Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Yên Bái triển khai thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh

28/09/2022 09:51:00 Xem cỡ chữ
CTTĐT - Trong giai đoạn 2022 - 2025 tỉnh Yên Bái đề ra mục tiêu phát triển đồng bộ, ổn định mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường lao động, của người dân và yêu cầu ngày càng cao về số lượng, cơ cấu, chất lượng nhân lực có kỹ năng nghề cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Phấn đấu đến năm 2025 tỷ lệ người học tốt nghiệp, có việc làm phù hợp với ngành, nghề đào tạo đạt khoảng 80%, đối với các ngành, nghề trọng điểm, chất lượng cao đạt khoảng 90%.

Theo đó, đến năm 2025 Yên Bái phấn đấu tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS vào học giáo dục nghề nghiệp đạt 30%; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT vào học giáo dục nghề nghiệp đạt 45%, trong đó 20% các ngành, nghề trọng điểm, chất lượng cao; tỷ lệ lao động có kỹ năng công nghệ thông tin đạt 70%; tỷ lệ lao động là người khuyết tật còn khả năng lao động được học nghề phù hợp đạt 20%; tỷ lệ người học là nữ đạt trên 30%; xây dựng được 1 trường cao đẳng chất lượng cao (Trường Cao đẳng Nghề Yên Bái); tỷ lệ người học tốt nghiệp, có việc làm phù hợp với ngành, nghề đào tạo đạt khoảng 80%, đối với các ngành, nghề trọng điểm, chất lượng cao đạt khoảng 90%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 40%; tỷ lệ người dân tộc thiểu số trong độ tuổi lao động qua đào tạo đạt 45%; tỷ lệ lao động qua đào tạo theo lĩnh vực: nông, lâm, thủy sản đạt 59%, công nghiệp - xây dựng đạt  96%, thương mại - dịch vụ đạt 98%; có ít nhất 30% cơ sở giáo dục nghề nghiệp và 50% chương trình đào tạo các ngành, nghề trọng điểm đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng; phấn đấu 100% nhà giáo đạt chuẩn, khoảng 80% cán bộ quản lý được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng quản lý - quản trị hiện đại; phấn đấu khoảng 80% ngành, nghề đào tạo được xây dựng, cập nhật chuẩn đầu ra theo Khung trình độ quốc gia...

Để thực hiện các chỉ tiêu này, tỉnh Yên Bái tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp. Trong đó, quán triệt, tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả các Chỉ thị, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; Nghị quyết số 21-NQ/TU ngày 20/01/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX về phát triển nguồn nhân lực tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021-2025.

Rà soát, sắp xếp mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo hướng mở, tinh gọn, hiệu quả, phân tầng chất lượng, chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa. Phát triển mô hình “nhà trường thông minh”, “nhà trường xanh”. Chú trọng phát triển trường chất lượng cao, các ngành, nghề trọng điểm đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Tăng cường công tác phối hợp giữa các ngành liên quan trong việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Tỉnh tiếp tục đẩy nhanh chuyển đổi số, hiện đại hóa cơ sở vật chất và đổi mới phương thức đào tạo. Phấn đấu đến năm 2025, xây dựng trường Cao đẳng Nghề Yên Bái trở thành trường học số; các trường cao đẳng, trung cấp trên địa bàn tỉnh hoàn thành số hóa quá trình học tập, kết quả học tập, văn bằng giáo dục nghề nghiệp của người học và kết nối, tích hợp dữ liệu lên môi trường số; tham gia bản đồ số mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp và liên kết bản đồ số mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp với các hệ thống chứng thực và tra cứu thông tin giáo dục nghề nghiệp; phát triển hạ tầng số bao gồm hạ tầng dữ liệu, hạ tầng kỹ thuật của cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Số hóa hồ sơ học tập giáo dục nghề nghiệp của người học; xây dựng các nền tảng số có khả năng triển khai dùng chung trong giáo dục nghề nghiệp; phát triển kho học liệu số ở tất cả các trình độ, ngành nghề đào tạo, dùng chung toàn ngành và liên kết với quốc tế ở những ngành nghề đào tạo đạt trọng điểm cấp quốc tế; triển khai, hỗ trợ đào tạo trực tuyến các cấp độ phù hợp với ngành nghề đào tạo, đối tượng đào tạo.

Bên cạnh đó, từng bước thực hiện hiện đại hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo, phù hợp với công nghệ sản xuất của doanh nghiệp, phù hợp với định hướng phát triển ngành nghề đào tạo; có phân tầng chất lượng phù hợp với đặc thù các ngành, nghề đào tạo; ưu tiên thực hiện đối với trường chất lượng cao và các ngành, nghề trọng điểm quốc tế, ASEAN và quốc gia; tăng cường gắn kết với doanh nghiệp để khai thác, sử dụng thiết bị đào tạo tại doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu đào tạo thực hành cho người học.

