Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Yên Bái: Quan tâm triển khai thực hiện hoạt động tư vấn, hướng nghiệp, học nghề

07/10/2022 15:39:00 Xem cỡ chữ
CTTĐT - Thực hiện Quyết định số 522/QĐ-TTg ngày 14/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025”, tỉnh Yên Bái đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn 2018-2025 và kế hoạch hàng năm; chỉ tiêu về phân luồng học sinh sau THCS, THPT đã được đưa vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội từ tỉnh đến huyện hàng năm và giao nhiệm vụ cho các trường phổ thông trên địa bàn để triển khai thực hiện.

Hoạt động hướng nghiệp đã được đổi mới theo hướng phù hợp, thiết thực khi gắn với tham quan hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của địa phương.

Kết quả phân luồng học sinh vào học giáo dục nghề nghiệp trong 03 năm (2018 – 2020), tổng số học sinh tốt nghiệp THCS là 52.828 người, trong đó 13.207 người tiếp tục học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trình độ trung cấp, sơ cấp (đạt 25%); tổng số học sinh tốt nghiệp THPT là 17.272 người, trong đó 7.686 người tiếp tục học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp (đạt 44,5%).

Hoạt động tư vấn, hướng nghiệp, học nghề được quan tâm triển khai thực hiện, tỉnh đã chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội ký Quy chế phối hợp trong công tác tuyên truyền, tư vấn hướng nghiệp học nghề và tuyển sinh dạy nghề nhằm đẩy mạnh phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp phổ thông. Hàng năm, tỉnh đã tổ chức các buổi tư vấn hướng nghiệp, Ngày hội tư vấn hướng nghiệp - tuyển sinh - việc làm có sự tham gia của các trường đại học, cao đẳng, trung cấp, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tổ chức tại các huyện và các trường THPT. Cùng với đó, các trường đã chủ động tích cực tổ chức các hoạt động tư vấn hướng nghiệp, chương trình tư vấn tuyển sinh, định hướng nghề nghiệp cho học sinh qua đó nâng cao nhận thức của học sinh, phụ huynh học sinh về học nghề và lựa chọn tham gia học nghề phù hợp ngay sau khi tốt nghiệp THCS, THPT.

Hoạt động hướng nghiệp tại các trường THCS, THPT đã được đổi mới theo hướng phù hợp, thiết thực, với nhiều hoạt động đa dạng, linh hoạt như tổ chức thông qua các hoạt động ngoài giờ lên lớp, các buổi sinh hoạt tập thể; các hoạt động ngoại khóa; nhiều trường THCS, THPT đã tổ chức cho học sinh tìm hiểu nghề nghiệp, tham quan, trải nghiệm thực tế tại các cơ sở đào tạo trong và ngoài tỉnh, hoạt động giáo dục hướng nghiệp gắn với tham quan hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của địa phương…

Các trường trung cấp có đào tạo văn hóa, các Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh, Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên các huyện, đã tích cực tổ chức các hoạt động liên kết đào tạo văn hóa với đào tạo nghề trình độ trung cấp cho học viên học văn hóa theo chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông, tỷ lệ học viên học văn hóa kết hợp học nghề đạt 87%, qua đó, góp phần quan trọng phân luồng và thu hút học sinh tham gia học nghề ở các cấp trình độ.

Nội dung, phương pháp đào tạo được đổi mới theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, tăng cường đào tạo thực hành (chiếm 60-70% chương trình), kết hợp thực hành tại nhà trường với thực hành, thực tập tại doanh nghiệp. Chất lượng và hiệu quả GDNN từng bước được nâng lên, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp và thị trường lao động.

Kỹ năng nghề của người học được tăng cường, khoảng 80% người tốt nghiệp đã có việc làm phù hợp ngành nghề và trình độ đào tạo hoặc tự tạo việc làm. Kỹ năng của người học nhất là người học các ngành, nghề trọng điểm sau đào tạo cơ bản đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp, kể cả các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Tỉnh Yên Bái thường xuyên cử các đoàn tham dự kỳ thi tay nghề, kỹ năng nghề quốc gia, thi thiết bị đào tạo nghề tự làm. Kết quả có 15 em học sinh, sinh viên được cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia, trong đó có 03 giải khuyến khích.

Có thể thấy, công tác giáo dục nghề nghiệp đã góp phần nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đã tăng từ 45% năm 2015 lên 63,2% năm 2020, cao hơn 3,2% so với chỉ tiêu Nghị quyết của tỉnh đề ra. Trong đó, tỷ lệ lao động được cấp văn bằng, chứng chỉ tăng từ 22,4% năm 2015 lên 31,5% năm 2020./.

Ban Biên tập