/13 đơn vị đạt chuẩn quốc gia về y tế xã, hằng năm, tổ chức khám, chữa bệnh cho gần 75.000 lượt bệnh nhân; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 99,3%.

Thực hiện lời dạy của Bác, Đảng bộ huyện Mù Cang Chải tập trung xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phát động và thực hiện tốt các phong trào “Sạch bản, sạch mường, tốt ruộng, tốt nương”, “ba xanh”, “ba bỏ”, “ba cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm với nhân dân);“Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa. Vận động đồng bào Mông thực hiện chủ trương ăn chung một Tết vào dịp Tết Nguyên Đán. Đến cuối năm 2022, tỷ lệ hộ gia đình văn hóa đạt 81,1%; bản, tổ dân phố văn hóa đạt 76,5%; cơ quan, đơn vị văn hóa đạt 106,7%; 98/98 bản, tổ dân phố và 12/13 xã có nhà văn hoá; toàn huyện có 40 đội văn nghệ quần chúng, 45 câu lạc bộ thể dục thể thao, 39/39 đơn vị trường học có đội văn nghệ. Xây dựng thực hiện có hiệu quả các mô hình “Câu lạc bộ gia đình hạnh phúc”, “không sinh con thứ 3”, “không tảo hôn, không thách cưới cao, không nghiện ma túy”; mô hình các dòng họ tự quản về trật tự an ninh, an toàn toàn giao thông; mô hình vệ sinh môi trường cải tạo cảnh quan “Sáng - xanh - sạch - đẹp”, mô hình “đồi cây hạnh phúc”, “đồi cây kỷ niệm”, mô hình “bản hạnh phúc”, “trường học du lịch, trường học hạnh phúc”… từng bước làm thay đổi diện mạo quê hương, đem lại niềm vui, hạnh phúc cho nhân dân. Các giá trị bản sắc văn hóa được gìn giữ, bảo tồn và phát huy. Hằng năm, huyện tổ chức thành công nhiều chương trình văn hóa, văn nghệ, du lịch, kỷ niệm các ngày lễ lớn, sự kiện lịch sử trọng đại của đất nước, tỉnh, huyện như: Mừng Đảng, mừng Xuân; Lễ hội “Hoa Sơn tra” tháng 3; Ngày hội Thống nhất 30/4; các hoạt động văn hóa, du lịch mùa nước đổ tháng 5, tháng 6; Festival dù lượn “Bay trên mùa nước đổ”; Tết độc lập 2/9, tuần lễ Văn hóa du lịch Danh thắng Quốc gia đặc biệt ruộng bậc thang tháng 9, tháng 10; Festival dù lượn “Bay trên mùa vàng”; Lễ hội “Hoa Tớ dày”, Festival Khèn Mông tháng 11, tháng 12 âm lịch… thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia.

 

Với hệ sinh thái tự nhiên đa dạng, khí hậu mát mẻ cùng với hệ thống di sản văn hóa vô cùng phong phú, đa dạng của Người Mông, người Thái... Mù Cang Chải đã coi đây là nguồn tài nguyên du lịch quan trọng, là tiềm năng, lợi thế để phát triển các sản phẩm du lịch với nhiều sắc thái văn hóa đặc sắc tạo sinh kế cho người dân. Năm 2007, du lịch Mù Cang Chải được “đánh thức” khi Bộ Văn hóa thể thao và Du lịch cấp bằng công nhận Danh thắng ruộng bậc thang cấp quốc gia; năm 2019, Ruộng bậc thang Mù Cang Chải được công nhận là Danh lam thắng cảnh Di tích quốc gia đặc biệt; “Lễ mừng cơm mới đồng bào Mông” và “Nghệ thuật biểu diễn Khèn Mông” lần lượt được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể vào các năm 2021 và 2023. Bên cạnh đó, Mù Cang Chải đã tập trung bảo tồn và phát huy 39 di sản văn hóa vật thể, 142 di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn. Đây là tiền đề để Mù Cang Chải xây dựng, phát triển các sản phẩm du lịch mới, bản sắc, thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế đến khám phá, trải nghiệm. Năm 2022, lượng khách đến với huyện đạt trên 350.000 lượt người, doanh thu từ du lịch đạt trên 270 tỷ đồng.

