Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Hiệu quả chính sách đào tạo nghề cho lao động ở Yên Bái

23/10/2019 08:06:00 Xem cỡ chữ
CTTĐT - Trong những năm qua, tỉnh Yên Bái đã triển khai thực hiện có hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn. Đến nay chất lượng lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh đã có bước cải thiện đáng kể, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, tăng năng suất lao động, chuyển dịch cơ cấu lao động, giảm nghèo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

Đến hết năm 2018, tỷ lệ lao động qua đào tạo toàn tỉnh đạt 54%

Trong giai đoạn 2010 - 2016, thực hiện chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo chương trình của Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn”, toàn tỉnh đã mở trên 1.300 lớp với số lao động nông thôn được học nghề là trên 37.900 người. Số lao động nông thôn được hỗ trợ đào tạo nghề trong lĩnh vực nông nghiệp là trên 25.200 người (chiếm 67%), lĩnh vực phi nông nghiệp trên 12.600 người (chiếm 33%). Toàn tỉnh đã mở 33 lớp đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ công chức xã với gần 2.900 người tham gia.

Đã có trên 33.300 lao động nông thôn có việc làm sau đào tạo nghề, đạt 88%. Trong đó, lao động có việc làm sau khi được đào tạo nghề trong lĩnh vực nông nghiệp là trên 22.700 người, đạt tỷ lệ 90%; lĩnh vực phi nông nghiệp trên 10.500 người, đạt 83,5%. Tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm sau khi học nghề vượt so với mục tiêu kế hoạch; chất lượng lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh đã có bước cải thiện đáng kể, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã góp phần giúp cho hàng ngàn lao động (đặc biệt là đối tượng chính sách, người dân tộc thiểu số, người nghèo...) được chuyển giao kiến thức khoa học kỹ thuật, kỹ năng nghề.

Trong giai đoạn 2016-2018, toàn tỉnh đã tuyển mới đào tạo nghề cho 50.407 người (Trong đó: Trình độ cao đẳng 4.045 người; trung cấp 7.376 người; sơ cấp và đào tạo thường xuyên dưới 3 tháng 38.986 người. Trong giai đoạn này đã có 15.380 lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề theo chính sách của Đề án 1956).

Tính đến hết năm 2018, tỷ lệ lao động qua đào tạo toàn tỉnh đạt 54%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 3 tháng trở lên có văn bằng, chứng chỉ công nhận kết quả đào tạo đạt 27,8%. Tỷ lệ lao động nông nghiệp nông nghiệp trong tổng số lao động trên địa bàn tỉnh hết năm 2018 đạt 64,8%. Năm 2018, chỉ tiêu tuyển sinh trung cấp thuận lợi, hoàn thành vượt so với chỉ tiêu được giao chủ yếu là do các loại hình liên kết đào tạo giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong và ngoài tỉnh được đẩy mạnh.

Chỉ số về đào tạo lao động, một trong 10 chỉ số thành phần của chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI đều tăng điểm, năm 2017 đạt 6,22 điểm xếp thứ 40/63 tỉnh, thành phố; năm 2018 đạt 6,6 điểm xếp thứ 18/63 tỉnh, thành phố; Chỉ số đào tạo lao động của tỉnh được cải thiện đã góp phần tăng điểm số của chỉ số PCI tỉnh Yên Bái năm 2018 so với năm 2017; tăng 4 bậc trong bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2018 (42/63) so với năm 2017 (46/63). Điều này cho thấy các doanh nghiệp khá hài lòng về chất lượng nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh.

Nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh đã cơ bản đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của các địa phương và nhu cầu sử dụng của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tại khu vực nông nghiệp, nông thôn, lao động qua đào tạo đã góp phần quan trọng nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung như trồng cam, trồng lúa, trồng và chế biến măng tre bát độ, trồng dâu nuôi tằm…, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp, đào tạo nghề đã góp phần giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động mỗi năm tại các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp được tỉnh thu hút đầu tư như các doanh nghiệp may có vốn đầu tư của Hàn Quốc, các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực du lịch, dịch vụ, đồng thời đáp ứng nhu cầu mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, tăng quy mô lao động của các doanh nghiệp hiện có.

Trong thời gian qua, Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thực hiện các chính sách về đào tạo nhân lực trên địa bàn tỉnh bao gồm, hỗ trợ nguồn lực đầu tư từ kinh phí ngân sách tỉnh cân đối với nguồn lực ngân sách trung ương để đầu tư cho Trường Cao đẳng Nghề Yên Bái theo mục tiêu trở thành trường chất lượng cao đến năm 2020 (theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ), đồng thời đáp ứng yêu cầu đào tạo các nghề đạt trọng điểm cấp quốc tế (02 nghề), nghề trọng điểm cấp Asean (03 nghề) và 01 nghề đạt trọng điểm cấp quốc gia; đầu tư cho các trường cao đẳng, trường trung cấp công lập nhằm đáp ứng yêu cầu đạt trọng điểm cấp quốc gia (11 nghề) đã được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phê duyệt nhằm đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực có chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, đặc biệt là đáp ứng nhu cầu sử dụng nhân lực chất lượng cao của các doanh nghiệp.

Giai đoạn 2011-2020, tỉnh đang thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956 của Thủ tướng chính phủ nhằm đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực ở khu vực nông thôn đáp ứng yêu cầu chuyển giao khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và yêu cầu sử dụng nhân lực qua đào tạo của doanh nghiệp.

Năm 2018, tỉnh Yên Bái đã phê duyệt Đề án đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 với mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, lao động nông nghiệp còn khoảng 61,9% lao động tham gia hoạt động kinh tế của tỉnh, trong đó tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng số lao động hoạt động kinh tế của các huyện, thị xã, thành phố là: thành phố Yên Bái 5,76%; huyện Trấn Yên 63,71%; huyện Yên Bình 56,75%; huyện Văn Yên 67,43%; huyện Lục Yên 73,4%; huyện Văn Chấn 77,54%; thị xã Nghĩa Lộ 30,04; huyện Trạm Tấu 85,5%; huyện Mù Cang Chải 88,83%.

Đến năm 2025, lao động nông nghiệp còn khoảng 51,9% lao động tham gia hoạt động kinh tế của tỉnh, trong đó tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng số lao động hoạt động kinh tế của các huyện, thị xã, thành phố là: thành phố Yên Bái 3,11%; huyện Trấn Yên 52,71%; huyện Yên Bình 45,64%; huyện Văn Yên 56,43%; huyện Lục Yên 62,4%; huyện Văn Chấn 66,04%; thị xã Nghĩa Lộ 20,4%; huyện Trạm Tấu 75,5%; huyện Mù Cang Chải 78,83%.

Theo đó, trong những năm tới, dự kiến mỗi năm ngân sách tỉnh sẽ bố trí kinh phí 10 tỷ đồng để hỗ trợ các doanh nghiệp đào tạo và tuyển dụng lao động vào làm việc trong đó tập trung vào các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp được tỉnh thu hút đầu tư, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, du lịch, dịch vụ.

Năm 2019, Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đã tiến hành khảo sát, xây dựng kế hoạch hỗ trợ đào tạo cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh để tham mưu cho tỉnh triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo lao động làm việc trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh theo quy định tại Thông tư số 32/2018/TT-BLĐTBXH ngày 26/12/2018 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhằm hỗ trợ kịp thời cho các doanh nghiệp đào tạo, nâng cao chất lượng lao động, đáp ứng yêu cầu nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Ban Biên tập