Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Hiệu quả đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh Yên Bái

14/12/2020 08:45:00 Xem cỡ chữ
CTTĐT - Giai đoạn 2010 - 2020, từ các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, hoạt động dạy nghề của các cơ sở đào tạo, các doanh nghiệp, hoạt động truyền nghề, tự học nghề... toàn tỉnh Yên Bái đã đào tạo nghề cho 176.968 người, trong đó có 138.480 lao động nông thôn (chiếm 78,3%).

Giai đoạn 2010 - 2020, toàn tỉnh Yên Bái đã đào tạo nghề cho 176.968 người, trong đó có 138.480 lao động nông thôn

Những năm qua, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái và chính quyền địa phương cấp huyện, cấp xã đã quan tâm chỉ đạo đối với công tác dạy nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn. Tỉnh đã ban hành quy định về đặt hàng dạy nghề, quy định đơn giá đào tạo nghề cho lao động nông thôn, hỗ trợ người học trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng. Việc triển khai dạy nghề cho lao động nông thôn theo hình thức đặt hàng dạy nghề, phân cấp cho các địa phương là chủ đầu tư đã giúp cho các địa phương chủ động, thuận lợi trong việc tổ chức các lớp dạy nghề gắn với thực tiễn nhu cầu sử dụng ở từng địa phương.

Các chính sách hỗ trợ đối với lao động nông thôn tham gia học nghề được thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng, đúng chính sách. Tỉnh đã bố trí nguồn lực ngân sách để hỗ trợ thêm cho lao động nông thôn tham gia học nghề (hỗ trợ tiền ăn đối với những lao động nông thôn học nghề trung ương không hỗ trợ kinh phí). Sau học nghề, các chính sách hỗ trợ lao động nông thôn vay vốn phát triển sản xuất, tạo việc làm được triển khai thực hiện có hiệu quả.

Các lớp dạy nghề cho lao động nông thôn đã được tổ chức tại 173/173 xã, phường, thị trấn. Đa số lao động nông thôn tích cực tham gia học nghề, có trên 80% các lớp dạy nghề cho lao động nông thôn được tổ chức tại các xã, thôn, bản trong đó có nhiều thôn/bản đặc biệt khó khăn, qua đó đã tạo thuận lợi trong việc đi lại cho người học. Trong quá trình tổ chức lớp học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã có sự linh hoạt về thời gian, địa điểm đào tạo cho phù hợp với thực tế sinh trưởng, phát triển của cây trồng, vật nuôi và điều kiện của người học.

Ngành nghề đào tạo cho lao động nông thôn có sự đa dạng, gắn với thực tiễn sản xuất nông, lâm nghiệp và yêu cầu xây dựng nông thôn mới, phù hợp với nhu cầu của người học và nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp. Sau đào tạo, tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm đạt trên 80% (gồm có việc làm mới và tiếp tục làm nghề cũ nhưng với năng suất và thu nhập cao hơn), lao động nông thôn sau khi được học nghề đã áp dụng hiệu quả kiến thức được học vào thực tiễn sản xuất và có cơ hội tìm được việc làm phù hợp.

Giai đoạn 2010 - 2020, từ các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, hoạt động dạy nghề của các cơ sở đào tạo, các doanh nghiệp, hoạt động truyền nghề, tự học nghề... toàn tỉnh Yên Bái đã đào tạo nghề cho 176.968 người, trong đó có 138.480 lao động nông thôn (chiếm 78,3%). Riêng thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Đề án 1956, toàn tỉnh đã mở 2.055 lớp, với số lao động nông thôn được học nghề là 59.878 người (bình quân gần 5.500 người/năm). Số lao động nông thôn được hỗ trợ đào tạo nghề ở lĩnh vực nông nghiệp là 39.767 người (chiếm 66,4%), lĩnh vực phi nông nghiệp là 20.111 người (chiếm 33,6%).

Trong tổng số lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề, đã có 977 người thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng (chiếm 1,6%); 32.777 người dân tộc thiểu số (chiếm 54,7%); 12.378 người thuộc hộ nghèo (chiếm 20,7%); 2.689 người người thuộc hộ bị thu hồi đất canh tác (chiếm 4,5%); 154 người người khuyết tật (chiếm 0,26%); 1.575 người thuộc hộ cận nghèo tham gia học nghề (chiếm 2,63%).

