Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - GDTX Trấn Yên đào tạo nghề theo nhu cầu, sát thực tế

21/11/2019 14:01:00 Xem cỡ chữ
CTTĐT - Hiện nay, trên địa bàn huyện Trấn Yên có Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện là cơ sở dạy nghề chính với 18 nghề đăng ký gồm nghề phi nông nghiệp (may, xây dựng, kỹ thuật nấu ăn) và nghề nông nghiệp (nuôi tằm và sơ chế kén tằm, trồng và sơ chế tre măng Bát độ, chăn nuôi - thú y, sản xuất rau an toàn…).

Một buổi tư vấn việc làm cho thanh niên

Nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nghề và dạy nghề, đáp ứng yêu cầu lao động tại các công ty, doanh nghiệp và giúp lao động nông thôn phát triển kinh tế, hàng năm, Trung tâm lựa chọn các nghề nông nghiệp như nuôi tằm và sơ chế kén tằm, trồng và sơ chế măng tre Bát độ, chăn nuôi thú y, sản xuất rau an toàn và các nghề phi nông nghiệp như: may, xây dựng, kỹ thuật nấu ăn… vào chương trình đào tạo.

Để đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, Trung tâm đã bám sát sự chỉ đạo của huyện trong công tác định hướng phát triển kinh tế theo từng vùng để tổ chức dạy nghề như: nghề nuôi tằm và sơ chế kén tằm, tập trung ở các xã: Tân Đồng, Báo Đáp, Việt Thành; nghề trồng và chế biến măng tre Bát độ, ở các xã: Kiên Thành, Hồng Ca, Lương Thịnh; nghề trồng cây ăn quả có múi như cam, quýt, bưởi, ở các xã: Hồng Ca, Hưng Thịnh, Hưng Khánh, Lương Thịnh...

Trung tâm chú trọng điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề, đẩy mạnh tuyên truyền tư vấn học nghề, việc làm qua hệ thống phát thanh của các xã, thị trấn và phát tờ rơi để người dân nắm bắt thông tin đăng ký học nghề. Trung tâm còn phối hợp với Công ty Vạn Đạt, Công ty Chăn nuôi công nghệ cao Hòa Yên thuộc Tập đoàn Hòa Phát, Công ty Dâu tằm tơ Tây Bắc… tư vấn tuyển dụng lao động, thu mua và bao tiêu sản phẩm…

Năm 2018, Trung tâm đã mở 26 lớp đào tạo nghề cho 2.217 người lao động (trong đó theo Đề án 1956 là 780 người và xã hội hóa qua các cấp đào tạo 1.437 người). Trong 6 tháng năm 2019, đã đào tạo nghề cho 1.374 người (theo Đề án 1956 là 3 lớp với 90 học viên và xã hội hóa đào tạo nghề cho 1.274 người). Thông qua công tác đào tạo nghề năm 2019, nhiều người đã chuyển dịch từ lao động nông nghiệp sang lĩnh vực ngành nghề khác như: lĩnh vực giao thông 35 người, cơ khí 18 người, may mặc 40 người, nhà hàng khách sạn 20 người, kinh doanh bán hàng và kế toán 37 người…Từ chú trọng công tác đào tạo nghề gắn với nhu cầu việc làm nên hàng năm trên địa bàn huyện đã có trên 2.000 người có việc làm và thu nhập ổn định, từng bước thoát nghèo.

Xác định công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác giảm nghèo bền vững, thời gian tới, Trung tâm sẽ thực hiện đào tạo nghề gắn với nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp, bám sát chỉ đạo của huyện trong định hướng phát triển kinh tế.

Ban Biên tập