Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Giáo dục nghề nghiệp tại tỉnh Yên Bái: những kết quả tích cực, ban đầu

05/10/2022 15:12:00 Xem cỡ chữ
CTTĐT - Mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đã được rà soát, sắp xếp lại theo hướng tinh giản nhưng vẫn đảm bảo độ bao phủ và đa dạng các ngành nghề, trình độ đào tạo.

Học viên tại lớp mộc - Trường Cao đẳng Nghề Yên Bái

Đến năm 2022, tỉnh Yên Bái có 14 cơ sở giáo dục nghề nghiệp gồm 3 trường cao đẳng, 3 trường trung cấp, 6 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên cấp huyện, 2 trung tâm giáo dục nghề nghiệp tư thục và 4 cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục đã góp phần đa dạng hóa loại hình cơ sở giáo dục nghề nghiệp, thúc đẩy công tác xã hội hóa giáo dục nghề nghiệp.
Quy mô đào tạo nghề của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngày càng tăng, chất lượng đào tạo nghề được nâng cao, nội dung, phương pháp đào tạo được đổi mới theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, tăng cường đào tạo thực hành, gắn kết với thực hành, thực tập tại doanh nghiệp.
Năm 2021, trên toàn tỉnh đã tuyển sinh đào tạo nghề cho 20.462/18.000 người, trong đó trình độ cao đẳng là 1.347 người. Công tác giáo dục nghề nghiệp đã góp phần nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đã tăng từ 63,2% năm 2020 lên 64,83% năm 2021. 8 tháng đầu năm 2022 đã tuyển sinh đào tạo nghề cho trên 14.300 lao động.
Qua đánh giá cho thấy đào tạo nghề đã góp phần cung ứng nguồn nhân lực có tay nghề cho các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Mỗi năm, hàng ngàn lao động sau khi học nghề đã được tuyển dụng vào các doanh nghiệp địa phương, nhiều lao động tham gia xuất khẩu lao động tại các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan…
Ông Lê Văn Lương - Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết: “Mô hình hợp tác 3 nhà “Nhà nước - Nhà trường - Nhà doanh nghiệp” trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp đang dần hình thành. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngày càng chú trọng và thực hiện tốt kiên kết với doanh nghiệp trong quá trình đào tạo. Trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện một số mô hình liên kết với doanh nghiệp trong đó đang chú ý là mô hình phối hợp với doanh nghiệp đào tạo nghề, thực tập tvà tổ chức thi tốt nghiệp cho học sinh tại doanh nghiệp. Chất lượng nguồn nhân lực được cải thiện đã đóng góp quan trọng trong việc nâng cao năng suất, tạo việc làm, giảm nghèo, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động của địa phương theo hướng hiệu quả, bền vững”.
Cùng với đào tạo nghề cho lao động, trong thời gian qua, tỉnh Yên Bái cũng đã triển khai nhiều giải pháp cụ thể để chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút vốn đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, tăng số lượng lao động làm việc trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh.
Với tổng số 2.812 doanh nghiệp sử dụng gần 24 nghìn lao động các chính sách, chương trình và giải pháp đào tạo nghề - tạo việc làm đang được các cấp, các địa phương triển khai đồng bộ, tích cực, hiệu quả.
Các hoạt động hỗ trợ, kết nối cung - cầu lao động, tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động được đẩy mạnh. Trong năm 2021, Trung tâm Dịch vụ việc làm đã tổ chức được 51 phiên giao dịch việc làm cho trên 7.400 lượt người; 23 phiên giao dịch việc làm lưu động, 1 hội nghị tư vấn việc làm, học nghề cho bội đội xuất ngũ; 20 hội nghị tư vấn, định hướng nghề nghiệp, việc làm tại các trường THPT cho trên 5.500 học sinh… Trong 8 tháng đầu năm, Trung tâm Dịch vụ việc làm đã tư vấn việc làm cho trên 13 nghìn người tư vấn học nghề cho 2.668 người….
Từ năm 2020 đến nay, tỉnh Yên Bái đã đưa được 456 lao động đi xuất khẩu lao động tại thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và các thị trường khác.
Với các giải pháp đồng bộ, trọng tâm thị trường lao động của tỉnh đã có những bước phát triển. Kết quả đào tạo nghề, giải quyết việc làm đã góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp. Tỷ lệ lao động nông nghiệp năm 2021 là 57,81% (giảm 2,09% so với năm 2020), tỷ lệ lao động phi nông nghiệp là 42,19%. Phấn đấu hết năm 2022, tỷ lệ lao động nông nghiệp toàn tỉnh còn 55,97%.
Qua đánh giá cho thấy mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đã được rà soát, sắp xếp lại theo hướng tinh giản nhưng vẫn đảm bảo độ bao phủ và đa dạng các ngành nghề, trình độ đào tạo. Quy mô đào tạo nghề ngày càng tăng, chất lượng đào tạo nghề được nâng cao. Nội dung, phương pháp đào tạo được đổi mới theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, tăng cường đào tạo thực hành, gắn kết với thực hành, thực tập tại doanh nghiệp. Công tác giáo dục nghề nghiệp đã góp phần nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh.
Đào tạo nghề đã góp phần cung ứng nguồn nhân lực có tay nghề cho các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Mỗi năm, hàng ngàn lao động sau khi học nghề đã được tuyển dụng vào các doanh nghiệp địa phương, nhiều lao động tham gia xuất khẩu lao động tại các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan... Mô hình hợp tác 03 nhà “Nhà nước - Nhà trường - Nhà doanh nghiệp” trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp đang dần hình thành. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngày càng chú trọng và thực hiện tốt liên kết với doanh nghiệp trong quá trình đào tạo. Đã xuất hiện một số mô hình liên kết với doanh nghiệp, trong đó đáng chú ý là mô hình phối hợp với doanh nghiệp trong tổ chức đào tạo thực hành, thi tốt nghiệp cho học sinh tại doanh nghiệp của Trường Trung cấp Dân tộc nội trú Nghĩa Lộ.
Tuy nhiên, thực tế công tác giáo dục nghề nghiệp cũng cho thấy đội ngũ nhà giáo giáo dục nghề nghiệp còn thiếu, việc thu hút hay tuyển dụng nhà giáo vào các cơ sở giáo dục nghề nghiệp gặp nhiều khó khăn, nhất là các nghề kỹ thuật, các ngành nghề trọng điểm.
Cùng với đó thì cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo của một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn thiếu, nhất là các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên cấp huyện. Hơn nữa, việc khuyến khích, thu hút doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp, liên kết với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong tổ chức thực hiện chương trình đào tạo còn hạn chế.
Trong thời gian tới, tỉnh Yên Bái sẽ tính toán đến việc mở rộng hệ thống cơ sở giáo dục đào tạo nghề nghiệp theo hướng đa dạng hóa các hình thức đào tạo, tăng cường tính tự chủ của cơ sở giáo dục nghề nghiệp và đẩy mạnh xã hội hóa. Tiếp tục rà soát, đánh giá hiệu quả hoạt động của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập làm cơ sở để tổ chức sắp xếp lại theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu quả đảm bảo phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và quan điểm quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp quốc gia… nhằm mục tiêu Quy hoạch mạng lưới cơ sở hạ tầng giáo dục nghề nghiệp theo hướng đầu tư hoàn thiện Trường Cao đẳng nghề Yên Bái trở thành đầu tàu đào tạo nghề của vùng; nâng cấp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên cấp huyện theo hướng chất lượng và hiệu quả.