Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Thực hiện các giải pháp đồng bộ đầu tư cho công nghiệp hóa, chuyển dịch cơ cấu lao động trong nông nghiệp, nông thôn

25/11/2019 09:46:00 Xem cỡ chữ
CTTĐT - Trong quá trình đổi mới, Đảng và Nhà nước đã thực hiện các giải pháp đồng bộ đầu tư cho công nghiệp hóa, chuyển dịch cơ cấu lao động trong nông nghiệp, nông thôn.

Học sinh hệ trung học phổ thông trên địa bàn huyện Lục Yên học nghề điện công nghiệp

Cụ thể, trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài và khuyến khích đầu tư trong nước nói chung, đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn nói riêng. Bằng việc ban hành Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và Luật Khuyến khích đầu tư trong nước, sau này là Luật Đầu tư nói chung với các quy định tương đối thông thoáng, cởi mở đã tạo nên một “làn sóng” đầu tư vào Việt Nam. Mạng lưới các khu công nghiệp, khu kinh tế hình thành trên địa bàn cả nước, trong đó, các khu công nghiệp được bố trí không chỉ trên địa bàn các thành phố, đô thị lớn mà cả ở những vùng nông thôn; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế cũng như cơ cấu lao động của các vùng nông thôn. Một số địa phương như Vĩnh Phúc, Bình Dương, Đồng Nai,… vốn là những tỉnh nông nghiệp hay nông nghiệp là chủ yếu nay đã trở thành những địa phương có cơ cấu kinh tế với tỷ lệ áp đảo của công nghiệp và dịch vụ. Cơ cấu lao động cũng có chuyển biến đáng kể theo hướng tăng tỷ trọng lao động công nghiệp, dịch vụ; giảm lao động nông nghiệp. Năm 2011, cơ cấu kinh tế của tỉnh Đồng Nai là: công nghiệp - xây dựng chiếm 57,3%, dịch vụ 35,2%, nông, lâm nghiệp và thuỷ sản 7,5%; tỉnh Bình Dương: công nghiệp 62,2%, dịch vụ 33,7%, nông nghiệp 4,1%; tỉnh Vĩnh Phúc: nông, lâm nghiệp, thuỷ sản 15,6%; công nghiệp - xây dựng 54,8% và dịch vụ 29,6%.(1)

Khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống, phát triển tiểu thủ công nghiệp gắn với du lịch, dịch vụ; phát triển dịch vụ nông nghiệp trong các khâu như làm đất, tưới tiêu, bảo vệ thực vật; phát triển công nghệ sau thu hoạch: công nghiệp bảo quản, chế biến, vận tải;… Làng nghề truyền thống bên cạnh giá trị biểu tượng văn hoá, trong thời kỳ mở cửa đã đóng góp tích cực vào mức tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của các địa phương.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện cả nước có khoảng 3.000 làng nghề với trên 13 triệu lao động nông thôn, thu nhập 700.000 - 3.000.000 đồng/người/tháng. Làng nghề nông thôn góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, trong đó lao động nông thôn “ly nông bất ly hương”. Hiện có 30/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng và phê duyệt quy hoạch phát triển ngành, nghề nông thôn.(2) Còn theo khảo sát của Hiệp hội làng nghề Việt Nam, ở các địa phương miền Trung - Tây Nguyên hiện nay còn lưu giữ và phát triển hơn 1.500 làng nghề có lịch sử hình thành và phát triển hàng trăm năm như: Đúc đồng Phường Đúc, thêu Thuận Lộc, nón lá Phú Cam, hoa giấy Thanh Tiên… ở Thừa Thiên - Huế; làng đá mỹ nghệ Non Nước Đà Nẵng; làng đúc đồng Phước Kiều, làng mộc Kim Bồng, dệt lụa Mã Châu, đền lồng Hội An, rau Trà Quế… ở Quảng Nam; làng rượu Bàu Đá, tiện mỹ nghệ Nhạn Tháp (xã Nhơn Hậu), rèn Tây Phương Danh (thị trấn Đập Đá) Bình Định; gốm Chăm Ninh Thuận, dệt thổ cẩm Tây Nguyên…

Với chính sách hỗ trợ của Nhà nước, mỗi vùng, mỗi địa phương có một định hướng hay chiến lược quy hoạch và phát triển làng nghề phù hợp với điều kiện của địa phương. Ví dụ ở Hà Nội, hiện có hơn 1.000 làng nghề ở 19 huyện, thị xã. Năm 2009, giá trị sản xuất của các làng nghề Hà Nội đã đạt khoảng 7.000 tỷ đồng, chiếm 10% tổng giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp toàn thành phố. Riêng 256 làng nghề đã được công nhận là làng nghề truyền thống (tính đến hết năm 2008) đã đạt giá trị sản xuất 4.791 tỷ đồng.

