Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Yên Bái làm tốt công tác quản lý nhà nước về An toàn lao động

24/05/2021 10:59:00 Xem cỡ chữ
CTTĐT – Trong những năm qua, với sự chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp, lĩnh vực An toàn vệ sinh lao động – Phòng chống cháy nổ tỉnh Yên Bái đã cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra góp phần ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tập huấn kiến thức ATVSLĐ cho các An toàn vệ sinh lao động Công ty Điện lực Yên Bái

Việc thực hiện quy định về kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc được chú trọng

Môi trường lao động trong các doanh nghiệp, các đơn vị, cơ sở sản xuất kinh doanh giai đoạn 2016-2020 có bước cải thiện đáng kể so với giai đoạn 2011-2015, thực hiện tốt Nghị định số 39/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động. Năng lực quan trắc môi trường lao động tăng do xã hội hóa hoạt động quan trắc môi trường lao động. Đến nay, đã quản lý, theo dõi được 104 cơ sở lao động có yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại, với tổng số lao động được quản lý là hơn 5.809 người, trong đó có 59% số lao động tiếp xúc với yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại. Số cơ sở đã lập hồ sơ vệ sinh lao động, chiếm 25% tổng số cơ sở, doanh nghiệp.

Việc thực hiện quy định về khai báo, điều tra, báo cáo tai nạn lao động, sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động nghiêm trọng

Sau 05 năm triển khai Luật An toàn, vệ sinh lao động, các cấp, các ngành và các cơ sở sản xuất kinh doanh đã thấy rõ tầm quan trọng của công tác an toàn, vệ sinh lao độngvà quan tâm đầu tư cho các hoạt động phòng ngừa tai nạn lao động; do đó, tai nạn lao động cơ bản đã được kiểm soát và kiềm chế ở một số ngành, lĩnh vực có nguy cơ cao như khai thác khoáng sản, xây dựng, điện lực, sản xuất xi măng,... Hầu hết các vụ tai nạn lao động được khai báo và điều tra đúng quy định. Tuy vậy, vẫn mới chỉ có khoảng 20-25% doanh nghiệp báo cáo về tình hình tai nạn lao động hằng năm. Số doanh nghiệp chấp hành báo cáo tình hình tai nạn lao động chưa đầy đủ, do vậy việc tổng hợp, đánh giá tình hình tai nạn lao động trên địa bàn toàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn. Tai nạn lao động nghiêm trọng vẫn còn ở mức cao, xảy ra chủ yếu trong lĩnh vực xây dựng, khai thác đá, cơ khí, mộc, hàn điện...

Do nhiều địa phương chưa có hệ thống y tế khám và phát hiện, theo dõi bệnh nghề nghiệp, vì vậy số người bị mắc bệnh nghề nghiệp trong thực tế ước tính lớn gấp nhiều lần so với số thống kê. Công tác khám bệnh nghề nghiệp trong khu vực không có hợp đồng lao động chưa được triển khai và thống kê. Môi trường lao động chưa thực sự đảm bảo. Người lao động mắc bệnh nghề nghiệp chưa giảm, đặc biệt là bệnh điếc nghề nghiệp. Ngoài ra còn nhiều vấn đề sức khỏe liên quan đến nghề nghiệp cũng được phát hiện như cơ xương khớp, tim mạch, căng thẳng thần kinh tâm lý. Việc gia tăng sử dụng hóa chất trong sản xuất và trong nông nghiệp cũng dẫn đến tăng số lượng người lao động tiếp xúc với yếu tố tác hại nghề nghiệp và gây nguy hiểm đối với sức khỏe.

Việc thực hiện quy định về khai báo, điều tra, báo cáo tai nạn lao động, sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động nghiêm trọng thuộc thẩm quyền của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:Hàng năm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đều thực hiện đúng quy định về việc khai báo, điều tra, báo cáo tai nạn lao động, sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động nghiêm trọng theo quy định tại Nghị định số 39/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ. Tuy nhiên công tác điều tra tai nạn lao động đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động chưa được triển khai đầy đủ theo quy định của pháp luật. Việc lập biên bản ghi nhận tai nạn lao động đối với người làm việc không theo hợp đồng lao động thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp xã triển khai còn rất hạn chế.

Việc phối hợp điều tra tai nạn lao động chết người và tai nạn lao động khác có dấu hiệu tội phạm: Đối với công tác quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh, Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện việc điều tra các vụ tai nạn lao động chết người hoặc có từ 02 người bị tai nạn lao động nặng trở lên. Theo đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các cơ quan Công an tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh tiến hành điều tra, thực hiện tốt công tác cải cách hành chính; đảm bảo sự thống nhất, tránh chồng chéo trong việc điều tra, xử lý các vụ tai nạn lao động chết người; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác điều tra tai nạn lao động; góp phần thực hiện các giải pháp phòng ngừa, hạn chế tai nạn lao động; đảm bảo an ninh, trật tự xã hội; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, cơ sở xảy ra tai nạn lao động sớm ổn định sản xuất kinh doanh; thân nhân của người bị tai nạn lao động sớm được hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bồi thường, trợ cấp tai nạn lao động theo quy định.