Giai đoạn 2010 - 2020, đã có 52.336 lao động nông thôn (được hỗ trợ đào tạo) có việc làm sau khi học nghề, đạt 87,4% so với tổng số lao động nông thôn được đào tạo (52.336/59.878 người), trong đó, lao động có việc làm sau khi được đào tạo nghề ở lĩnh vực nông nghiệp là 36.190/39.767 người, đạt tỷ lệ 91% (bao gồm những người sau khi học nghề tiếp tục làm việc với năng suất và thu nhập cao hơn trước); lao động có việc làm sau khi được đào tạo nghề ở lĩnh vực phi nông nghiệp là 16.146/20.111 người, đạt tỷ lệ 80,3% (bao gồm những người được tạo việc làm mới). Đã có 3.527 lượt người được doanh nghiệp, đơn vị tuyển dụng; 3.181 lượt người được doanh nghiệp, đơn vị bao tiêu sản phẩm, 44.533 lượt người tự tạo việc làm; 1.095 lượt người tự thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp; 1.917 lượt người thuộc hộ thoát nghèo sau 1 năm học nghề; 3.606 lượt người thuộc hộ có thu nhập khá sau 1 năm học nghề.

Kết quả dạy nghề cho lao động nông thôn theo Đề án 1956 đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng lao động nông thôn và chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo toàn tỉnh đạt 63,2%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 3 tháng trở lên có văn bằng, chứng chỉ đạt 31,5%. Đào tạo nghề đã có đóng góp quan trọng trong việc tạo việc làm cho trên 18.000 lao động mỗi năm, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 32,21% (năm 2015) xuống còn 7,05%. Chất lượng nguồn nhân lực được cải thiện đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao năng suất lao động, tạo việc làm, giảm nghèo, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động ở từng địa phương, của tỉnh theo hướng hiệu quả, bền vững.

Trong giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Yên Bái đặt mục tiêu hỗ trợ đào tạo nghề ở trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng cho khoảng 20.000 lao động nông thôn (bình quân 4.000 lao động/năm), trong đó người dân tộc thiểu số chiếm khoảng 12.000 người (chiếm khoảng 60%); người khuyết tật chiếm khoảng 1.000 người (chiếm 5%); người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo chiếm khoảng 4.000 người (chiếm 20%); lao động nữ chiếm khoảng 1.000 người (chiếm 50%); người thuộc hộ bị thu hồi đất, người thuộc diện được hỗ trợ chính sách người có công với cách mạng chiếm khoảng 2.000 người (chiếm 10%). Chia theo cơ cấu đào tạo, đào tạo nghề ở lĩnh vực nông nghiệp chiếm khoảng 6.000-8.000 người (chiếm 30-40%); đào tạo nghề ở lĩnh vực phi nông nghiệp chiếm khoảng 12.000-14.000 người (chiếm 60-70%).

Theo đó, tỉnh tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tập trung đối với lao động thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số, lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, lao động hưởng chính sách ưu đãi người có công, lao động bị thu hồi đất, lao động làm nông nghiệp có nhu cầu chuyển đổi việc làm sang lĩnh vực phi nông nghiệp.

Tập trung đào tạo các ngành nghề gắn với phát triển vùng chuyên canh, sản xuất nông nghiệp tập trung, chương trình OCOP mỗi xã một sản phẩm, sản xuất theo chuỗi giá trị; trong công nghiệp, dịch vụ tập trung đào tạo theo vị trí việc làm tại doanh nghiệp ở các ngành nghề tỉnh đang có nhu cầu như điện, điện tử, công nghệ thông tin, xây dựng, cơ khí, du lịch, nhà hàng, y tế, dịch vụ...

Tiếp tục thực hiện cơ chế đặt hàng đào tạo nghề cho lao động nông thôn; gắn việc tổ chức dạy nghề nông nghiệp với bồi dưỡng, chuyển giao kiến thức khoa học kỹ thuật cho lao động nông nghiệp; gắn kết chặt chẽ cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp, trung tâm dịch vụ việc làm, tăng tỷ trọng các lớp dạy nghề phi nông nghiệp (đào tạo tập trung tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp) gắn với nhu cầu, địa chỉ sử dụng của doanh nghiệp, gắn với xuất khẩu lao động.

Điều chỉnh nâng mức hỗ trợ dạy nghề cho lao động nông thôn, nâng mức hỗ trợ đối với giáo viên, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và chính sách hỗ trợ đối với học viên cho phù hợp với tình hình thực tế. Tạo thuận lợi để lao động nông thôn sau khi học nghề có nhu cầu được vay vốn phát triển sản xuất, tìm việc làm.

Nguyễn Hiên