Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Giai đoạn 2016-2018 đào tạo nghề cho 50.343 lao động

12/05/2020 23:29:00 Xem cỡ chữ
CTTĐT - Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 13 cơ sở giáo dục nghề nghiệp bao gồm: trường Cao đẳng nghề Yên Bái, Trường Cao đẳng Y tế, Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch, Trường Cao đẳng Y dược Pasteur, Trường Trung cấp Dân tộc nội trú Nghĩa Lộ, Trường Trung cấp Lục Yên, Trường Trung cấp Bách Khoa, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên tại các huyện: Trấn Yên, Yên Bình, Văn Yên, Văn Chấn, Trạm Tấu, Mù Cang Chải.

Đào tạo nghề cho người lao động tại trường Cao đẳng nghề Yên Bái.

Trường Cao đẳng nghề Yên Bái được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là một trong 40 trường chất lượng cao của cả nước đến năm 2020; 5 trường Cao đẳng và Trung cấp công lập đã xây dựng được 17 nghề trọng điểm cấp quốc tế, Asean, quốc gia. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên toàn tỉnh có 475 giáo viên, giảng viên. Trong đó giáo viên, giảng viên lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp là 321 người (chiếm 67,6%); giáo viên dạy văn hóa là 154 người (chiếm 32,4%).

Trong 3 năm, toàn tỉnh đã tuyển sinh đào tạo nghề cho 50.343 người. Trong đó, khoảng 80% học sinh, sinh viên có việc làm sau đào tạo, đối với học sinh, sinh viên học các nghề kỹ thuật có việc làm sau đào tạo đạt trên 90%. Công tác đào tạo nghề đã từng bước gắn với nhu cầu của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh. Hoạt động liên kết đào tạo, đào tạo theo địa chỉ cơ bản đáp ứng nhu cầu sử dụng nhân lực của các doanh nghiệp, địa phương, nhu cầu thị trường lao động theo từng ngành nghề, trình độ đào tạo. Một số ngành nghề đào tạo phù hợp với nhu cầu thực tế tiềm năng phát triển du lịch của tỉnh như: Hướng dẫn viên du lịch, nghiệp vụ nhà hàng, nghiệp vụ lễ tân, kỹ thuật chế biến món ăn, kỹ thuật pha chế đồ uống, nghiệp vụ lưu trú. Ngành điều dưỡng phù hợp với nhu cầu của xã hội và xuất khẩu lao động.

Toàn tỉnh đã mở được 528 lớp đào tạo nghề, số lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề là 15.395 người. Quy mô đào tạo ngày càng mở rộng, chất lượng đào tạo từng bước được nâng cao, hình thức và phương pháp đào tạo đa dạng theo hướng gắn với nhu cầu của người học. Dạy nghề bước đầu gắn kết với nhu cầu, địa chỉ sử dụng của doanh nghiệp như nghề may công nghiệp, xây dựng, gò, hàn. Nhiều lao động sau khi học nghề đã có việc làm tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trong và ngoài tỉnh. Nhiều lao động đã áp dụng kỹ thuật vào phát triển sản xuất, xây dựng được các mô hình sản xuất hiệu quả, thu nhập cao.

Hết năm 2018, lao động đang làm việc ở khu vực nông thôn của tỉnh là 381.441 người. Thực hiện chỉ tiêu đào tạo việc làm, trong 3 năm toàn tỉnh đã hỗ trợ tạo việc làm mới cho 54.650 lao động; lao động làm việc tại cơ sở sản xuất kinh doanh trong tỉnh khoảng gần 10.000 người (trong đó ở 03 doanh nghiệp may có vốn đầu tư nước ngoài là trên 3.700 lao động); lao động nông thôn xuất cư làm việc ngoài địa bàn tỉnh khoảng trên 12.000 người chủ yếu tại các Công ty sản xuất linh kiện điện tử, may mặc, xây dựng, chế biến nông lâm sản, khai thác đá, vật liệu xây dựng...