Việc thực hiện quy định về an toàn, vệ sinh lao động đối với cơ sở sản xuất kinh doanh

Với mục tiêu bảo vệ an toàn cho người lao động, hạn chế và tránh khỏi những ảnh hưởng của những yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại và tạo ra điều kiện, môi trường làm việc thuận lợi nhằm đảm bảo sức khoẻ cho người lao động, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả góp phần thúc đẩy quá trình phát triển chung của xã hội, các doanh nghiệp đã quan tâm và đầu tư nhiều hơn đến các giải pháp phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn về an toàn, vệ sinh lao động, áp dụng giải pháp kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, các yếu tố có hại. 

Hầu hết các đơn vị, doanh nghiệp đã thành lập Hội đồng bảo hộ lao động, nhiều đơn vị đã bố trí cán bộ chuyên trách về an toàn lao động, vệ sinh lao động. Hội đồng bảo hộ lao động đã xây dựng quy chế, kế hoạch bảo hộ lao động; tổ chức đào tạo, huấn luyện về an toàn lao động, vệ sinh lao động cho mạng lưới an toàn vệ sinh viên và người lao động trong đơn vị; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc nhắc nhở người lao động nghiêm túc thực hiện các quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, sử dụng có hiệu quả các trang bị phòng hộ cá nhân trong quá trình làm việc; thực hiện khám sức khỏe định kỳ, điều dưỡng và phục hồi chức năng cho người lao động làm các công việc nặng nhọc, độc hại; theo dõi và hướng dẫn việc tổ chức thực hiện chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật đối với người lao động làm việc trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm, độc hại; quản lý hồ sơ sức khỏe người lao động, sổ ghi chép tai nạn lao động và tham gia điều tra các vụ tai nạn lao động xảy ra trong đơn vị.

Quản lý nhà nước về an toàn vệ sinh lao động

Kết quả đạt được trong công tác xây dựng thể chế, các cơ quan quản lý nhà nước. Ngành Lao động Thương binh và Xã hội đã chủ động nghiên cứu, tham mưu nhiều chính sách theo tinh thần đổi mới, tạo bước đột phá trong việc đảm bảo an toàn, vệ sinh lao độngcho người lao động; tham mưu để xuất Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động tỉnh Yên Bái giai đoạn 2016-2020, triển khai Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao độnghàng năm.

Công tác quản lý nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động đã tác động tích cực đến tất cả các đối tượng lao động trong xã hội; tập trung đến chế độ chính sách đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; hỗ trợ huấn luyện cho người lao động trong doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh; cải thiện điều kiện lao động, xây dựng văn hóa an toàn lao động tại nơi làm việc với nhiều nội dung mới phù hợp với yêu cầu hội nhập quốc tế.

Trong cải cách thủ tục hành chính, đã tham mưu để Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành việc giải quyết các thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ Hành chính công về điều kiện kinh doanh dịch vụ huấn luyện và kiểm định kỹ thuật về an toàn, vệ sinh lao động.

Công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục, huấn luyện kiến thức, kỹ năng đảm bảo an toàn, vệ sinh lao độngđã được triển khai sâu rộng với sự phối hợp của các sở, ngành, địa phương, thu hút được sự quan tâm, đồng hành của doanh nghiệp và người lao động. Với sự tham gia tích cực và có hiệu quả của các cơ quan truyền thông, các doanh nghiệp và người lao động, việc tổ chức Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao độngđã từng bước đi vào thực chất, hiệu quả; Bộ máy tổ chức và cán bộ làm công tác an toàn, vệ sinh lao động từng bước được củng cố tại cơ quan quản lý nhà nước các cấp và doanh nghiệp. Thành lập Hội đồng An toàn, vệ sinh lao động ở cấp tỉnh và 09 địa phương, tổ chức gặp mặt đối thoại định kỳ hằng năm.

Công tác thanh tra, kiểm tra về an toàn, vệ sinh lao động được triển khai từ cấp tỉnh đến cấp huyện. Hoạt động thanh tra an toàn, vệ sinh lao độngcó sự phối hợp của các sở, ngành, địa phương hạn chế sự trùng lắp, bỏ trống trong thanh tra, kiểm tra về an toàn, vệ sinh lao động tại doanh nghiệp. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hằng năm đã tổ chức các chiến dịch thanh tra lao động, tập trung về an toàn, vệ sinh lao động trong các lĩnh vực có nguy cơ cao mất an toàn, vệ sinh lao động.

Trong 05 năm (2016 - 2020), Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tiến hành 14 cuộc thanh tra về pháp luật lao động, an toàn, vệ sinh lao độngtại 81 doanh nghiệp. Sở Y tế tiến hành và phối hợp thanh kiểm tra được 350 cơ sở lao động trong đó phần lớn là các cơ sở có yếu tố có hại, nguy hiểm có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Ngành Xây dựng đã tiến hành thanh tra, kiểm tra về an toàn trong thi công xây dựng tại các công trình và nhà thầu.

Các hoạt động quản lý nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động khác đã đáp ứng yêu cầu của đối tượng quản lý. Hầu hết các máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động của doanh nghiệp đều được kiểm định theo quy định; triển khai đồng bộ nhiều hoạt động nghiên cứu và ứng dụng thí điểm các mô hình quản lý công tác an toàn, vệ sinh lao động trong một số lĩnh vực, ngành nghề có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Ban Biên tập