Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Yên Bái đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, chuyển dịch lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp

23/10/2019 15:30:00 Xem cỡ chữ
CTTĐT - Trong năm 2019, tỉnh Yên Bái phấn đấu thực hiện đào tạo nghề cho 31 nghìn lao động, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo của toàn tỉnh đạt 60%; tỷ lệ lao động qua đào tạo ba tháng trở lên có văn bằng, chứng chỉ công nhận đào tạo đạt 29,4%; chuyển dịch 2% lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp (tương đương khoảng 5.300 lao động), giảm tỷ lệ lao động nông nghiệp toàn tỉnh còn khoảng 62,8% số lao động tham gia hoạt động kinh tế.

Nhà máy may của Công ty TNHH Daesung Global tại Cụm công nghiệp Thịnh Hưng tạo nhiều việc làm cho lao động địa phương.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Yên Bái có 13 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (trong đó có 4 trường cao đẳng nghề, 3 trường trung cấp, 6 trung tâm giáo dục nghề nghiệp tuyến huyện). Trong giai đoạn 2016 - 2018, toàn tỉnh đã tuyển mới đào tạo cho trên 50,4 nghìn người (trong đó: Trình độ cao đẳng 4,045 nghìn người; trung cấp gần 7,4 nghìn người; sơ cấp và đào tạo thường xuyên dưới 3 tháng gần 39 nghìn người). Trong giai đoạn này, đã có gần 15,4 nghìn lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề theo Đề án 1956 của Chính phủ. Tính đến hết năm 2018, tỷ lệ lao động qua đào tạo toàn tỉnh đạt 54%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 3 tháng trở lên có văn bằng, chứng chỉ công nhận kết quả đào tạo đạt 27,8%.

Cơ sở vật chất, trang thiết bị tại các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh tiếp tục được đầu tư nâng cấp, mở rộng cả về quy mô, chất lượng và năng lực đào tạo. Đặc biệt, các cơ sở dạy nghề luôn chú trọng gắn việc đào tạo với giải quyết việc làm bằng cách liên kết, ký hợp đồng cung ứng lao động với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Các ngành nghề đào tạo chủ yếu là: Điện, điện tử công nghiệp, cơ khí, xây dựng,… Ngoài ra, các cơ sở dạy nghề còn đào tạo thêm một số nghề mà người lao động có nhu cầu như: Nông nghiệp, chăn nuôi, thú y, đào tạo cấp bằng lái ô tô, may mặc, du lịch, dịch vụ…

Trường Cao đẳng Nghề Yên Bái tiền thân là Trường công nhân kỹ thuật tỉnh Yên Bái được thành lập từ năm 1992. Sau 27 năm xây dựng và phát triển, Trường trở thành địa chỉ uy tín cho người học lựa chọn học nghề. Trường Cao đẳng Nghề Yên Bái hiện đang là một trong những trường tốp đầu được đa số học sinh các xã vùng cao trong tỉnh lựa chọn khi tốt nghiệp THCS.

Trong những năm qua trường Cao đẳng Nghề Yên Bái luôn quan tâm, trú trọng đến việc đầu tư, cải tiến hệ thống máy móc, dây truyền các xưởng thực hành nghề. Học viên được đào tạo theo hướng giảm thời gian học lý thuyết tăng thời gian học thực hành gắn với thăm quan, tham gia học việc trực tiếp tại các dây truyền, nhà máy sản xuất của các doanh nghiệp mà nhà trường ký kết.

Cán bộ trường Cao đẳng Nghề Yên Bái tư vấn giới thiệu về các ngành nghề đào tạo.

Bên cạnh đó, nhiều năm qua, Trường đã xây dựng kế hoạch nâng cao trình độ đội ngũ giáo viên thông qua tuyển dụng và đào tạo. Hàng năm, Trường cử cán bộ, giáo viên tham gia các khóa học ngắn hạn hoặc dài hạn để nâng cao trình độ. Nhờ vậy, đến nay đội ngũ giáo viên có trình độ đại học và trên đại học của Trường ngày càng nâng lên. Có tới 90% giáo viên của các nghề trọng điểm đạt chuẩn kỹ năng kỹ nghề theo chuẩn mới của Luật Giáo dục nghề nghiệp. Hàng năm Trường Cao đẳng Nghề Yên Bái đã tập trung các giải pháp để thực hiện tốt công tác tuyển sinh như tổ chức khảo sát nhu cầu sử dụng lao động ở các doanh nghiệp, nhu cầu học nghề của người lao động tại địa phương và mở rộng các hệ đào tạo, các ngành đào tạo, đào tạo dài hạn, đào tạo ngắn hạn cho học sinh THPT ở 9 nghề Cao đẳng, 17 nghề trung cấp và 13 nghề sơ cấp. Trong đó, có 2 nghề  được đầu tư trọng điểm cấp độ quốc tế; 3 nghề cấp độ Asean; 1 nghề cấp độ quốc gia.

Trong 3 năm gần đây, mỗi năm Nhà trường đào tạo và quản lý khoảng trên 100 lớp với khoảng 3.500 học sinh, sinh viên của 3 bậc, ngoài ra còn đào tạo nghiệp vụ sư phạm dạy nghề, bồi dưỡng nâng bậc và liên kết đào tạo đại học. 100% học sinh, sinh viên chấp hành tốt quy chế của nhà trường, tỉ lệ chuyên cần đạt 85%, đạo đức xếp loại từ trung bình trở lên đạt 100% trong đó có 98% đạt khá, tốt.

Hàng năm nhà trường tổ chức hội thi tay nghề thu hút đông đảo học sinh sinh viên tham gia. Các năm học kết quả tốt nghiệp đạt 99% trở lên, loại khá giỏi đạt trên 20%.

