Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Chăm lo xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu sự nghiệp trồng người thời kỳ công hóa, hiện đại hóa

18/09/2023 09:21:00 Xem cỡ chữ
CTTĐT - Sinh thời, Bác Hồ luôn dành sự quan tâm đặc biệt chăm lo cho sự nghiệp giáo dục; Người đánh giá rất cao vai trò của giáo dục đối với sự hưng thịnh của đất nước, đưa nước nhà tiến tới giàu mạnh, dân chủ, văn minh, sánh vai với các cường quốc năm châu và khẳng định: “Vì lợi ích 10 năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”; Người căn dặn “Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy thật tốt, học thật tốt”.

UBND tỉnh Yên Bái gặp mặt thầy cô giáo đang công tác ở vùng sâu, vùng xa được chuyển công tác về các huyện, thị xã, thành phố

Trong chuyến thăm Yên Bái ngày 24, 25/9/1958, Bác đã chỉ bảo, nhắc nhở Đảng bộ và chính quyền phải chăm lo đời sống của đồng bào từ việc to, việc nhỏ, làm sao cho đời sống được cải thiện, ai cũng có cơm ăn áo mặc, các cháu được học hành. Đối với công tác giáo dục, Người nhấn mạnh: “Muốn cho dân giàu nước mạnh, mọi người phải biết chữ, có văn hóa mới làm được việc. Bộ Giáo dục sẽ cử thêm giáo viên lên giúp tỉnh để vài năm tới tỉnh xóa được nạn mù chữ”.

Và ngay sau đó, Bác Hồ đã ra lời kêu gọi giáo viên miền xuôi xung phong lên miền núi dạy học, đem ánh sáng của Đảng phát triển kinh tế, văn hóa miền núi. Thực hiện lời kêu gọi của Bác, năm 1959, hơn 800 thanh niên trí thức các tỉnh miền xuôi đã tình nguyện lên phục vụ giáo dục miền núi Tây Bắc, trong đó có 54 thầy cô đến những nơi khó khăn nhất của tỉnh Yên Bái. Trong gian khổ, thiếu thốn nhưng các thầy cô đã nỗ lực bám bản, bám dân, tự học tiếng dân tộc, vận động đồng bào cho con em đi học, ngày đêm tận tình đem ánh sáng văn hóa, tiến bộ của miền xuôi đến với đồng bào miền núi. Đồng thời, đưa nếp sống văn hóa mới, từng bước xóa bỏ các hủ tục lạc hậu trong đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao, giúp bà con xóa đói, giảm nghèo, góp phần phát triển kinh tế -  xã hội miền núi Yên Bái.

Từ đó, trong suốt chặng đường 65 năm qua, được sự quan tâm đầu tư cho giáo dục của Đảng và Nhà nước, sự nghiệp giáo dục và đào tạo của tỉnh Yên Bái đã có những bước phát triển tích cực, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. 

Mạng lưới trường, lớp đã được sắp xếp theo hướng tinh gọn, hiệu quả với 461 cơ sở giáo dục và dạy nghề; trong đó, có 443 trường, 7.096 nhóm lớp, 229.603 học sinh cháu mầm non, học sinh phổ thông. Chất lượng giáo dục có những chuyển biến tích cực, các chỉ số về giáo dục đã từng bước vươn lên ở mức khá so với khu vực và mức trung bình so với cả nước, Yên Bái đã có những học sinh đạt giải trong các kỳ thi quốc tế, nhiều học sinh đạt thủ khoa các trường đại học lớn trong nước.

Với sự quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, Yên Bái đã giữ vững, từng bước nâng cao chất lượng công tác phổ cập giáo dục - xóa mù chữ; duy trì phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3 năm 2022, Phổ cập giáo dục THCS mức độ 2 năm 2023. Công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia được tích cực triển khai, toàn tỉnh có 326 trường mầm non và phổ thông đạt chuẩn quốc gia, đạt 73,8%, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới của tỉnh.

Công tác giáo dục vùng đồng bào dân tộc, giáo dục vùng khó khăn được đặc biệt quan tâm, phát triển; hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú đã góp phần giữ vững phổ cập giáo dục, khắc phục tình trạng học sinh bỏ học; hướng tới phát triển giáo dục vùng cao một cách bền vững.

