Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Nhiều vấn đề đặt ra trong công tác đảm bảo an toàn vệ sinh lao động

21/05/2017 00:56:00 Xem cỡ chữ
CTTĐT- Thực tế cho thấy trong những năm qua công tác an toàn vệ sinh lao động – phòng chống cháy nổ trên địa bàn tỉnh Yên Bái đang còn gặp rất nhiều khó khăn. Tỉnh Yên Bái còn nhiều việc phải làm để nâng cao công tác đảm bảo an toàn vệ sinh lao động.

Tích cực tuyên truyền về ATVSLĐ nhằm tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của các tổ chức doanh nghiệp, góp phần đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp và chính đáng cho người lao động, đồng thời để doanh nghiệp phát triển bền vững.

Mặc dù trong những năm qua Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh đã đẩy mạnh công tác chỉ đạo, tuyên truyền như: chỉ đạo các cấp công đoàn khu vực doanh nghiệp tổ chức thực hiện tốt phong trào “Xanh - Sạch - Đẹp, bảo đảm ATVSLĐ”, trồng thêm cây xanh, vệ sinh nơi sản xuất, xây dựng khuôn viên bảo đảm sạch sẽ, thoáng mát; bảo đảm các điều kiện lao động tốt cho người lao động tại các nơi khai thác khoáng sản, phối hợp với chuyên môn, với doanh nghiệp kiểm tra về công tác ATVSLĐ tại các cơ sở lao động, nơi có nguy cơ cao xảy ra tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, kịp thời phát hiện những dấu hiệu vi phạm, đề nghị doanh nghiệp và kiến nghị các cơ quan chức năng can thiệp giải quyết tránh để tai nạn lao động đáng tiếc xảy ra, tổ chức hội thi về công tác ATVSLĐ tại các công đoàn cơ sở khu vực doanh nghiệp...

Tuy nhiên, qua kiểm tra có tới 60% trong 18 đơn vị chưa xây dựng văn bản này, đặc biệt là những đơn vị xây dựng thuỷ điện, khai thác và chế biến khoáng sản, vật liệu xây dựng, nơi có đặc điểm tiềm ẩn nhiều yếu tố nguy hiểm gây mất ATVSLĐ. Qua đây cho thấy, không ít doanh nghiệp chưa chú trọng tới công tác ATVSLĐ.

Qua thanh tra 18 doanh nghiệp về công tác ATVSLĐ - PCCN cho thấy, công tác ATVSLĐ - PCCN cũng còn bộc lộ nhiều hạn chế cần khắc phục. Theo quy định của pháp luật, tất cả các doanh nghiệp khi xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh hàng năm phải đồng thời xây dựng kế hoạch, phương án về ATVSLĐ.

Một số doanh nghiệp có xây dựng kế hoạch ATVSLĐ song chưa đầy đủ nội dung quy định, hơn nữa, các nội dung chỉ mang tính liệt kê, hình thức, chưa cụ thể thiết thực, phù hợp với đặc điểm, tính chất của doanh nghiệp. Do vậy, tính áp dụng không cao. Trong quá trình sản xuất, việc theo dõi kiểm tra nhật ký về ATVSLĐ được thực hiện ở phần lớn các doanh nghiệp. Tuy nhiên, lại không được tổ chức kiểm tra, đánh giá các yếu tố nguy hiểm định kỳ theo quy định (6 tháng một lần/năm) để đưa ra biện pháp khắc phục, phòng ngừa.

Qua thanh tra về ATVSLĐ cho thấy một số doanh nghiệp có nhiều yếu tố nguy hiểm có thể xảy ra tai nạn lao động. Việc đo lường các yếu tố có hại được các doanh nghiệp quan tâm, thực hiện quan trắc môi trường, kiểm tra độ ẩm, tiếng ồn, không khí, nhiệt độ, ánh sáng, độ bụi theo quy định nhưng để khắc phục tình trạng các yếu tố có hại không bảo đảm theo quy định thì các doanh nghiệp lại chưa thực hiện được vì thường chi phí rất lớn. Do vậy, người lao động vẫn phải chịu đựng điều kiện lao động có tiếng ồn và độ bụi cao, rất có hại tới sức khoẻ.

Mặc dù phần lớn các doanh nghiệp đều cử người phụ trách công tác ATVSLĐ, những người này thường là am hiểu về tình hình sản xuất, kinh doanh, có kiến thức về ATVSLĐ nhưng tới 100% là kiêm nhiệm, thậm chí tình trạng này còn xảy ra trong đơn vị có trên 600 công nhân. Bên cạnh đó, có nhiều người được phân công làm công tác ATVSLĐ nhưng không có quyết định của giám đốc nên khó khăn cho việc kiểm tra về trách nhiệm cũng như bảo đảm các điều kiện của người an toàn viên.

Qua kiểm tra, phát hiện 6/18 đơn vị huấn luyện không hết số lao động trong doanh nghiệp hoặc huấn luyện hết nhưng không đúng đối tượng theo quy định có 4/18 đơn vị, 6/18 đơn vị có 100% người lao động và người sử dụng lao động không được huấn luyện ATVSLĐ. Người sử dụng lao động thiếu hiểu biết về pháp luật quy định trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc tổ chức huấn luyện ATVSLĐ cho người lao động. Đặc biệt, chỉ có 3/18 doanh nghiệp, giám đốc có chứng nhận huấn luyện ATVSLĐ.

Với công tác kiểm định máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt. Trong những doanh nghiệp có truyền thống làm tốt công tác ATVSLĐ thì những doanh nghiệp sản xuất có tính ổn định, lâu dài này chỉ có 4/18 đơn vị. Một số doanh nghiệp đã kiểm định nhưng chưa hết số máy thiết bị có yêu cầu, có đơn vị có kiểm định nhưng đã hết hạn, còn lại phần nhiều đơn vị không thực hiện việc kiểm định hoặc không cung cấp hồ sơ kiểm định máy thiết bị cho đoàn thanh tra với nhiều lý do.

Về phía các đơn vị, doanh nghiệp, chưa quan tâm khai báo, báo cáo kiểm định máy thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt. 100% các doanh nghiệp có máy móc, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ trước khi đưa vào sử dụng không khai báo, trong khi sử dụng chưa báo cáo với cơ quan chức năng quản lý ở địa phương.

Một số doanh nghiệp có bồi dưỡng cho người lao động nhưng không ghi chép sổ sách nên không xác định được, một số có thực hiện nhưng không đúng quy định đó là trả vào lương cho người lao động. Một số doanh nghiệp lại tổ chức khám sức khoẻ định kỳ cho người lao động ở những tổ chức y tế không có chức năng  và điều kiện cho phép được khám sức khoẻ định kỳ…

Trước thực tế này, LĐLĐ tỉnh đã chỉ đạo các cấp công đoàn trong tỉnh tích cực tham gia các hoạt động công tác ATVSLĐ - PCCN với mong muốn tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của các tổ chức doanh nghiệp, góp phần đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp và chính đáng cho người lao động, đồng thời để doanh nghiệp phát triển bền vững.

 

 

 

 

Thanh Thủy