Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Yên Bái: Nhiều hoạt động thiết thực tuyên truyền, nâng cao nhận thức về an toàn vệ sinh lao động

23/08/2019 13:57:00 Xem cỡ chữ
CTTĐT - Theo số liệu từ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), mỗi năm, cả nước có khoảng gần 2 triệu lao động mới tham gia thị trường lao động, gần 100 nghìn doanh nghiệp mới ra đời. Nhiều doanh nghiệp mới, nhất là doanh nghiệp nhỏ không quan tâm và đầu tư về an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) còn hạn chế. Chính vì vậy, việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về ATVSLĐ là giải pháp thiết thực nhất nhằm phòng ngừa hiệu quả tai nạn lao động.

Yên Bái tổ chức nhiều hoạt động thiết thực hưởng ứng Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2019.

Với số lượng lao động và doanh nghiệp ngày càng nhiều nên qua từng năm, việc triển khai các giải pháp phòng ngừa tai nạn lao động là điều vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, tại nhiều địa phương, việc đầu tư cho công tác ATVSLĐ so với yêu cầu còn rất hạn chế. Các địa phương chưa dành ngân sách để hỗ trợ cho công tác ATVSLĐ. Các doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp tư nhân đầu tư rất ít cho ATVSLĐ, cả về con người, về đào tạo, trang thiết bị. Chính vì vậy, tai nạn lao động xảy ra tương đối nhiều, nhất là khu vực ngoài quan hệ lao động, đặc biệt trong lĩnh vực xây dựng hay trong lĩnh vực khai khoáng.

Trong khi đó, cả nước hiện nay có khoảng 400 thanh tra về lao động, trong đó, số thanh tra ATVSLĐ của ngành không quá 100 người. Điều này dẫn đến việc quá tải khi tổ chức thanh tra. Cả Trung ương và địa phương tập trung thanh tra ATVSLĐ nhưng chỉ thanh tra được không quá 2% số doanh nghiệp hằng năm… Do đó, việc tăng cường, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về pháp luật ATVSLĐ được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) nói chung, Cục An toàn lao động nói riêng và các địa phương đặc biệt quan tâm thông qua việc triển khai phát động tháng hành động ATVSLĐ qua từng năm.

Năm 2019, tháng hành động ATVSLĐ được phát động với chủ đề “Tăng cường đánh giá, quản lý các nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc”. Theo đó, các địa phương, doanh nghiệp cũng đã đồng loạt hưởng ứng, triển khai quyết liệt.

Tại tỉnh Yên Bái, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch 102/KH-UBND về việc tổ chức Tháng Công nhân và Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động tỉnh Yên Bái, năm 2019 đã được các sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp và người lao động hưởng ứng sôi nổi với nhiều hoạt động phong phú, thiết thực.

Hội đồng An toàn vệ sinh lao động tỉnh đã ban, hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức Tháng hành động tới các Sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp, trong đó chỉ đạo xây dựng chương trình;, kế hoạch tổ chức các hoạt động hướng về doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, tập trung thực thi Luật An toàn, vệ sinh lao động tăng cường đánh giá, quản lý các nguy cơ rủi ro về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Trong tháng 5 năm 2019, Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái đã tổ chức trọng thể Lễ phát động Tháng Công nhân và Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2019 với sự tham gia của hàng nghìn người lao động, học sinh trường Cao đẳng nghề trên địa bàn tỉnh.

Đối với các sở, ngành và các địa phương trong tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực hưởng ứng Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2019.

Cụ thể, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội với vai trò là cơ quan thường trực Hội đồng an toàn, vệ sinh lao động tỉnh, đã chủ động phối hợp với các Sở, ngành, cơ quan thành viên của Hội đồng tham mưu, đề xuất xây dựng kế hoạch, nội dung, chương trình tổ chức Tháng hành động; tổ chức các đợt thanh tra, kiểm tra trọng điểm về công tác thi hành pháp luật an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Tổ chức họp Hội đồng với sự tham dự của các ngành thành viên và các phóng viên các cơ quan báo, đài để thông tin tuyên truyền rộng rãi về chủ đề, nội dung của Tháng hành động; phát miễn phí hơn 1.000 ấn phẩm truyền thông đến các địa phương, doanh nghiệp; phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình, cơ quan báo, đăng, phát nhiều tin bài, phóng sự phản ánh những vấn đề nổi cộm về tình hình thực tế tại cơ sở, doanh nghiệp trong công tác an toàn vệ sinh lao động - phòng chống cháy nổ (ATVSLĐ – PCCN) ý thức, trách nhiệm của doanh nghiệp, người lao động, chính quyền địa phương đối với công tác ATVSLĐ - PCCN.

Hưởng ứng Tháng hành động An toàn vệ sinh lao động lần thứ 3, năm 2019 ngành Công an đã tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi, thiết thực; Tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật phòng cháy chữa cháy (PCCC) và kiến thức về PCCC cho nhiều lượt người tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, các làng nghề; đăng phát tin bài, phóng sự chuyên đề tuyên truyền phổ biến pháp luật về ATVSLĐ - PCCC trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tăng cường công tác thường trực sẵn sàng chiến đấu 24/24h nhằm kịp thời xử lý các tình huống cháy nổ, không để bị động, bất ngờ.