 Ban hành cơ chế, chính sách và tập trung nguồn lực đầu tư cho các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn nhằm phát triển giống cây trồng, vật nuôi mới, thay đổi thói quen, tập quán sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp theo hướng áp dụng các quy trình sản xuất, thâm canh tiên tiến, tăng năng suất, hiệu quả, gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp, nông thôn. Tính riêng trong thời gian từ năm 2010 đến tháng 6-2012, đã có 570 đề tài, dự án được các sở khoa học và công nghệ 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long thực hiện, trong đó, trên 37% là đề tài, dự án về nông, lâm, ngư nghiệp.(3)

Tăng cường đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tạo điều kiện chuyển dịch cơ cấu lao động. Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27-11-2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” đã mở ra hướng mới phát triển đào tạo lao động nông thôn, xây dựng nông thôn mới. Mục tiêu cơ bản của Đề án là phấn đấu đào tạo nghề bình quân khoảng 1 triệu lao động nông thôn/năm; nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề, nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập của lao động nông thôn; góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn. Nguồn lực của Đề án không chỉ tập trung hỗ trợ cho người học nghề mà còn đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất mạng lưới các cơ sở đào tạo nghề, chăm lo đội ngũ giảng viên, phát triển các trung tâm hướng nghiệp, giới thiệu việc làm.

 Trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn có nội dung phát triển nhân lực cho làng nghề truyền thống. Việc đào tạo nghề cho các làng nghề truyền thống thực hiện theo 3 mô hình: đào tạo lao động để xây dựng làng nghề mới (còn gọi là “cấy nghề” cho những địa phương chưa có nghề truyền thống); đào tạo gắn với vùng nguyên liệu và đào tạo nhân lực trình độ sơ cấp để phát triển chất lượng nhân lực tại các làng nghề hiện có.

Theo đánh giá sơ bộ của Tổng cục Dạy nghề, đến nay, nhờ kết hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp, 80 - 90% học viên sau khi học xong đã có việc làm, có thể nhận đơn đặt hàng về làm hoặc có việc làm tại các công ty, doanh nghiệp…(4)

Cùng với tốc độ tăng trưởng kinh tế, tiến trình công nghiệp hóa là quá trình đô thị hóa. Tốc độ đô thị hóa nhanh trong những năm đổi mới vừa qua cũng là yếu tố tác động đến chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động khu vực nông thôn. Cơ cấu kinh tế nông thôn ngoại thành Hà Nội (sau khi sáp nhập tỉnh Hà Tây) thay đổi nhanh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa: tiểu thủ công nghiệp, làng nghề chiếm tỷ lệ 29,5%; thương mại, dịch vụ 29,35%; nông nghiệp chỉ còn 29,53%. Lao động cũng biến động theo hướng chuyển dịch một bộ phận lao động nông nghiệp ra khỏi khu vực nông thôn hoặc chuyển sang các hoạt động phi nông nghiệp và ngành, nghề, dịch vụ ở nông thôn. Hiện tại, có cấu lao động nông thôn ngoại thành Hà Nội gồm: lao động công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng chiếm 25%; lao động dịch vụ, thương mại 17%; lao động nông nghiệp 58%.(5)

Sau hơn 25 năm thực hiện đường lối đổi mới, bộ mặt nông thôn nước ta có bước chuyển biến khá toàn diện. Cơ cấu ngành, nghề chuyển dịch theo hướng tích cực, các hình thức tổ chức sản xuất tiếp tục đổi mới; đời sống vật chất và tinh thần của dân cư ở hầu hết các vùng nông thôn ngày càng được cải thiện, xóa đói, giảm nghèo đạt kết quả tích cực. Việt Nam từ chỗ là nước thường xuyên thiếu lương thực vươn lên thành một trong những cường quốc xuất khẩu gạo và nhiều mặt hàng nông, lâm, thủy sản khác.

 Thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản chính trong chín tháng đầu năm 2012 có xu hướng tăng so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tháng 9 ước đạt 2,3 tỷ USD, đưa giá trị xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản chín tháng năm 2012 ước đạt 20,4 tỷ USD, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 11,1 tỷ USD, tăng 6,2%; thủy sản ước đạt 4,5 tỷ USD, tăng 3,5%; lâm sản chính ước đạt 3,58 tỷ USD, tăng 19,2% so với cùng kỳ năm trước. Cơ cấu ngành, nghề của hộ nông thôn đã có sự chuyển dịch theo hướng tích cực, số lượng, tỷ trọng số hộ hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm, thuỷ sản ngày càng giảm, trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ ngày càng tăng. Theo kết quả Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2011 của Tổng cục Thống kê, năm 2011, số hộ hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm, thuỷ sản là 9,53 triệu hộ (chiếm 62,2%), giảm 248 nghìn hộ so với năm 2006 (chiếm 71,1%); số hộ hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ: 5,13 triệu, tăng 1,67 triệu so với năm 2006. Tính chung trong giai đoạn 2001 - 2011, số hộ nông, lâm, thuỷ sản cứ qua 5 năm lại giảm đi khoảng từ 9% đến 10%. Đến năm 2011, đã có 13/63 tỉnh, thành phố có tỷ trọng hộ hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ chiếm trên 40% tổng số hộ nông thôn, trong khi năm 2006 con số này chỉ có ở 5/63 tỉnh, thành phố. Tính theo vùng, tốc độ chuyển dịch cơ cấu ngành, nghề hộ nông thôn từ nông, lâm, thuỷ sản sang các lĩnh vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ rõ nét nhất là ở vùng Đông Nam Bộ và sau đó là vùng đồng bằng sông Hồng.