Cùng với những kết quả đã đạt được trong phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo; công tác chăm lo, phát triển đội ngũ được đặc biệt quan tâm về số lượng và nâng cao về chất lượng. Năm học 1960-1961, toàn tỉnh chỉ có trên 200 giáo viên được đào tạo chính quy, gần 600 giáo viên dạy các lớp vỡ lòng. Thời gian này, tỉnh đã tiếp nhận và mở các cơ sở đào tạo giáo viên như Trường Sư phạm Lao Hà Yên, trường sư phạm ở Văn Chấn, Nghĩa Lộ, Phù Yên, Đồng Khê, Mù Cang Chải, mở các lớp, khoá học bồi dưỡng giáo viên cấp tốc, thành lập Trường trung cấp sư phạm để đào tạo, bổ sung số lượng giáo viên cấp 1, giáo viên cấp 2 hệ 7+3. Tiếp theo đó, hệ thống các trường sư phạm tiếp tục được củng cố và phát triển ổn định với 01 trường trung cấp sư phạm đào tạo giáo viên cấp, 1 trường sư phạm 10+2 đào tạo giáo viên cấp 2; hệ thống các trường bồi dưỡng giáo dục đào tạo giáo viên tại chỗ... Nhờ đó, đội ngũ giáo viên ngày càng được bổ sung về số lượng, nâng cao về chất lượng. Đến nay, đội ngũ giáo viên của tỉnh hiện có 12.226 người; tỷ lệ đạt 84,2% so với định mức; 82,3% giáo viên đạt chuẩn trở lên (trong đó 22,1% đạt trên chuẩn).

Các thế hệ giáo viên Yên Bái đã không ngừng phấn đấu, làm theo lời Bác Hồ dạy, ra sức thi đua dạy tốt, học tốt, đem ánh sáng văn hoá của Đảng tới những nơi xa xôi nhất của tỉnh, hết lòng vì học sinh thân yêu; vừa dạy học, vừa tham gia lao động, sản xuất, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ tổ quốc. Nhiều giáo viên đã xung phong lên đường làm nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc, trong số đó có những người đã anh dũng hy sinh để đóng góp xương máu cho quê hương, đất nước. Ghi nhận công lao của lớp lớp giáo viên Yên Bái, nhiều thầy cô giáo đã vinh dự nhận được các danh hiệu và phần thường cao quý của Đảng, Nhà nước trao tặng. Yên Bái đã có 01 nhà giáo được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, 78 nhà giáo ưu tú. Năm 2023, đang đề nghị Chủ tịch Nước trao tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân cho 01 cô giáo và 9 thầy cô giáo được đề nghị trao tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú.

Xác định, đội ngũ nhà giáo là lực lượng tri thức nòng cốt trong sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài; trước yêu cầu đổi mới và xu thế hội nhập, phát triển hiện nay, tỉnh Yên Bái đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để chăm lo xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu sự nghiệp trồng người thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tỉnh uỷ đã ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TU ngày 20/01/2021 về phát triển nguồn nhân lực tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021-2025. Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 12/2021/NQ-HĐND ngày 19/4/2021 quy định một số chính sách nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết số 71/2020/NQ-HĐND ngày 16/12/2020 phê duyệt một số đề án phát triển giáo dục và đào tạo tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2021-2025. Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành nhiều Đề án phát triển giáo dục và Đào tạo giai đoạn 2021-2025, trong đó có sự quan tâm đặc biệt đến công tác xây dựng và phát triển đội ngũ giáo viên. Hàng năm thực hiện bồi dưỡng trên 24.000 lượt cán bộ quản lý, giáo viên; thực hiện tốt công tác nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên theo Nghị định số 71/2020/NĐ-CP của Chính phủ; tổ chức bồi dưỡng trên 1.000 giáo viên dạy các môn học theo chương trình giáo dục phổ thông 2018. Tỉnh đã triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng quy định chế độ chính sách thu hút, hỗ trợ đào tạo đối với nhà giáo; ban hành chính sách thu hút giáo viên là sinh viên giỏi về công tác tại trường Chuyên, thu hút giáo viên môn Tiếng Anh, Tin học đến công tác tại địa bàn vùng cao, vùng khó khăn. Việc thực hiện chính sách thu hút, hỗ trợ đào tạo đã tạo đã thúc đẩy đội ngũ tham gia đào tạo nâng chuẩn nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, giúp  tuyển dụng được thêm đội ngũ giáo viên chất lượng cao về công tác trong ngành giáo dục và đào tạo của tỉnh Yên Bái. Công tác tuyển dụng bổ sung đội ngũ đã được tỉnh đặc biệt quan tâm. Từ năm 2021 đến nay, đã thực hiện tuyển dụng được 617 giáo viên mầm non, phổ thông; tuyển dụng thu hút được 10 giáo viên vào làm việc tại Trường THPT chuyên Nguyễn Tất Thành.

