Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Hiệu quả của giáo dục nghề nghiệp từng bước được nâng lên

08/06/2023 09:48:00 Xem cỡ chữ
CTTĐT - Với hơn 80% học viên tốt nghiệp giáo dục nghề nghiệp đã có việc làm là minh chứng rõ nét cho hiệu quả giáo dục nghề nghiệp từng bước được nâng lên, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp và thị trường lao động.

Giáo dục nghề nghiệp từng bước được nâng lên, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp

Trong giai đoạn 2016 - 2020, giáo dục nghề nghiệp thu hút hơn 980 nghìn học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở vào học. Phần lớn trường cao đẳng, trường trung cấp trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp đều có tuyển sinh và đào tạo cho học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở, trong đó chủ yếu học sinh vào học hệ trung cấp. Ngoài ra, một số em học các trình độ sơ cấp hoặc học liên thông lên cao đẳng.

Khung trình độ quốc gia gồm 8 bậc, trong đó giáo dục nghề nghiệp có 5 bậc (từ bậc 1-5) đã được ban hành, bảo đảm tính liên thông giữa các bậc, tạo điều kiện công nhận trình độ và học tập suốt đời.

Khung trình độ quốc gia đã tham khảo Khung tham chiếu trình độ ASEAN (AQRF), Khung trình độ châu Âu (EQF). Do đó, sẽ tạo điều kiện cho việc công nhận lẫn nhau về trình độ đào tạo, tăng cường hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo.

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội nhận định, chất lượng và hiệu quả giáo dục nghề nghiệp từng bước được nâng lên, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp và thị trường lao động. Kỹ năng nghề của người học được  tăng cường. Một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp có uy tín về chất lượng đào tạo, gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp có tỷ lệ việc làm sau tốt nghiệp đạt 100%, và 85-90% người tốt nghiệp có việc làm đúng ngành, nghề đào tạo. Khoảng hơn 80% người tốt nghiệp đã có việc làm, trong đó 70 đến 75% học viên tốt nghiệp có việc làm đúng ngành, nghề đào tạo.

Cùng với đó, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp đã có nhiều hình thức, mô hình hợp tác đa dạng, phong phú, gắn kết giữa đào tạo và giải quyết việc làm cho người học sau tốt nghiệp. Nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã thành lập bộ phận chuyên trách về gắn kết doanh nghiệp.

Tuy nhiên hiện nay, giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn cả nước vẫn còn tồn tại một số hạn chế như giáo dục nghề nghiệp chưa gắn chặt với thị trường lao động, quy mô đào tạo còn nhỏ và cơ cấu trình độ, ngành nghề đào tạo còn bất hợp lý; chất lượng, hiệu quả đào tạo chưa cao, chuyển giao, nhân rộng các chương trình theo chuẩn quốc tế chưa đồng bộ; quy mô đào tạo chất lượng cao còn nhỏ, chưa đáp ứng được yêu cầu của các ngành kinh tế mũi nhọn và yêu cầu nâng cao chất lượng cạnh tranh của nguồn nhân lực trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh cao; đào tạo, đào tạo lại cho người lao động chưa được chú trọng; giáo dục nghề nghiệp và hệ thống giáo dục và đào tạo nói chung chưa thật sự mở, linh hoạt, tạo cơ hội học tập suốt đời cho người dân…

Thời gian tới, để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển của thị trường lao động, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất một số giải pháp như cần tập trung hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật để giáo dục nghề nghiệp gắn chặt với thị trường lao động, tăng cường tính mở, liên thông, hiện đại, hội nhập và thích ứng; triển khai Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập theo hướng tinh gọn, hiệu quả, đào tạo gắn với yêu cầu của thị trường lao động. Tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa Nhà nước - nhà trường - doanh nghiệp trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Có chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tham gia giáo dục nghề nghiệp từ khâu tuyển sinh đến đào tạo, đặt hàng đào tạo.

Ban Biên tập