Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Vai trò của nghề phi nông nghiệp trong tiến trình phát triển đất nước

18/11/2019 15:57:00 Xem cỡ chữ
Việc phát triển ngành nghề nông thôn hay các nghề phi nông nghiệp có những vai trò không thể thay thế được trong quá trình phát triển nông thôn của mỗi khu vực, mỗi địa phương. Các chương trình phát triển nông thôn như xây dựng nông thôn mới, hay mỗi xã một sản phẩm cần lấy việc phát triển ngành nghề nông thôn làm trung tâm phát triển để có thể sớm đạt được kết quả và có được sự phát triển bền vững như mong muốn của người dân và các cấp chính quyền.

Lớp dạy nghề sửa xe máy ở Trường cao đẳng nghề Yên Bái.

Công nghiệp hoá, đô thị hoá là bước phát triển tất yếu của đất nước trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Nền kinh tế càng phát triển nhanh thì tốc độ công nghiệp hoá và đô thị hoá diễn ra càng nhanh và ngược lại. Quá trình này góp phần nâng cao năng suất lao động, đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội và nâng cao đời sống nhân dân nói chung. Theo thống kê, hệ thống đô thị Việt Nam đã có bước phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng. Tỷ lệ đô thị hoá tăng từ khoảng 19,6% với 629 đô thị vào năm 1999 lên khoảng 37,5% với 813 đô thị năm 2017. Tuy nhiên, quá trình công nghiệp hoá và đô thị hoá cũng có những ảnh hưởng tiêu cực rất sâu sắc, làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, môi trường văn hoá và sự phát triển bền vững của vùng nông thôn.

 Để có mặt bằng phục vụ quá trình công nghiệp hoá, đô thị hoá đương nhiên phải sử dụng phần lớn đất canh tác nông nghiệp. Điều đó có nghĩa là quá trình này luôn song hành với quá trình thu hẹp các vùng sản xuất nông nghiệp vốn đã tồn tại qua nhiều thế hệ nông dân. Tốc độ đô thị hoá càng mạnh thì diện tích đất nông nghiệp càng nhanh bị thu hẹp. Trung bình mỗi năm có khoảng 20.000 - 60.000ha đất nông nghiệp bị chuyển đổi mục đích sử dụng nhằm phục vụ cho quá trình công nghiệp hoá hiện đại hoá. Khi đất đai bị thu hẹp thì người nông dân bị mất đi phần tư liệu sản xuất quan trọng nhất để tạo nên thu nhập cho cuộc sống của gia định họ và tạo ra của cait cho xã hội. Theo ước tính của nhiều nguồn tin thì mỗi ha đất nông nghiệp bị chuyển đổi mục đích sử dụng sẽ làm mất đi việc làm của 14- 16 lao động nông thôn. Những lao động bị mất việc làm nông nghiệp này bắt buộc phải di chuyển tự phát về các thành phố hoặc đô thị lớn tìm kiếm việc làm khác.

Vai trò của nghề phi nông nghiệp…

Đối với bất kỳ đất nước nào trên Thế giới thì các nghề phi nông nghiệp, các làng nghề, nhất là các làng nghề thủ công luôn đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong tiến trình phát triển của mình. Vai trò đó còn được thể hiện rõ nét hơn trong quá trình công nghiệp hoá, đô thị hoá và xây dựng nông thôn mới của Việt Nam hiện nay - Một quá trình khiến cho diện tích canh tác nông nghiệp giảm đi, cơ sở hạ tầng và cơ cấu lao động nông nghiệp bị thay đổi và tỷ lệ nông dân thất nghiệp đang có chiều hướng tăng lên.

Ngành nghề nông thôn, các nghề phi nông nghiệp góp phần tạo thêm nhiều việc làm cho cư dân nông thôn, giảm thời gian nông nhàn của nông dân:

Theo thống kê chưa đầy đủ , có gần 70% dân số 69,3% lực lượng lao động sống ở khu vực nông thôn và có đến 63% dân số là nông dân. Với khoảng 11,5 triệu ha gieo trồng thì bình quân ruộng đất theo đầu người của nông dân Việt Nam là khá thấp. Trung bình mỗi hộ nông dân chỉ có khoảng 0,46ha và đó là quy mô diện tích đất nông nghiệp thuộc loại thấp nhất ở các nước Châu Á sống nhờ vào ruộng đồng. Do vậy, hầu hết các vùng nông thôn, nhất là các vùng thuần nông đều thiếu việc cho người lao động. Theo số liệu của Tổng cục thống kê, năm 2016 tỷ lệ lao động trong độ tuổi thiếu việc làm ở vùng nông thôn là 2,12%, cao hơn khá nhiều so với tỷ lệ này của thành thị (0,73%) và của cả nước (1,66%). Thậm chí ở những vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, vùng thuần nông… tỷ lệ lao động trong độ tuổi thiếu việc làm là rất cao so với tình hình chung. Hàng năm có khoảng 20.000 - 60.000ha dành cho phát triển công nghiệp và đô thị hoá. Theo tính toán, mỗi ha đất nông nghiệp bị thu hồi dành cho mục đích khác thường kéo theo khoảng 14-16 lao động nông nghiệp bị mất viêc làm. Chính vì vậy, lao động ở vùng nông  thôn vốn đã thiếu việc làm lại ngày càng dư thừa hơn, do đó ngày càng có nhiều lao động nông thôn di chuyển một cách vô tổ chức ra thành phố và các khu đô thị lớn kiếm việc làm, tạo ra những khó khăn nhất định trong việc cơ cấu lao động và quản lý xã hội cả ở khu vực nông thôn và thành thị.