Tuy nhiên, công tác xây dựng đội ngũ giáo viên còn gặp rất nhiều khó khăn do thiếu giáo viên nhất là ở các cơ sở giáo dục ở vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn; việc tuyển dụng thiếu nguồn sinh viên sư phạm, nhất là giáo viên Tiếng Anh; các chính sách thu hút chưa đủ mạnh để thu hút sinh viên sư phạm các tỉnh ngoài về công tác tại Yên Bái.

Trong thời gian tới, để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp và tiếp tục thực hiện lời dạy của Bác Hồ kính yêu, Ngành Giáo dục tỉnh Yên Bái tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên của tỉnh Yên Bái, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp trồng người thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 29-NQ/TW của Trung ương Đảng; Nghị quyết số 22 của Tỉnh ủy nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện hơn về giáo dục trong giai đoạn hiện nay. Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” cùng các phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, “Dạy tốt, học tốt”, “Trường học hạnh phúc”; qua đó, mỗi cán bộ, giáo viên, nhân viên luôn tự giác trong học tập và công tác. Việc học tập và làm theo Bác cần đi sâu vào nội dung thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí và mọi hành vi tiêu cực trong hoạt động giáo dục; tuyên truyền về những gương tập thể, cá nhân tiêu biểu, điển hình, tạo sức lan tỏa sâu rộng thành phong trào thi đua sôi nổi trong toàn ngành.

Tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục: Công tác quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ quản lý cần đảm bảo tính kế thừa, vừa đáp ứng yêu cầu trước mắt, vừa đảm bảo tính ổn định lâu dài. Tăng cường bồi dưỡng, đào tạo, lựa chọn cán bộ quản lý có năng lực, phẩm chất đạo đức tốt để bổ nhiệm các chức danh quản lý. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý giáo dục và đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục.

Đối với đội ngũ giáo viên hiện có, cần được bố trí đúng chuyên môn, sở trường, thực hiện tốt công tác đánh giá, xếp loại viên chức giáo dục theo quy định. Tập trung các giải pháp có hiệu quả để tháo gỡ tình trạng thiếu giáo viên hiện nay; tiếp tục biệt phái, bố trí giáo viên phù hợp với từng địa phương; thực hiện các lớp liên kết đào tạo đại học ngành sư phạm tiếng Anh theo địa chỉ; tiếp tục thực hiện chính sách thu hút giáo viên tiếng Anh và Tin học từ ngoài tỉnh về công tác tại địa phương.

Thống nhất và nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong toàn ngành về vị trí, vai trò đội ngũ nhà giáo. Tập trung đẩy mạnh việc chuyển đổi số trong giáo dục, quan tâm các giải pháp hỗ trợ các đơn vị trường học vùng sâu, vùng xa. Biểu dương, khen thưởng kịp thời và thoả đáng những tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác chuyên môn. Thực hiện đầy đủ, kịp thời chế độ chính sách đối với cán bộ, giáo viên theo quy định.

Củng cố, kiện toàn đội ngũ nhà giáo theo yêu cầu đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu và chuẩn hóa về trình độ chuyên môn đào tạo. Tiếp tục tham mưu các chính sách hiệu quả trong thu hút giáo viên, tăng cường công tác đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý. Tiếp tục tổ chức tuyển dụng giáo viên theo biên chế được giao, trong đó ưu tiên tuyển dụng giáo viên ở những khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng sâu, vùng xa.

Nhìn lại chặng đường hơn 50 năm thực hiện Di chúc của Bác, kỷ niệm 65 năm Bác về thăm Yên Bái, các thế hệ thầy và trò ngành Giáo dục và Đào tạo Yên Bái tự hào về những thành tựu đã đạt được và trăn trở trước đòi hòi ngày càng cao của yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay. Kính yêu Bác Hồ, với tình cảm và trách nhiệm với sự nghiệp giáo dục đang thúc giục mỗi cán bộ, giáo viên hôm nay phải nỗ lực nhiều hơn, quyết tâm cao hơn nữa để thực hiện mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, góp phần xây dựng quê hương Yên Bái ngày càng giàu đẹp, văn minh, hạnh phúc, cùng với cả nước quyết tâm thực hiện trọn vẹn điều mong muốn cuối cùng của Bác: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng của thế giới".

 

Ban Biên tập