Khắc sâu lời dạy của Bác, Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XIX đề ra mục tiêu xây dựng Mù Cang Chải trở thành huyện du lịch - Là điểm đến “Bản sắc, an toàn, thân thiện”, theo đó: Giữ gìn bản sắc văn hóa, phát triển nông nghiệp xanh để phát triển kinh tế du lịch đã trở thành nhiệm vụ, giải pháp, là sinh kế bền vững để hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện, với các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể:

Một là, triển khai thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của Đảng các cấp về văn hóa, du lịch: Nghị quyết chuyên đề về tăng cường giữ gìn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc trên địa huyện Mù Cang Chải giai đoạn 2021 - 2025; Đề án xây dựng Mù Cang Chải trở thành huyện du lịch giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 20230; Chương trình phát triển du lịch “Xanh - Bản sắc - An toàn - Thân thiện” giai đoạn 2021 - 2025; Đề án hoàn thiện hệ thống nhà văn hóa, sân chơi, bãi tập ở cơ sở trên địa bàn huyện Mù Cang Chải giai đoạn 2021 - 2025; Đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện Mù Cang Chải.

Hai là, đẩy mạnh liên kết phát triển du lịch vùng, liên vùng; đẩy mạnh xã hội hóa và thu hút nhà đầu tư chiến lược phát triển các sản phẩm du lịch theo hướng chuyên nghiệp, bản sắc, hấp dẫn, thân thiện môi trường. Kết hợp du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; du lịch trải nghiệm và khám phá; du lịch văn hóa cộng đồng dân tộc, lễ hội truyền thống; du lịch lịch sử, văn hóa tâm linh; du lịch thể thao... Gắn du lịch với phát triển nông nghiệp, nông thôn miền núi, vùng dân tộc và ngành tiểu thủ công nghiệp, làng nghề truyền thống và các ngành dịch vụ có liên quan; ưu tiên thu hút đầu tư hạ tầng du lịch, đào tạo nguồn nhân lực, ứng dụng công nghệ số...

Ba là, bảo tồn và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa, xây dựng môi trường văn hóa toàn diện, để văn hóa thực sự là động lực, là sức mạnh nội sinh quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội; khơi dậy và phát huy mạnh mẽ lòng tự hào dân tộc, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên của cán bộ, đảng viên, nhân dân trên địa bàn, nhất là thế hệ trẻ.

Bốn là, đẩy mạnh đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo, nâng cao dân trí. Tiếp tục duy trì, củng cố hệ thống các trường dân tộc nội trú, bán trú các cấp; thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với con em đồng bào dân tộc thiểu số, đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý các trường nội trú, bán trú. Tăng cường mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn về các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, trồng trọt, chăn nuôi, dịch vụ du lịch để người dân tiếp thu kiến thức mới và ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất để tự làm kinh tế có hiệu quả, vươn lên thoát nghèo.

Năm là, gắn tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội. Triển khai có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia; huy động mọi nguồn lực chăm lo tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần và sức khỏe cho người dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Sáu là, đẩy mạnh chuyển đổi số trên cả 03 trụ cột chính quyền số, xã hội số, công dân số. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo môi trường thông thoáng để thu hút đầu tư, nhất là đối với lĩnh vực văn hóa, du lịch; chăm lo, hỗ trợ phát triển kinh tế hộ gia đình, hợp tác xã, tổ hợp tác kinh tế ngày càng bền vững cả về số lượng và chất lượng; đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá về hình ảnh miền đất, con người Mù Cang Chải “Thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập” đến bạn bè trong nước và quốc tế.

Bảy là, tăng cường củng cố quốc phòng - an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội; thực hiện tốt công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, cải cách tư pháp tạo môi trường ổn định cho phát triển kinh tế, xã hội đảm bảo cuộc sống bình yên cho nhân dân.

65 năm thực hiện lời dạy của Bác cùng với những thành tựu mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyên Mù Cang Chải đạt được mới chỉ là kết quả bước đầu trên con đường phát triển, thay đổi diện mạo quê hương. Xây dựng đời sống văn hóa mới gắn với phát triển kinh tế du lịch bền vững là tiền đề quan trọng, là nguồn sức mạnh nội sinh to lớn để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Mù Cang Chải quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng Mù Cang Chải trở thành huyện du lịch - Là điểm đến “Bản sắc, an toàn, thân thiện”, phấn đấu đến năm 2025 cơ bản không còn là huyện nghèo, đến năm 2030 không còn là huyện nghèo. Cùng với tỉnh nhà quyết tâm thực hiện lời dạy của Bác “Yên Bái phải thi đua để trở thành một tỉnh khá nhất của các tỉnh miền núi”.

 

 

Ban Biên tập