Chính từ chuyển dịch cơ cấu ngành, nghề theo hướng công nghiệp hóa đã dẫn tới sự chuyển dịch cơ cấu lao động ở nông thôn. Năm 2011, trong tổng số 32 triệu người trong độ tuổi có khả năng lao động ở khu vực nông thôn, có 59,6% lao động hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm, thuỷ sản, giảm mạnh so với mức 70,4% của năm 2006; 18,4% tổng số lao động hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, tăng khá nhanh so với mức 12,5% của năm 2006 và 20,5% là lao động trong lĩnh vực dịch vụ (năm 2006, tỷ lệ này là 11,9%). Còn lại là lao động hoạt động trong các lĩnh vực khác.

Trình độ chuyên môn của lao động nông thôn cũng từng bước được nâng cao. Số người trong độ tuổi lao động có khả năng lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật từ sơ cấp trở lên năm 2011 chiếm tỷ lệ 11,2% (năm 2006 chỉ đạt 8,2%). Trong đó, trình độ trung cấp lần lượt ở các năm 2011, 2006 là 4,3% và 3%; trình độ đại học là 2,2% và 1,1%.

Cơ cấu ngành nghề, cơ cấu lao động chuyển dịch tích cực, trình độ của người lao động nông thôn được nâng cao nên thu nhập và tích luỹ của hộ gia đình nông thôn ngày càng tăng lên. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tại thời điểm 01-7-2011, vốn tích luỹ bình quân một hộ nông thôn đạt 17,4 triệu đồng, gấp 2,6 lần so với thời điểm 01-7-2006. Nếu như loại trừ yếu tố trượt giá thì vốn tích lũy bình quân một hộ nông thôn năm 2011 tăng khoảng 41% so với năm 2006, tăng cao hơn so với mức tăng trưởng kinh tế của nước ta trong thời kỳ 2006 - 2011 (gần 40%).

Mặc dù đã đạt được những kết quả rất tích cực, tuy nhiên chuyển dịch cơ cấu kinh tế, ngành, nghề và cơ cấu lao động ở khu vực nông thôn vẫn còn chậm và còn cách xa so với yêu cầu quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Trong 10 năm, từ 2001 - 2011, tỷ trọng lao động hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm, thuỷ sản mới giảm được 20%, từ khoảng 80% năm 2001 xuống còn khoảng 60% vào năm 2011, bình quân mỗi năm chỉ giảm được 2%. Trong tổng số người trong độ tuổi lao động có tham gia hoạt động nông nghiệp thì lao động chuyên nông nghiệp (thuần nông) chiếm tỷ lệ lớn, tới 46%; lao động nông nghiệp kiêm ngành nghề khác chiếm 32,1% và lao động phi nông nghiệp có hoạt động phụ nông nghiệp chiếm 21,9%.... Mặt khác, trình độ chuyên môn của lao động nông thôn vẫn còn rất thấp trước yêu cầu sản xuất hàng hoá trong nền kinh tế thị trường. Vì vậy, khả năng chuyển đổi ngành nghề từ khu vực nông, lâm, thuỷ sản sang khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ để thay đổi cơ cấu lao động trong nông nghiệp, nông thôn còn chậm và không đồng đều giữa các vùng, các địa phương, nhất là ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Lao động nông thôn mặc dù còn dư thừa nhiều (thiếu việc làm tuyệt đối và thiếu việc làm do tính chất thời vụ của hoạt động sản xuất nông nghiệp) nhưng rất ít người chuyển đổi (và có năng lực để chuyển đổi) sang lao động công nghiệp và dịch vụ. Tuy tích luỹ của người lao động và của các hộ tăng cao, nhưng còn có sự chênh lệch lớn giữa các vùng và các nhóm hộ. Ở vùng Đông Nam Bộ, mức tích lũy cao nhất, đạt 23,6 triệu đồng/hộ, gấp 2,7 lần so với ở vùng trung du miền núi phía Bắc - chỉ đạt mức tích luỹ bình quân 8,7 triệu đồng/hộ. Mức tích lũy của hộ kinh doanh thương nghiệp gấp 5,8 lần của hộ diêm nghiệp, gấp 4,5 lần thu nhập của hộ lâm nghiệp và gấp gần 2,7 lần của hộ nông nghiệp… Đây là những khó khăn đặt ra trong việc thực hiện mục tiêu thu hẹp dần khoảng cách phát triển giữa các vùng, miền, giữa các ngành kinh tế.