Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Giải quyết việc làm nhờ đào tạo đúng

27/10/2017 09:36:00 Xem cỡ chữ
CTTĐT - Xác định đào tạo nghề đúng sẽ giải quyết việc làm cho người lao động, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, thời gian qua, tỉnh Yên Bái đã chú trọng công tác đào tạo nghề với nhiều giải pháp thiết thực.

Nghề trồng dâu nuôi tằm mang lại thu nhập cao cho người dân Trấn Yên

Để nâng cao chất lượng dạy nghề, hàng năm toàn tỉnh đều tổ chức rà soát, thống kê nhu cầu đào tạo nghề cho lao động nông thôn để xây dựng kế hoạch đào tạo cho phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế xã hội ở từng địa phương. Nhờ vậy, tỷ lệ lao động qua đào tạo có việc làm tại địa phương, năm nào cũng ở mức khá cao từ 80-90%. Sau 7 năm triển khai chương trình dạy nghề cho nông dân, 45% số lao động ở Yên Bái đã được đào tạo nghề. Nhờ đó, nhiều bà con nông dân đã vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng.

Văn Chấn là một trong ít huyện trong tỉnh làm tốt công tác dạy nghề nông thôn ở tỉnh Yên Bái. Theo báo cáo của Phòng Lao động Thương binh và xã hội huyện Văn Chấn, 6 năm qua, toàn huyện đã dạy nghề và giải quyết việc làm theo Quyết định 1956 gần 4.000 lao động. Mỗi năm có 150 - 200 người được xuất khẩu lao động, giảm tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thị trấn xuống còn 0,6%, nâng tỷ lệ sử dụng thời gian lao động nông thôn lên 78%.

Để kết quả dạy nghề đạt kết quả tốt và đáp ứng với nhu cầu việc làm của người dân địa phương, huyện đã tổ chức điều tra khảo sát nhu cầu học nghề tại 31/31 xã, thị trấn của huyện. Theo đó, số lao động có nhu cầu học nghề hàng năm trên 3.300 người, trong đó nhóm nghề nông nghiệp trên 2.000 lao động, phi nông nghiệp trên 1.300 lao động. Trên cơ sở đó, huyện Văn Chấn đã tập trung đào tạo 17 nghề cho lao động nông thôn. Với khoảng 3.000 lao động được đào tạo nghề, mỗi năm Văn Chấn đã đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn huyện từ 20% năm 2011 lên gần 40% năm 2016, giải quyết việc làm  cho 70 - 80% lao động sau học nghề. Từ đó, tạo điều kiện tốt để thực hiện chương trình giảm nghèo, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm từ 38,97% năm 2011 giảm xuống còn 26,97% năm 2016.

Sau 7 năm thực hiện đề án 1956 về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tỉnh Yên Bái đã mở được trên 1.330 lớp đào tạo nghề cho gàn 38 nghìn lao động nông thôn, trong đó có trên 33 nghìn lượt người được hỗ trợ đào tạo 36 nghề. So với mục tiêu của đề án, tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm sau học nghề là 88%, các học viên sau khi học nghề đã áp dụng kiến thức vào sản xuất góp phần nâng cao cây trồng, vật nuôi, tăng thu nhập. Sau khi học nghề theo đề án 1956 đã có trên 1800 lượt người được các doanh nghiệp tuyển dụng, gần 2 nghìn lượt người được doanh nghiệp, đơn vị bao tiêu sản phẩm, gân 30 nghìn người tự tạo việc làm, 350 lượt người thành lập hợp tác xã; 868 lượt người thuộc hộ thoát nghèo, 4 nghìn lượt người thuộc diện có thu nhập khá sau 1 năm học nghề.

Ông Vũ Lê Thành Anh - Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội cho biết: "Đào tạo nghề không chỉ giúp giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập mà còn góp phần thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới, do đó thời gian tới, ngành Lao động sẽ tham mưu cho UBND tỉnh để lựa chọn ngành nghề đào tạo cho phù hợp với điều kiện thực tế, mục tiêu phát triển kinh tế của địa phương, tham mưu chỉ đạo đặt hàng dạy nghề, chỉ đạo cơ sở giáo dục nghề nghiệp phối hợp với cơ sở sản xuất kinh doanh để khảo sát nhu cầu đào tạo để giúp các đối tượng có việc làm."

 

Ban Biên tập