Em Nguyễn Quang Huân - Học sinh trường Cao đẳng Nghề Yên Bái cho biết: Hiện nay nghề công nghệ ô tô dễ tìm việc làm, công việc khá ổn định, lương cao. Em theo học ở đây vì Nhà trường có cơ sở vật chất và chính sách ưu đãi tốt, các thầy cô giáo có tay nghề cao và giảng dạy chuyên nghiệp.

Trường Cao đẳng nghề Yên Bái là một đơn vị có kinh nghiệm và bề dày trong việc gắn doanh nghiệp vào đào tạo. Ngay trong quá trình đào tạo, Trường đã phối hợp các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức sử dụng lao động để lấy ý kiến đóng góp vào những nội dung đào tạo cho sát với thực tế. Để công tác đào tạo gần hơn với doanh nghiệp, Trường đã thành lập bộ phận chuyên trách kết nối với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Bộ phận này có trách nhiệm tiếp cận với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp để nắm bắt nhu cầu tuyển dụng lao động của họ.

Trong những năm qua, Nhà trường đã kết nối, ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác đào tạo, giới thiệu việc làm, tài trợ học bổng với trên 30 công ty, doanh nghiệp chủ yếu ở Hà Nội như Công ty Canon Việt Nam, Công ty TNHH Hòa Phát, Công ty cơ khí Thăng Long, Công ty Cổ phần Sản xuất Thương mại Điện cơ... Học sinh - sinh viên của các nghề như điện công nghiệp, máy thi công nền, hàn, công nghệ ô tô trong quá trình học được thực tập ngay tại doanh nghiệp, tỷ lệ có việc làm ngay sau khi học lên đến trên 90%.

Trước đây anh Phạm Tiến Dũng đã từng học tại Trường Cao đẳng Nghề Yên Bái, sau khi ra trường vào làm việc tại Công ty TNHH Dung Bắc, thành phố Yên Bái. Theo anh Phạm Tiến Dũng thì điều quan trọng nhất của mỗi học viên sau khi tốt nghiệp các trường nghề là có môi trường làm việc thực tiễn luôn. Bởi theo anh, các cơ sở dạy nghề hiện nay đã trang bị rất tốt cho người học lý thuyết, nhưng về tay nghề, thực hành nghề thì các học viên đa phần còn yếu và thiếu. Do vậy, chỉ cần khoảng một thời gian ngắn đi làm tại doanh nghiệp, được cầm tay chỉ việc thì trình độ, kỹ năng tay nghề của học viên sẽ nâng cao.

Việc gắn kết giữa nhà trường với doanh nghiệp trong đào tạo nghề sẽ giúp cho chất lượng đào tạo của các cơ sở dạy nghề được nâng cao, đồng thời khai thác trang thiết bị, vật tư, nguyên liệu của các doanh nghiệp hỗ trợ đào tạo của nhà trường.

Ông Lê Anh Tuấn - Hiệu trưởng trường Cao đẳng nghề Yên Bái cho biết thêm: Trong những năm qua nhà trường chủ động liên hệ với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh có kế hoạch làm việc, ký biên bản ghi nhớ về thực tập, về tiếp nhận học sinh sau đào tạo. Hàng năm tất cả số học sinh sinh viên học hệ Trung cấp và Cao đẳng của nhà trường đều được đến các doanh nghiệp thực tập từ 3 - 5 tháng cuối khóa để làm quen, đây cũng là dịp để doanh nghiệp đánh giá tay nghề và lựa chọn tuyển dụng.

Từ năm học 2018 - 2019, đối với các nghề trọng điểm nhà trường cam kết giới thiệu việc làm cho học sinh sinh viên sau đào tạo.

Hiện nay, nhà trường đã hợp tác, liên kết với trên 30 doanh nghiệp trong đào tạo nhằm tạo việc làm bền vững cho học viên sau khi tốt nghiệp. Trong đó có 10 doanh nghiệp thường xuyên có học sinh của nhà trường đến thực tập tại doanh nghiệp; đến năm học 2019 - 2020 đã có 6 doanh nghiệp ký bao tiêu đầu ra cho nhà trường với khoảng 300 học sinh sinh viên.

Năm 2019, tỉnh Yên Bái phấn đấu thực hiện đào tạo nghề cho 30 nghìn lao động, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo của toàn tỉnh đạt 60%; tỷ lệ lao động qua đào tạo ba tháng trở lên có văn bằng, chứng chỉ công nhận đào tạo đạt 29,4%; chuyển dịch 2% lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp (tương đương khoảng 5.300 lao động), giảm tỷ lệ lao động nông nghiệp toàn tỉnh còn khoảng 62,8% số lao động tham gia hoạt động kinh tế; dành 40,6 tỷ đồng cho công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm và chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp.

Để đạt được các mục tiêu trên, tỉnh Yên Bái đề ra các giải pháp đó là: tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền; tư vấn việc làm, học nghề, thông tin thị trường lao động; đẩy mạnh tuyển sinh đào tạo nghề, chú trọng đào tạo nhân lực chất lượng cao, đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo, gắn kết chặt chẽ giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp và thị trường lao động. Đồng thời, tỉnh thực hiện giải quyết việc làm cho lao động tại các khu công nghiệp, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tăng cường xuất khẩu lao động.

Bên cạnh đó thúc đẩy các hoạt động tăng trưởng kinh tế nhằm tạo việc làm, phát triển thị trường lao động, chú trọng giải quyết việc làm ở lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ nhằm chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp; hỗ trợ đào tạo nghề đối với lao động làm việc trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh.

Ban Biên tập