Trong những hoàn cảnh như vậy, việc tổ chức các hoạt động sản xuất ngành nghề nông thôn, tổ chức được nhiều nghề phi nông nghiệp và làng nghề trong khu vực nông thôn nhằm tạo ra nhiều việc làm tại chỗ là một trong những giải pháp quan trọng và khả thi nhất để giải quyết vấn đề nêu trên.

Tăng thu nhập và cải thiện đời sống của cư dân nông thôn:

Cùng với việc tạo ra nhiều việc làm thì ngành nghề nông thôn cũng đã làm tăng thu nhập và cải tiến đáng kể đời sống cư dân nông thôn. Thực tế cho thấy, trong các làng nghề đều không còn hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo thường nhỏ hơn tỷ lệ chung cả nước và tỷ lệ hộ giàu đang ngày càng tăng. Có thể nói: nhờ tạo ra nhiều công ăn việc làm và tăng thu nhập cho người lao động, ngành nghề nông thôn có thể được coi là động lực trong xây dựng nông thôn thôn mới và là động lực làm dịch chuyển cơ cấu xã hộ theo hướng tăng hộ giầu, giảm hộ nghèo và tăng thêm phúc lợi cho người dân.

Có thể khai thác được nguồn lực nhàn dỗi và nguyên vật liệu sẵn có tại địa phương:

Ngành nghề nông thôn đã huy động được nguồn lao động nông nghiệp trong thời gian nông nhàn, lao động ngoài độ tuổi vào những hoạt động sản xuất tạo ra sản phẩm có giá trị cho xã hội. Tuy nhiên điều đáng nói là hầu như các hoạt động nghành nghề nông thôn, các làng nghề đều tận dụng các nguyên vật liệu tại chỗ để sản xuất bởi lẽ các hoạt động này đều xuất phát từ nhu cầu của thực tế sản xuất nhằm tận dụng nguồn nguyên, vật liệu sẵn có làm ra các sản phẩm phục vụ nhu cầu của cư dân trong vùng, trước khi nó vươn ra thành những sản phẩm hàng hoá. Nhiều nghề phi nông nghiệp còn tận dụng được những nguyên liệu như như bỏ đi để sản xuất ra những sản phẩm hữu ích, có giá trị và giá trị xuất khẩu cao.

Bảo tồn các giá trị văn hoá truyền thống và phát triển du lịch:

Sự phát triển của vùng nông thôn nói riêng và của xã hội nói chung trước đây luôn song hành với sự phát triển của làng nghề. Các sản phẩm của làng nghề  nhất là các làng nghề truyền thống không chỉ có giá trị sử dụng, giá trị thương  mại mà còn có giá trị văn hoá rất cao. Những sản phẩm của làng nghề, nhất là những sản phẩm thủ công mỹ nghệ, thủ công truyền thống đã tạo nên bản sắc văn hoá riêng biệt của từng vùng, miền trong phạm vi đất nước. Các sản phẩm là một yếu tố quan trọng đảm bảo cho quá trình hội nhập nhưng không hoà tan của mỗi vùng quê. Từ những làng nghề nhất là nghề truyền thống, nhiều loại hình du lịch mới như du lịch làng nghề, du lịch sinh thái, du lịch tại gia, du lịch khám phá văn hoá…

Tăng giá trị sản xuất và kim ngạch xuất khẩu:

Ngành nghề nông thôn, nhất là trong thời gian gần đây khi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia “xây dựng nông thôn mới” và Chương trình “mỗi xã một sản phẩm” đã có những đóng góp đáng kể trong tổng giá trị sản xuất cũng như kim ngạch xuất khẩu của mỗi địa phương. Hiện tại đã có khoảng 40% sản phẩm ngành nghề nông thôn Việt Nam xuất khẩu. Các mặt hàng gốm sứ và mây tre đan, sản phẩm từ cói, lục binh là hai mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cao nhất.

Thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn đáp ứng yêu cầu của công cuộc xây nông thôn mới: Do tạo ra nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, kể cả không thường xuyên, lao động thời vụ, lao động ngoài độ tuổi, cũng như tận dụng thời gian nông nhàn của nông dân nên ngành nghề nông thôn đã thu hút được nhiều lao động trong khu vực nông thôn, giảm thiểu việc di cư vô tổ chức của người dân nông thôn ra thành thị kiếm việc làm. Các làng nghề, doanh nghiệp làng nghề khi hoạt động ổn định là nơi để người nông dân thực hiện “ly nông, bất ly hương” đưa kinh tế gia đình trở lên ổn định, bền vững , góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn từ nông nghiệp sang tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ theo định hướng. Không những thế việc phát triển nghề phi nông nghiệp còn keos theo việc phát triển các ngành nghề phụ trợ và dịch vụ khác, giúp bộ mặt nông thôn ngày càng thay đổi, đáp ứng những tiêu chí của công cuộc xây dựng nông thôn mới

 

Theo https://khuyennonghanam.myharavan.com