Phát triển mạnh các phương thức học nghề tại nơi làm việc, chú trọng đào tạo thường xuyên và đào tạo lại cho người lao động. Nhân rộng mô hình đào tạo liên kết nhà trường và doanh nghiệp trong đó doanh nghiệp trực tiếp cùng cơ sở giáo dục nghề nghiệp xây dựng, triển khai quá trình đào tạo. Đổi mới, đa dạng hóa phương thức tổ chức đào tạo, kiểm tra, đánh giá đối với người học, có sự tham gia và thừa nhận của người sử dụng lao động. Triển khai công nhận năng lực người học, người lao động đã tích luỹ từ học tập và kinh nghiệm làm việc thực tế theo quy định; xây dựng chuẩn bảo đảm chất lượng và chuẩn hóa phương thức đào tạo trực tuyến và kiểm tra, đánh giá người học theo hướng hiện đại; giáo dục toàn diện, chú trọng đến phát triển phẩm chất và hình thành các kỳ năng cốt lõi, kỹ năng mềm, kỹ năng số; đổi mới phương pháp đào tạo, đánh giá trình độ ngoại ngữ cho người học ứng dụng thực tiễn nghề nghiệp; xây dựng, triển khai các mô hình đào tạo gắn kết với doanh nghiệp phù hợp với các nhóm đối tượng đặc thù, nhóm yếu thế, dễ bị tổn thương, lao động từ khu vực phi chính thức, lao động bị thất nghiệp hoặc có nguy cơ thất nghiệp.

Phát triển đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp, nhà giáo và người dạy tại nơi làm việc; phát triển đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm định và bảo đảm chất lượng; công tác học sinh, sinh viên; hợp tác quốc tế trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; tiếp tục thực hiện chính sách thu hút sinh viên tốt nghiệp đại học chính quy từ loại khá trở lên thuộc các chuyên ngành phù hợp theo Nghị quyết số 12/2021/HĐND ngày 19/4/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành quy định một số chính sách nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021-2025; tuyển dụng giáo viên giáo dục nghề nghiệp theo hình thức thi tuyển nhằm tăng cường đội ngũ nhà giáo giáo dục nghề nghiệp từng bước đảm bảo đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, phù hợp về chuyên môn.

Thực hiện đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên đối với đội ngũ nhà giáo nhằm đạt chuẩn theo quy định về chuyên môn, nghiệp vụ của nhà giáo giáo dục nghề nghiệp; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng giảng viên các ngành nghề đáp ứng yêu cầu đào tạo đạt trọng điểm cấp quốc gia, Asean, quốc tế. Triển khai thực hiện cơ chế hợp tác giữa 03 nhà “Nhà nước - Nhà trường - Nhà doanh nghiệp”, người sử dụng lao động trong các hoạt động giáo dục nghề nghiệp trên cơ sở hài hòa lợi ích và trách nhiệm xã hội. Thực hiện cơ chế, chính sách khuyến khích, thúc đẩy người sử dụng lao động tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

Xây dựng các mô hình gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh và thị trường lao động theo vùng, địa phương, phù hợp với từng nhóm đối tượng, trong đó chú trọng đối tượng đặc thù, lao động từ khu vực phi chính thức, lao động bị thất nghiệp hoặc có nguy cơ thất nghiệp.

Tăng cường công tác dự báo nhu cầu đào tạo nghề nghiệp, đặc biệt là các ngành nghề khoa học - kỹ thuật - công nghệ; ưu tiên cho công nghệ thông tin, công nghệ mới, công nghệ cao, các kỹ năng tương lại. Khai thác hiệu quả dữ liệu, thông tin thị trường lao động quốc gia và của tỉnh; định kỳ hoặc đột xuất, tổ chức thu thập thông tin về nhu cầu lao động, nhu cầu kỹ năng, nhu cầu đào tạo của doanh nghiệp, người sử dụng lao động và phản hồi của người học sau khi tốt nghiệp khóa đào tạo để phục vụ quản lý và đào tạo.

Tăng cường gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và trung tâm dịch vụ việc làm, sàn giao dịch việc làm, hội chợ việc làm, trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; hỗ trợ người học tìm việc làm sau tốt nghiệp; chú trọng gắn kết đào tạo với việc đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; cơ sở giáo dục nghề nghiệp phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức xây dựng và thực hiện các chương trình bổ trợ để thích ứng với yêu cầu thực tiễn cụ thể tại nơi làm việc cho người mới tốt nghiệp trước khi đi làm.

Huy động người sử dụng lao động, đặc biệt là các tập đoàn, tổng công ty tham gia xây dựng tiêu chuẩn kỹ năng nghề và đánh giá, công nhận trình độ kỹ năng nghề cho người lao động tại nơi làm việc. Thúc đẩy phong trào thi kỹ năng nghề ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cấp tỉnh và tham gia kỳ thi kỹ năng nghề cấp quốc gia.

Cùng với đó, nghiên cứu ứng dụng khoa học và chuyển giao công nghệ, hướng nghiệp, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; tăng cường huy động và nâng cao hiệu quả đầu tư tài chính cho giáo dục nghề nghiệp; truyền thông, nâng cao hình ảnh, thương hiệu và giá trị xã hội của giáo dục nghề nghiệp.

Ban Biên tập