Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp - Kịp thời chia sẻ rủi ro với người lao động

14/03/2022 10:15:00 Xem cỡ chữ
CTTĐT - Bảo hiểm tai nạn lao động (TNLĐ), bệnh nghề nghiệp (BNN) được xem là “điểm tựa” của người LĐ khi họ không may gặp rủi ro trong quá trình làm việc. Đây là chế độ bắt buộc đối với người sử dụng LĐ để đảm bảo quyền lợi mà người LĐ được thụ hưởng.

Dây chuyền sản xuất của Công ty Vina KNF.

Sau gần 10 năm làm công nhân may, chị Lê Thị Thu - Công ty may tại khu công nghiệp phía Nam thấy có biểu hiện ho viêm họng kéo dài nên đi khám. Các bác sĩ kết luận chị bị bệnh bụi phổi - một trong những bệnh thường gặp ở lao động ngành may và yêu cầu nằm viện điều trị. Hơn một năm chị phải nghỉ việc, mất đi nguồn thu nhập cho gia đình, mọi chi phí sinh hoạt, lo tiền ăn học cho hai con đều dựa vào đồng lương công nhân của chồng. Rất may sau khi có kết quả giám định bệnh nghề nghiệp, hoàn thiện hồ sơ, chị được hưởng trợ cấp hằng tháng từ chính sách bảo hiểm tại nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (TNLĐ-BNN). Chị Thu cho biết: Công việc tuy hơi vất vả nhưng được sự quan tâm của công ty đóng đầy đủ bảo hiểm TNLĐ-BNN nên chi phí trong thời gian điều trị, hồi phục của tôi cũng không quá tốn kém. Số tiền tuy không lớn nhưng cũng giúp gia đình tôi vơi bớt khó khăn và sau một thời gian ngắn có thể trở lại làm việc bình thường.

Trước đây, các nội dung của bảo hiểm TNLĐ-BNN nằm trong Luật BHXH, chỉ thực hiện chế độ trợ cấp sau khi NLĐ đã điều trị ổn định thương tật, thiếu cơ chế tái đầu tư để phòng ngừa. Vì vậy, không ít doanh nghiệp né tránh thực hiện nghĩa vụ. Khắc phục điều này, tăng cường hơn nữa khả năng phòng ngừa, quy định về chế độ bảo hiểm TNLĐ-BNN được chuyển từ Luật BHXH sang Luật An toàn vệ sinh lao động năm 2015 (có hiệu lực từ ngày 1/7/2016); việc thu, chi và quản lý quỹ vẫn do cơ quan BHXH thực hiện. Theo đó, đối tượng hưởng chế độ TNLĐ-BNN đã được mở rộng trên cơ sở phù hợp với đối tượng đóng BHXH, bao gồm cả NLĐ làm việc theo mùa vụ, NLĐ dưới 15 tuổi, lao động đã nghỉ hưu.

Hằng năm, ngoài chi trợ cấp cho người bị TNLĐ-BNN, quỹ dành tối đa 10% nguồn thu để hỗ trợ các hoạt động phòng ngừa bao gồm: Khám, chữa bệnh nghề nghiệp, phục hồi chức năng lao động; điều tra lại các vụ TNLĐ-BNN theo yêu cầu của cơ quan BHXH; huấn luyện về an toàn vệ sinh lao động cho người tham gia; cấp tiền mua phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình; hỗ trợ chuyển đổi nghề cho người bị TNLĐ-BNN khi trở lại làm việc.

Có thể khẳng định đây là những điểm ưu việt, hướng đến bảo đảm an sinh cho hầu hết trường hợp tham gia lao động, sản xuất. Đặc biệt, để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp khi bị ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 68/NQ-CP, miễn đóng bảo hiểm TNLĐ-BNN cho người lao động trong 12 tháng (từ ngày 1/7/2021 đến hết ngày 30/6/2022). Người sử dụng lao động hỗ trợ toàn bộ số tiền có được từ việc giảm đóng quỹ để phòng, chống dịch Covid-19. 

Theo BHXH tỉnh Yên Bái, ngành BHXH tỉnh đã hoàn tất các thủ tục, gửi thông báo về số tiền có được do giảm mức đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đến các đơn vị sử dụng lao động để hỗ trợ cho người lao động trong tỉnh.

Theo số liệu báo cáo, đến cuối năm 2021 toàn tỉnh Yên Bái có 1.363 đơn vị sử dụng lao động tham gia BHXH, với 23.298 lao động giảm mức đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo tinh thần Nghị quyết 68/NQ và Quyết định 23/QĐ-TTg; số tiền (tạm tính) đề nghị giảm mức đóng 12 tháng  là trên 7,068 tỷ đồng.

Thời gian tới, bên cạnh đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, NLĐ, ngành BHXH chủ động phối hợp với các ngành liên quan trong công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát; kịp thời kiến nghị với thanh tra lao động và UBND các huyện, thị xã, thành phố xử lý nghiêm những hành vi vi phạm (nợ đọng, trốn đóng) liên quan đến chính sách BHXH ngoài thẩm quyền của ngành BHXH, bảo đảm mọi quyền lợi của NLĐ. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục tuyên truyền, phổ biến Luật An toàn vệ sinh lao động; hướng dẫn cách thức tham gia, giải quyết chế độ chính sách cho các trường hợp cụ thể bảo đảm nhanh chóng, chính xác. Từ đó, từng bước nâng cao chất lượng thực hiện chính sách bảo hiểm TNLĐ-BNN, bảo vệ sức khỏe, tính mạng NLĐ; nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức, người sử dụng lao động trong công tác đảm bảo an toàn lao động, từ đó giảm tỷ lệ tai nạn lao động hàng năm trên địa bàn.

Ban Biên tập