Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Năm 2020, tỉnh Yên Bái phấn đấu giải quyết việc làm cho 18.000 lao động

30/09/2020 08:09:00 Xem cỡ chữ
CTTĐT - Trong năm 2020, tỉnh phấn đấu giải quyết việc làm cho 18.000 lao động, trong đó từ phát triển kinh tế xã hội 10.700 lao động, từ vay vốn Quỹ quốc gia hỗ trợ việc làm 1.600 lao động, xuất khẩu lao động 1.000 lao động, cung ứng lao động đi tỉnh ngoài 4.700 lao động.

Ảnh minh họa

Để đạt được mục tiêu trên, tỉnh tập trung đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức của người lao động về học nghề, việc làm; huy động sự tham gia của các doanh nghiệp trong việc đào tạo nghề, tuyển dụng lao động trên địa bàn tỉnh. Tổ chức các Hội nghị tuyên truyền, tư vấn việc làm, học nghề, tuyển dụng lao động, xuất khẩu lao động; các phiên giao dịch việc làm tại các huyện (do Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh phối hợp với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh có nhu cầu tuyển dụng lao động, doanh nghiệp xuất khẩu lao động, cơ sở giáo dục nghề nghiệp để tổ chức tại các địa phương, tập trung tại các xã, cụm xã). Tập trung tổ chức các hội nghị nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng nhân lực của doanh nghiệp và nhu cầu việc làm của người lao động sau Tết Nguyên đán.

Tiếp tục triển khai thực hiện Đề án “Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp tỉnh Yên Bái đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025”.

Rà soát nhu cầu việc làm, nhu cầu chuyển đổi việc làm của người lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp, nhu cầu tuyển dụng, sử dụng lao động của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh để cung ứng lao động, tư vấn và giải quyết việc làm cho người lao động phù hợp theo từng vùng, từng nhóm đối tượng (gồm giải quyết việc làm trong tỉnh, ngoài tỉnh, xuất khẩu lao động).

Tổ chức các hội nghị tư vấn việc làm và tuyển dụng lao động tại các địa phương. Nâng cao hiệu quả tổ chức các phiên giao dịch việc làm, kết nối hiệu quả giữa Trung tâm Dịch vụ việc làm của tỉnh và các cơ sở đào tạo nghề, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, tăng tỷ lệ doanh nghiệp tuyển dụng lao động thông qua Trung tâm Dịch vụ việc làm nhằm hỗ trợ hiệu quả doanh nghiệp tuyển dụng lao động, giảm chi phí tuyển dụng lao động cho doanh nghiệp.

Tổ chức điều tra cung-cầu lao động, cập nhật thông tin thị trường lao động; cung cấp theo định kỳ báo cáo, bản tin thị trường lao động gửi các địa phương, doanh nghiệp nhằm đáp ứng yêu cầu cung ứng và tuyển dụng lao động, nhu cầu tìm kiếm việc làm.

Tổ chức cung ứng lao động cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh, cung ứng lao động đi làm việc ở ngoài tỉnh, xuất khẩu lao động, chú trọng xuất khẩu lao động có trình độ chuyên môn, hướng tới các thị trường có thu nhập cao như Nhật Bản, Hàn Quốc… Chú trọng tạo việc làm đối với lao động qua đào tạo chuyên môn kỹ thuật nhằm đảm bảo chất lượng việc làm và thu nhập cho người lao động.

Tăng cường giải ngân vốn vay từ Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm cho vay tạo việc làm và xuất khẩu lao động; hỗ trợ việc làm cho các đối tượng đặc thù (người dân tộc thiểu số, phụ nữ nghèo nông thôn, lao động thuộc các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn…).

Đẩy mạnh tuyên truyền về xuất khẩu lao động nhằm tăng số lượng người lao động tham gia xuất khẩu lao động, đặc biệt đối với lao động thuộc các huyện nghèo, xã nghèo; tuyên truyền giáo dục việc chấp hành pháp luật cho lao động khi tham gia xuất khẩu lao động. Khuyến khích các doanh nghiệp liên kết với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để đào tạo nghề cho lao động đáp ứng yêu cầu tham gia xuất khẩu lao động. Tăng cường quản lý công tác xuất khẩu lao động trên địa bàn tỉnh.

Xây dựng chính sách của tỉnh nhằm khuyến khích chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, trong đó tập trung hỗ trợ đối với các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp được tỉnh thu hút đầu tư, doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến, du lịch, dịch vụ đào tạo và tuyển dụng nhiều lao động của tỉnh vào làm việc; hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ có nhu cầu đào tạo lại cho lao động đang làm việc tại doanh nghiệp; hỗ trợ các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đặt hàng đào tạo theo nhu cầu, địa chỉ sử dụng của doanh nghiệp; hỗ trợ người lao động học ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết để tham gia xuất khẩu lao động; hỗ trợ hoạt động thông tin tuyên truyền về Đề án, thông tin thị trường lao động, rà soát xác định hiện trạng chuyển dịch cơ cấu lao động của các địa phương.

Thu hút đầu tư, phát triển các doanh nghiệp, ngành nghề sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh nhằm thu hút, tạo việc làm cho lao động ở lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ. Tiếp tục thực hiện chính sách thu hút đầu tư của tỉnh, chú trọng thu hút đầu tư đối với ngành du lịch, dịch vụ và các ngành công nghiệp chế biến, gắn với việc sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh.

Thực hiện liên doanh, liên kết giữa các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh với các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty lớn, gắn với việc sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh.

Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, kinh doanh, thu hút lao động từ lĩnh vực nông nghiệp sang lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ gắn với phương án tuyển dụng, sử dụng lao động qua đào tạo.

Đầu tư phát triển nông thôn, phát triển ngành nghề sản xuất và thị trường tiêu thụ sản phẩm ở nông thôn gắn với yêu cầu tái cơ cấu ngành nông nghiệp, giảm tỷ lệ lao động làm việc trong nông nghiệp.

Ban Biên tập