Giai đoạn 2016 - 2018, tỉnh đã hỗ trợ 3.279 lao động làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (đạt 130,06% kế hoạch). Công việc chủ yếu là sản xuất chế tạo, may mặc, điện tử, giúp việc gia đình, hộ lý, xây dựng. Tập trung tại các thị trường Đài Loan, Malaysia, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Đông. Lao động đi làm việc ở nước ngoài thu nhập tương đối ổn định.

Việc thực hiện các chế độ của Nhà nước đối với các đối tượng chính sách đi làm việc ở nước ngoài được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các ngân hàng, các sở, ngành, các địa phương thực hiện nghiêm túc, gồm: Chính sách cho vay tín dụng tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt. Lao động thuộc hộ nghèo, đối tượng chính sách được vay tín dụng tại Ngân hàng Chính sách xã hội. Ngân hàng Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động chuyển thu nhập về nước thông qua hệ thống gửi tiền vào tài khoản, gửi tiền tiết kiệm.

Giai đoạn 2016 - 2018, tổng kinh phí thực hiện đào tạo nghề là 247.785 triệu đồng. Trong đó, dự án đổi mới và phát triển dạy nghề (thuộc Chương trình Giáo dục nghề nghiệp - Việc làm và An toàn lao động) là 212.905 triệu đồng (chiếm 85,9%); Dự án đào tạo nghề cho lao động nông thôn (thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới) là 34.880 triệu đồng (chiếm 14,1%).

Hỗ trợ tạo việc làm cho lao động thông qua hoạt động vay vốn tạo việc làm từ Quỹ Quốc gia về việc làm, tính đến hết Quý I/2019 tổng nguồn vốn vay là 74.021 triệu đồng, từ nguồn ngân sách địa phương đã chuyển 8.128 triệu đồng giao cho Ngân hàng Chính sách xã hội quản lý đã thực hiện cho vay nhiều dự án của các cơ sở sản xuất, kinh doanh và các hộ kinh tế gia đình, góp phần tạo việc làm cho trên 4.773 lao động, kinh phí giải ngân cho vay quay vòng vốn khoảng trên 25 tỷ đồng/năm.

Các nguồn kinh phí đã được triển khai thực hiện đúng quy định, chi đúng mục đích. Đầu tư tập trung vào xây dựng thư viện, giảng đường, nhà xưởng và mua sắm trang thiết bị phục vụ dạy và học; hỗ trợ các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý và giáo viên dạy nghề, hỗ trợ hội giảng, hội thi của giáo viên và học sinh, sinh viên; hỗ trợ hoạt động của Ban chỉ đạo; hỗ trợ công tác quản lý, kiểm tra, giám sát dạy nghề lao động nông thôn.

Trong giai đoạn 2016 - 2018, công tác đào tạo nghề cho lao động đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về số lượng và chất lượng qua đó góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh. Hàng nghìn lao động sau khi học nghề được các doanh nghiệp trong tỉnh tuyển dụng và tham gia thị trường xuất khẩu lao động tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan... Đào tạo nghề cho lao động nông thôn có những tác động, chuyển biến rõ rệt, nhiều lao động sau khi học nghề có việc làm mới, cải thiện thu nhập; nhiều mô hình dạy nghề có hiệu quả, phù hợp với thực tế phát triển kinh tế - xã hội từng địa phương, góp phần giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới.

Có thể nói, công tác đào tạo nghề cho lao động đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về số lượng và chất lượng qua đó góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh. Hàng nghìn lao động sau khi học nghề được các doanh nghiệp trong tỉnh tuyển dụng và tham gia thị trường xuất khẩu lao động tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan...

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn có những tác động, chuyển biến rõ rệt, nhiều lao động sau khi học nghề có việc làm mới, cải thiện thu nhập; nhiều mô hình dạy nghề có hiệu quả, phù hợp với thực tế phát triển kinh tế - xã hội từng địa phương, góp phần giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới

Ban Biên tập