Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Cần đánh giá rủi ro để giảm thiểu tai nạn lao động:

21/12/2020 16:27:00 Xem cỡ chữ
Nguy cơ mất an toàn lao động hiện hữu ở nhiều nơi và trong nhiều lĩnh vực đã trở thành nỗi ám ảnh khi cướp đi tính mạng hoặc làm suy yếu, mất sức lao động đối với người lao động. Điều này đặt ra yêu cầu bức thiết, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan quản lý nhà nước, sự chung tay của cả người sử dụng lao động và người lao động để tạo lập một môi trường lao động an toàn, hiệu quả.

Môi trường làm việc của người lao động cần được đánh giá những yếu tố rủi ro để hạn chế tối đa tai nạn lao động.

Tai nạn lao động đã trở thành nỗi ám ảnh khi cướp đi tính mạng hoặc làm suy yếu, mất sức lao động đối với người lao động. Trong thời gian qua, những nguy cơ mất an toàn lao động vẫn còn hiện hữu ở nhiều nơi, có thể xảy đến bất cứ lúc nào. Trên thực tế, nhiều vụ tai nạn lao động vẫn xảy ra tại các công ty, doanh nghiệp, công trình xây dựng ảnh hưởng đến tinh thần và khả năng làm việc của nhiều công nhân lao động.

Thắt chặt hơn công tác giám sát

Đằng sau mỗi vụ tai nạn lao động không chỉ là thiệt hại về tài sản cho cá nhân, tổ chức mà còn là những nỗi đau mất người thân, để lại nhiều hệ lụy cho xã hội. Điều này đặt ra yêu cầu bức thiết, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan quan quản lý nhà nước, sự chung tay của cả người sử dụng lao động và người lao động để tạo lập một môi trường lao động an toàn, hiệu quả.

Nhận thấy trách nhiệm mang đến sự an toàn cho người lao động, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã có ý thức cao hơn về vấn đề đảm bảo vệ sinh an toàn lao động.

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực an toàn vệ sinh lao động, một trong những công việc quan trọng để làm giảm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp là phải nhận diện, phân tích các nguy cơ rủi ro có thể xuất hiện tại nơi sản xuất và từ đó có các giải pháp phòng ngừa và kiểm soát các nguy cơ đó. Xét ở ý nghĩa sâu rộng hơn thì việc thực hiện nghiêm túc công tác đánh giá rủi ro trong an toàn lao động ngay từ ban đầu chính là góp phần đảm bảo năng suất, lợi nhuận và uy tín của doanh nghiệp cũng như hạn chế gánh nặng đối với xã hội.

Có nhiều trường hợp tai nạn xảy ra không chỉ do các thiếu sót hoặc vi phạm điều lệ an toàn trong quá trình thi công, mà còn do thiếu sót về thiết kế, kiến trúc, kết cấu, đặc biệt là trong thiết kế thi công.Vì vậy, đòi hỏi mỗi công trình phải có người kỹ sư giám sát an toàn, đánh giá rủi ro và phải có tầm hiểu biết mọi mặt, can thiệp vào tất cả quá trình xây dựng của một công trình.

Mặc dù có vai trò quan trọng nhưng công việc giám sát an toàn, đảnh giá rủi ro ở Việt Nam đang trong giai đoạn mới phát triển. Có thể hiểu đơn giản, người giám sát an toàn xây dựng sẽ không trực tiếp thi công mà chủ yếu dựa vào những biện pháp thi công để lập biện pháp an toàn, quản lý theo những biện pháp đã lập và đánh giá rủi ro, từ đó đề xuất những phương án hạn chế rủi ro và tai nạn lao động. Một công trình thành công không chỉ nằm ở thiết kế đẹp, hoàn thiện sớm mà còn đảm bảo được an toàn trong lao động.

Có thể thấy, những vụ tai nạn liên tiếp xảy ra đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc cần thắt chặt hơn công tác quản lý các vấn đề về an toàn lao động. Để công tác đánh giá rủi ro an toàn lao động thực sự mang lại hiệu quả, trên thực tế rất cần sự phối hợp chặt chẽ và đồng bộ giữa các cơ quan nhà nước có thẩm quyền và trách nhiệm của chủ doanh nghiệp, đặc biệt là đội ngũ người lao động trực tiếp thực hiện nhiệm vụ đánh giá rủi ro.