Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Yên Bái triển khai nhiều giải pháp nhằm phát triển giáo dục nghề nghiệp

20/07/2023 16:55:00 Xem cỡ chữ
CTTĐT - Thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giới thiệu việc làm của tỉnh đã tích cực vào cuộc triển khai nhiều giải pháp nhằm phát triển giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh.

Học sinh nghe tư vấn nghề nghiệp tại gian hàng của Trường Cao đẳng Nghề Yên Bái trong Ngày hội việc làm, tư vấn tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp

Nhận thức của các cấp, ngành, địa phương, người lao động, học sinh về dạy nghề đã có sự chuyển biến rõ nét, do đó công tác tuyển sinh dạy nghề, phân luồng học sinh sau THCS, THPT được thuận lợi hơn nhiều.

Mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp tiếp tục được rà soát, sắp xếp phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và theo hướng mở, tinh gọn, hiệu quả, phân tầng chất lượng, đáp ứng yêu cầu đào tạo nghề ở các cấp trình độ cho người lao động. Tỉnh đã thực hiện sáp nhật 3 trường cao đẳng (Trường Cao đẳng Y tế, CĐ Văn hóa, CĐ Sư phạm) thành Trường Cao đẳng Yên Bái nhằm thống nhất tổ chức bộ máy và nâng cao hiệu quả hoạt động. Đến nay, tỉnh Yên Bái có 14 cơ sở giáo dục nghề nghiệp gồm: 03 trường cao đẳng; 03 trường trung cấp; 06 trung tâm giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên cấp huyện và 02 trung tâm giáo dục nghề nghiệp tư thục, trong đó đã xây dựng được Trường Cao đẳng nghề Yên Bái được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đầu tư trở thành 1/70 trường chất lượng cao của cả nước có các nghề được phê duyệt đầu tư trọng điểm cấp quốc tế, Asean, quốc gia; các trường dạy nghề công lập còn lại đều được phê duyệt đầu tư đạt trọng điểm cấp quốc gia. Các cơ sở ngoài công lập, hoạt động liên kết đào tạo được quan tâm, tạo thuận lợi để hoạt động.

Kết quả tuyển sinh đào tạo nghề đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch hàng năm. Giai đoạn 2020-2022, toàn tỉnh đã tuyển sinh đào tạo được 60.642 người; trong đó trình độ cao đẳng trên là 4.5 người (chiếm 7,42%), trình độ trung cấp trên 8.800 người (chiếm 14,62%), trình độ sơ cấp và dưới 03 tháng trên 47.000 người (chiếm 77,96%). Tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 63,2% (năm 2020) lên thành 66,1% (năm 2022), tăng 2,9%; trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ tăng từ 31,5% (năm 2020) lên thành 34,9% (năm 2022), tăng 3,4%.

Quy mô, chất lượng đào tạo từng bước được nâng lên; gắn với nhu cầu người học và nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp. Nội dung, phương pháp đào tạo được đổi mới theo hướng tăng cường đào tạo thực hành, ứng dụng công nghệ thông tin; tăng cường thực tập tại doanh nghiệp nhằm đáp ứng tốt nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp; các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã tích cực triển khai hoạt động liên kết đào tạo, tăng cường gắn kết với doanh nghiệp trong đào tạo, qua đó tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo ngày càng tăng, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong tuyển dụng lao động, tạo việc làm ổn định cho người lao động.

Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã được quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, bố trí nguồn lực kinh phí hoạt động nhằm tăng quy mô đào tạo và nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo.

Công tác tư vấn hướng nghiệp, phân luồng, thu hút học sinh sau khi tốt nghiệp THCS, THPT tham gia học nghề đạt được những kết quả tích cực, tỷ lệ học sinh tham gia học nghề ngày càng tăng.

Các ngành, địa phương đã quan tâm triển khai thực hiện các chính sách, hoạt động hỗ trợ dạy nghề từ các CTMTQG giai doạn 2021-2025. Thông qua đào tạo của các trường dạy nghề và triển khai hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn từ các CTMTQG, chất lượng nguồn nhân lực khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn được cải thiện đáng kể, góp phần quan trọng giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động và thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Công tác giải quyết việc làm cho người lao động đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần nâng cao thu nhập cho người lao động, đồng thời đáp ứng tốt nhu cầu sử dụng nhân lực của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, nhu cầu của các địa phương trên địa bàn tỉnh.

Trong thời gian tới, các cấp, ngành, địa phương, đơn vị sẽ tiếp tục quán triệt nâng cao nhận thức và xác định rõ tầm quan trọng của công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động là góp phần quyết định nâng cao chất lượng lao động, tăng thu nhập, quyết định trực tiếp đến việc thoát nghèo của hộ nghèo và thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh trong những năm tới (mỗi hộ nghèo được kết nối việc làm thành công là hộ có điều kiện thoát nghèo), góp phần nâng cao năng suất lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp và thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển KTXH trên địa bàn tỉnh.

Đẩy mạnh công tác truyền thông về giáo dục nghề nghiệp nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, địa phương, doanh nghiệp, người lao động và của toàn xã hội về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của của giáo dục nghề nghiệp và kỹ năng lao động, góp phần nâng cao chất lượng lao động, cung ứng nhân lực có kỹ năng nghề phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, góp phần giải quyết việc làm, giảm nghèo, thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh. Nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo của các cơ sở sở giáo dục nghề nghiệp, đặc biệt là các trường cao đẳng, trường trung cấp; nâng cao hiệu quả hoạt động của các trung tâm giáo dục nghề nghiệp và GDTX cấp huyện; Gắn kết chặt chẽ giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động. Tăng cường phối hợp giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp. Triển khai thực hiện cơ chế hợp tác giữa 03 nhà “Nhà nước - Nhà trường - Nhà doanh nghiệp. Triển khai các chính sách khuyến khích, thúc đẩy người sử dụng lao động tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

 

Ban Biên tập