Ngành Y tế tỉnh đã chỉ đạo Trung tâm Y tế các huyện, thị, thành phố xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động; 18/20 đơn vị đã xây dựng kế hoạch thực hiện quan trắc môi trường lao động, khám sức khỏe định kỳ cho cán bộ viên chức năm 2019; Tham gia đoàn liên ngành của tỉnh thanh, kiểm tra về công tác ATVSLĐ tại 15 cơ sở trên địa bàn tỉnh…

Trong dịp phát động Tháng hành động, các cấp công đoàn trên địa bàn tỉnh đã thăm, động viên và tặng quà cho 5 nạn nhân, gia đình nạn nhân bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; trao hỗ trợ làm 6 nhà “Mái ấm công đoàn” cho gia đình công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn mỗi suất trị giá 30 triệu đồng; tặng quà cho 30 CNVCLĐ có hoàn cảnh khó khăn mỗi suất 500.000 đồng.

Cùng với đó, các cấp công đoàn đã phối hợp với các ngành chức năng tổ chức các cuộc thanh tra, kiểm tra công tác ATVSLĐ tại 15 doanh nghiệp; tổ chức các hội thi an toàn, vệ sinh viên giỏi cấp tỉnh và cấp cơ sở đã góp phần thu hút sự quan tâm tham dự của hàng nghìn người lao động trong các doanh nghiệp, tạo phong trào thi đua sôi nổi, thiết thực về đảm bảo an toàn trong lao động.

Sở Công Thương đã ban hành văn bản hướng dẫn các đơn vị sản xuất công nghiệp, kinh doanh thương mại thuộc phạm vi quản lý của ngành Công Thương xây dựng các chương trình tổ chức huấn luyện về kỹ thuật an toàn cho người lao động trực tiếp làm việc trong lĩnh vực khai thác khoáng sản, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, điện, thủy điện, xăng, dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, khí công nghiệp, hóa chất nguy hiểm, phòng chống sự cố cháy nổ, sử dụng thiết bị yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động. Yêu cầu các đơn vị, doanh nghiệp lập kế hoạch và tổ chức các hoạt động thiết thực trong Tháng hành động; tổ chức thanh tra, kiểm tra liên ngành và từng ngành đối với các đơn vị trong hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản.

Sở Xây dựng đã ban hành văn bản hướng dẫn các đơn vị trực thuộc tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động trong đó chỉ đạo tăng cường các hoạt động truyền thông, công tác thanh tra kiểm tra về ATVSLĐ trong các công trình xây dựng trọng điểm.

Sở Giao thông vận tải chỉ đạo tập trung tổ chức các hoạt động cải thiện điều kiện lao động tại nơi làm việc; kiện toàn, bổ sung, hướng dẫn mạng lưới an toàn vệ sinh viên ở các cơ sở sản xuất kinh doanh; tăng cường công tác kiểm tra, tự kiểm tra, rà soát, phát hiện những nguy cơ mất an toàn và xây dựng kế hoạch phòng ngừa ngay tại các đoanh nghiệp, công trình, phân xưởng, tổ đội sản xuất.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thành lập Hội đồng An toàn vệ sinh lao động ngành Nông nghiệp; chỉ đạo tăng cường tổ chức tuyên truyền về Luật ATVSLĐ; Luật Phòng cháy, chữa cháy, công tác phòng chống cháy rừng, kiểm tra an toàn trong việc sử dụng thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật.

Bảo hiểm xã hội tỉnh đã triển khai thực hiện kế hoạch, chỉ đạo tốt các phong trào thi đua: “Bảo đảm an toàn vệ sinh lao động”. Duy trì nâng cao về chất lượng, trở thành một phong trào quần chúng đều khắp, làm cơ sở cho việc xã hội hóa công tác ATVSLĐ, góp phần tích cực vào việc cải thiện môi trường, điều kiện lao động, ngăn ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Cũng trong thời gian này, các doanh nghiệp trong tỉnh cũng đã tích cực tham gia các hoạt động của Tháng hành động, điển hình đó là: Công ty Cổ phần Thủy điện Thác Bà đã chỉ đạo các đơn vị thực hiện đúng nội quy, quy trình kỹ thuật, rà soát, bổ sung kịp thời, về nội quy an toàn vận hành thiết bị mới, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ; Tăng cường thông tin, tuyên truyền đến từng tổ đội, phân xưởng sản xuất; tổ chức đào tạo, huấn luyện định kỳ cho hơn 175 người lao động. Trong quá trình huấn luyện có thực hành các tình huống giả định mất an toàn để từ đó xây dựng phương án xử lý khi có sự cố xảy ra. Các thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ được rà soát, kiểm tra lại danh mục đăng ký và kiểm định an toàn; thường xuyên kiểm tra, phát hiện kịp thời các sự cố có thể xảy ra, thực hiện tốt các hướng dẫn và quy định hiện hành.

Công ty Điện lực Yên Bái đã phối hợp với Hội đồng An toàn vệ sinh lao động tỉnh tổ chức Lễ phát động hưởng ứng Tháng hành động, tổ chức mít tinh tọa đàm với 100 người tham dự; Tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho 301 lượt CBCNV; Thăm hỏi động viên 13 lượt nạn nhân và gia đình nạn nhân bị tai nạn lao động thực hiện các phương án diễn tập phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ; tổ chức các hoạt động tuyên truyền về bảo vệ hành lang công trình điện; Lập kế hoạch kiểm tra việc thực hiện công tác an toàn vệ sinh lao động, Luật Phòng cháy chữa cháy, Luật Giao thông đường bộ…

Có thể thấy, các hoạt động của các cấp, các ngành, các địa phương trên địa bàn tỉnh trong Tháng hành động đã góp phần làm chuyển biến rõ rệt nhận thức của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác ATVSLĐ-PCCN. Việc chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về pháp luật ATVSLĐ chính là một trong những giải pháp đặc biệt quan trọng, thiết thực, hiệu quả trong công tác phòng ngừa tai nạn lao động.

Ban Biên tập