Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Giải pháp giảm thiểu tai nạn lao động tại các mỏ khai thác đá

23/05/2023 11:02:00 Xem cỡ chữ
CTTĐT - Là địa phương có nhiều tiềm năng về khoáng sản, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã có nhiều doanh nghiệp đầu tư khai thác mỏ đá, không chỉ tạo việc làm cho lao động địa phương và còn đóng góp nhiều cho ngân sách nhà nước.

Một mỏ khai thác đá tại xã Liễu Đô, huyện Lục Yên

Hiện nay, các doanh nghiệp khai thác đá sử dụng gần 8 nghìn lao động người Việt Nam và 200 lao động người nước ngoài, chủ yếu là người Ấn Độ, Italia và Trung quốc làm kỹ thuật khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Yên Bái. Các doanh nghiệp đã chấp hành tương đối những chính sách pháp luật của nhà nước đặc biệt là chính sách đối với người lao động; ký hợp đồng lao động, tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, từ đó tạo ổn định trong quá trình lao động sản xuất cũng như tư tưởng tâm lý của người lao động, nhất à quyền lợi của người lao động (NLĐ). 

Tuy nhiên, thời gian gần đây, công tác an toàn, vệ sinh lao động còn bộc lộ nhiều thiếu sót như: Việc chấp hành pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động, đặc biệt đối với các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực khai thác khoáng sản, khai thác đá còn hạn chế, đã có 03 vụ tai nạn lao động xảy ra ở mỏ đá xã Liễu Đô, mỏ đá núi Chuông xã Tân Lĩnh và mỏ đá tại thị trấn Yên Thế của huyện Lục Yên làm 03 người chết.

Nguyên nhân xảy ra các vụ tai nạn chủ yếu do người sử dụng lao động chưa chủ động, thường xuyên kiểm tra, giám sát sự tuân thủ pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động của người lao động; người lao động chưa được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng, ý thức chấp hành pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động, còn diễn ra tình trạng vi phạm các quy định về an toàn, vệ sinh lao động; thiếu chủ động trong phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Ông Lê Văn Lương - Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Yên Bái cho biết, để hạn chế các vụ việc gây mất an toàn lao động (ATLĐ) dẫn đến các tai nạn gây thương tích nghiêm trọng, thậm chí tử vong cho NLĐ tại các mỏ đá, cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức và trách nhiệm của cả doanh nghiệp và NLĐ trong việc chấp hành các quy định về khai thác khoáng sản, về bảo đảm ATLĐ.

Thay đổi công nghệ khai thác, hạn chế đá văng, đa lăn, tuyên truyền cho người dân xung quanh không vào khu vực khai thác. Bên cạnh đó phải có giải pháp chống ồn, chống bụi, không chở quá tải, tải gây ảnh hưởng đến người dân.

Thường xuyên rà soát lại các quy định pháp luật, tăng cường phân cấp, phân quyền cho các cấp, các ngành, nhất là những địa phương có mỏ đá để tăng vai trò, trách nhiệm trong giám sát hoạt động từ xây dựng cơ bản, mở tầng tuyến, hộ chiếu thuốc nổ sử dụng... theo đúng thiết kế đã phê duyệt.

Kiên quyết đình chỉ khai thác đối với những mỏ hoạt động không phép và trái phép, ngừng cấp giấy phép khai thác với các mỏ đá hết nguồn, không bảo đảm điều kiện ATLÐ. Kịp thời đóng cửa những mỏ có nguy cơ mất ATLĐ đối với người và thiết bị. Chỉ cho phép tiếp tục khai thác lại sau khi các mỏ này đã đáp ứng đầy đủ các điều kiện bảo đảm ATLĐ trong hoạt động khai thác.

                                                                                                                                                            

Ban Biên tập