Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Lục Yên: Nỗ lực giải quyết việc làm cho lao động nông thôn

15/09/2017 15:10:00 Xem cỡ chữ
CTTĐT - Theo khảo sát nhu cầu học nghề của lao động nông thôn những năm gần đây, hàng năm, trên địa bàn huyện Lục Yên có trên 2.000 lao động nông thôn thiếu việc làm, trong đó lĩnh vực nông nghiệp 85%, nghề phi nông nghiệp 15%.

Lục Yên nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Xác định công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn có ý nghĩa quan trọng đối với việc phát triển kinh tế- xã hội ở địa phương, thời gian qua Phòng Lao động Thương binh và Xã hội huyện Lục Yên đã tích cực tham mưu với UBND huyện triển khai tổ chức mở các lớp dạy nghề, đào tạo nghề cho người dân tại các xã, thị trấn trong huyện, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn được xác định là một trong những giải pháp căn bản trong công tác giảm nghèo, chuyển đổi cơ cấu lao động nông thôn.

Hiện Trường Trung cấp Nghề huyện Lục Yên đang thực hiện đào tạo 13 nghề, trong đó có 6 nghề phi nông nghiệp gồm: kỹ thuật xây dựng, may công nghiệp, kỹ thuật gò hàn, sửa chữa máy nông cụ, chạm khắc đá, sản xuất tranh đá quý; 7 nghề nông nghiệp gồm: kỹ thuật trồng ngô, kỹ thuật trồng nấm, nuôi cá nước ngọt, chăn nuôi thú y, chăn nuôi lợn, quản lý và phát triển trang trại, sản xuất rau an toàn. 

Để tăng cường công tác dạy nghề và giải quyết việc làm cho người lao động, Trường đã xây dựng nhiều mô hình dạy nghề tại địa bàn các xã, nơi có đông lao động có nhu cầu học nghề như mở các lớp chăn nuôi thú y, khuyến nông, khuyến lâm, sản xuất rau an toàn… tại các địa phương. Từ đầu năm 2016 đến nay, nhà trường đã tổ chức được 17 lớp nghề về chăn nuôi thú y, nuôi cá nước ngọt, kỹ thuật trồng nấm, kỹ thuật xây dựng cho tổng số gần 500 lao động ở nông thôn…qua đánh giá chất lượng đào tạo dạy nghề luôn được duy trì ổn định. Ông Nông Ngọc Ánh - Hiệu trưởng trường Trung cấp nghề Lục Yên cho biết: “Được sự quan tâm của tỉnh, huyện nên hàng năm công tác đào tạo nghề theo Quyết định 1956 của trường luôn được duy trì thường xuyên, nhà trường đã liên kết với các trung tâm đào tạo nghề lớn trong và ngoài huyện, mời chuyên gia trong các lĩnh vực tham gia giảng dạy; người dân sau khi học nghề tiếp tục được hỗ trợ vay vốn, kỹ thuật sản xuất và tìm đầu ra sản phẩm… nhờ đó mà chất lượng đào tạo luôn được bảo đảm, học viên sau khi tốt nghiệp có thể tìm được việc làm phù hợp, nâng cao thu nhập cho bản thân và gia đình, góp phần phát triển kinh tế - xã hội cho quê hương.”

Bên cạnh đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho giáo viên cũng được đặc biệt quan tâm chú trọng. Trường đã tăng cường công tác dự giờ, thăm lớp, kiểm tra hồ sơ giáo án, phát động các phong trào thi đua, động viên khuyến khích giáo viên tìm tòi sáng tạo, xây dựng những giờ giảng, giờ học chuẩn chất lượng để các tổ, các khoa, các lớp học tập và nhân rộng ra toàn trường. Các lớp dạy nghề ngày càng được nâng cao về chất lượng. Tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo có việc làm không ngừng được nâng lên.

Từ năm 2010 đến nay, Trường đã đào tạo nghề theo Quyết định số 1956 cho 4.928 người, trong đó nhóm nghề nông nghiệp là 3.445 người, chiếm 69,9% và nghề phi nông nghiệp 1.483 người, chiếm 30,1%. Các đối tượng học nghề thuộc nhóm đối tượng được hưởng chính sách ưu đãi, người có công với cách mạng, dân tộc thiểu số, hộ nghèo, người bị thu hồi đất canh tác, người tàn tật và nhóm 2 thuộc đối tượng hộ cận nghèo và lao động nông thôn khác. Số lao động sau khi học nghề nông nghiệp 100% có việc làm và thu nhập ổn định; nghề phi nông nghiệp có trên 60% lao động tìm được việc làm với mức thu nhập trung bình 5 triệu đồng/người/tháng. 

Từ đầu năm 2016 nay đến nay, toàn huyện Lục Yên có trên 4.400 lao động được giải quyết việc làm mới ở các lĩnh vực: xuất khẩu lao động; đi làm tại các tỉnh trong nước; từ phát triển kinh tế, xã hội; từ vay vốn Quỹ quốc gia giải quyết việc làm… Cùng với đó, huyện đã tuyển sinh đào tạo nghề cho gần 900 học viên thuộc các xã trong huyện theo Quyết định 1956 như: chăn nuôi thú y, xây dựng, kỹ thuật trồng nấm, may mặc…

Bà Hoàng Thị Thủy - Trưởng phòng Lao động Thương binh và Xã hội huyện Lục Yên cho biết: “Hiện nay huyện Lục Yên đang tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo nghề nông thôn, trong đó chú trọng phát triển mở thêm các ngành nghề mới phù hợp với điều kiện phát triển của huyện để khai thác có hiệu quả tiềm năng sẵn có của địa phương, nhằm thúc đẩy sự nghiệp phát triển của huyện nhà trong chặng đường mới….Mục tiêu, phấn đấu đến năm 2020 sẽ đào tạo nghề cho 3.000 lao động gồm: 2.400 lao động người dân tộc thiểu số, 300 lao động thuộc hộ cận nghèo và 300 lao động nông thôn khác”.

Ban Biên tập