Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Bất cập trong chính sách quản lý hoạt động xuất khẩu lao động

21/08/2017 05:58:00 Xem cỡ chữ
CTTĐT - XKLĐ đóng vai trò to lớn trong quá trình triển khai thực hiện chương trình mục tiêu giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững bởi thông qua XKLĐ, người dân có điều kiện tăng thu nhập, nâng cao trình độ nghề nghiệp và được giáo dục tác phong lao động công nghiệp. Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay, vẫn có những hành vi phổ biến vi phạm nghiêm trọng Pháp luật đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài mà chưa đủ chế tài xử lý, răn đe.

Khu sinh sống giành cho lao động Việt Nam tại Hàn Quốc.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, một trong những hành vi phổ biến vi phạm nghiêm trọng Pháp luật đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài đó là các Doanh nghiệp chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài (Giấy phép xuất khẩu lao động) nhưng họ (Các công ty, doanh nghiệp) vẫn tổ chức đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.
Các Doanh nghiệp này đã vi phạm Điều 8 Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng của Quốc hội số 72/2006/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2006, theo đó Điều 8 quy định: “Hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện; Doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài  phải có vốn pháp định theo quy định của Chính phủ và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; Doanh nghiệp được cấp Giấy phép phải trực tiếp tổ chức hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài”.

Thực tế, có rất nhiều lao động, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, ít thông tin, ít hiểu biết thì đành im lặng chịu thiệt? Thậm chí, nhiều lao động còn không hề biết mình bị chính doanh nghiệp lừa gạt!

Ngày 22/08/2013 Chính phủ ban hành Nghị định số 95/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Tại Điều 34 của Nghị định 95/2013/NĐ-CP quy định về hành vi vi phạm và mức xử phạt đối với những hành vi vi phạm quy định về tổ chức đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài và quản lý người lao động ở ngoài nước. Tuy nhiên, trong Điều 34 này lại không quy định về việc xử phạt đối với hành vi của Doanh nghiệp tổ chức đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy phép xuất khẩu lao động.

Tại Điều 25 Nghị định 155/2013/NĐ-CP ngày 11/11/2013 của Chính phủ quy định đối với hành vi vi phạm về việc kinh doanh ngành, nghề không có trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, theo đó hành vi kinh doanh ngành, nghề không có trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp bị phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

Với những quy định và mức xử phạt như vậy là còn quá thấp, không đủ sức răn đe đối với các doanh nghiệp vi phạm, hơn nữa mức lợi nhuận đem lại cho các doanh nghiệp về việc Xuất khẩu lao động là rất lớn.

Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng đã đề nghị người lao động có thể liên hệ với Cục Quản lý lao động ngoài nước theo số điện thoại 043.8249517 (bấm tiếp số máy lẻ 511, 601, 312 hoặc 302) hoặc Trung tâm Lao động ngoài nước (thuộc Bộ LĐTB-XH) số máy 043.7346093, số máy lẻ 97, Văn phòng Hỗ trợ lao động ngoài nước số máy 043.9366633 để có những thông tin chính thống, tránh bị lừa gạt.

Ngoài ra, có thể liên lạc thông qua các Sở LĐTB-XH tại các địa phương, các trung tâm giới thiệu việc làm địa phương do Sở LĐTB-XH quản lý.

Thiết nghĩ, để thị trường XKLĐ phát triển bền vững và bảo đảm lành mạnh, nâng cao hiệu quả của hoạt động XKLĐ các ngành chức năng đẩy mạnh hoạt động thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp làm công tác XKLĐ, các cơ sở giới thiệu việc làm, tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước trên từng địa bàn, kiên quyết loại trừ các doanh nghiệp, cá nhân không đủ điều kiện, thiếu thủ tục pháp nhân hoạt động giới thiệu việc làm và XKLĐ. Đặc biệt, nâng cao mức phạt vi pháp hành chính đối với hành vi hoạt động xuất khẩu lao động khi chưa được cơ quan chức năng cấp phép lên khoảng 200.000.000 để đủ sức răn đe với hành vi vi phạm./.

Ban Biên tập