Thị xã Nghĩa Lộ xác định, đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài là một trong những nhiệm vụ quan trọng, góp phần phát huy nguồn lực về lao động, tạo việc làm và thu nhập bền vững cho người lao động, nâng cao nhận thức và trình độ cho người lao động, đặc biệt là lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, lao động là người dân tộc thiểu số, lao động bị thu hồi đất… góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững trên địa bàn.
Từ năm 2020 đến nay, toàn thị xã đã có 301 lao động được đưa đi làm việc ở nước ngoài, tập trung vào các thị trường: Nhật Bản, Qatar, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc),… Riêng năm 2024, có 131 lao động đi làm việc ở nước ngoài, tăng 122% so với năm 2023, đánh dấu số lượng lao động xuất khẩu cao nhất từ trước đến nay cũng với các thị trường nói trên… Trong đó, các địa phương như: Phúc Sơn, Hạnh Sơn, Phù Nham có số người đi lao động xuất khẩu cao.
Năm 2024, HĐND tỉnh Yên Bái ban hành nghị quyết về quy định một số chính sách hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài và học sinh, sinh viên tham gia chương trình hợp tác đào tạo giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh với các trường cao đẳng, đại học nước ngoài, giai đoạn 2024-2026 trên địa bàn tỉnh Yên Bái. UBND tỉnh đã cụ thể hóa bằng Đề án đưa lao động tỉnh Yên Bái đi làm việc ở nước ngoài giai đoạn 2024 - 2030. Mặc dù chính sách, đề án của tỉnh mới thực hiện từ tháng 7/2024, song đến nay thị xã đã có 81/80 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, vượt kế hoạch đề ra.
Bên cạnh những kết quả đạt được, khó khăn hiện nay trong công tác xuất khẩu lao động của thị xã là lao động đi làm việc ở nước ngoài trên địa bàn chủ yếu là lao động nông thôn, lao động phổ thông; trình độ của đa số lao động có nhu cầu còn hạn chế; vì vậy, chưa có nhiều cơ hội đi làm việc vào thị trường các nước đòi hỏi trình độ tay nghề cao, đi cùng đó là thu nhập cao. Ngoài ra, nhiều lao động trình độ ngoại ngữ, hiểu biết pháp luật của Việt Nam, pháp luật, phong tục, tập quán của nước đến làm việc còn hạn chế, dẫn đến vẫn còn lao động vi phạm hợp đồng, cư trú bất hợp pháp và vi phạm pháp luật ở nước sở tại. Thực tế cho thấy số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài trong những năm qua cũng chưa tương xứng với nguồn nhân lực và nhu cầu của người lao động.
Nguyên nhân do một bộ phận không nhỏ thanh niên có tâm lý ngại xa nhà, thói quen và phong cách làm việc theo tác phong công nghiệp còn kém nên chưa mạnh dạn đăng ký tham gia xuất khẩu lao động. Thứ nữa, lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng hầu hết điều kiện kinh tế khó khăn, do vậy khi đi đều phải vay vốn từ ngân hàng để trang trải các khoản chi phí. Một số doanh nghiệp đến tuyển dụng lao động tại địa phương chưa làm tốt công tác phối hợp thông tin và trao đổi với cơ quan chuyên môn và các xã, phường cũng gây khó khăn cho chính quyền địa phương trong việc nắm bắt thông tin về kết quả đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Để hoàn thành chỉ tiêu đưa 800 người đi xuất khẩu lao động theo Đề án của tỉnh, trong thời gian tới thị xã Nghĩa Lộ tiếp tục huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; giao chỉ tiêu xuất khẩu lao động hàng năm trong Chương trình hành động của Thị ủy, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của UBND thị xã.
Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, tổ chức đoàn thể chính trị xã hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật, hiệu quả của công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài phù hợp với từng nhóm đối tượng; tập trung chú trọng đào tạo kỹ năng nghề, ngoại ngữ và giáo dục ý thức pháp luật cho người lao động.Việc nâng cao trình độ chuyên môn sẽ giúp lao động cạnh tranh tốt hơn tại các thị trường có yêu cầu cao, từ đó tăng tỉ lệ thành công trong xuất khẩu lao động.
Thường xuyên phối hợp tổ chức các phiên giao dịch việc làm, hội nghị, hội thảo để thông tin đến người lao động những quy định của pháp luật, chính sách hỗ trợ đưa người lao động đi làm việc nước ngoài theo hợp đồng và các hợp đồng tuyển chọn lao động với sự tham gia của các cấp chính quyền, cơ sở đào tạo, doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài và người lao động; tăng cường kết nối với các các công ty, doanh nghiệp có uy tín để tìm kiếm, lựa chọn các chương trình tốt, phù hợp với người lao động của địa phương để tư vấn, giới thiệu người lao động tham gia.
Đồng thời, tập trung rà soát nguồn nhân lực lao động trên địa bàn từ 15 tuổi trở lên để xác định nhu cầu và phân bố lại lao động theo 2 nhóm, gồm: lao động phổ thông, thực tập sinh. Từ đó ban hành kế hoạch đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài của địa phương, đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu được giao cũng như dự báo được thị trường lao động đi xuất khẩu trong các năm tiếp theo.
Cùng với đó, tăng cường công tác quản lý đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài; công tác quản lý, kiểm tra, giám sát đối với các doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị trong việc chấp hành pháp luật về tổ chức đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng về điều kiện hoạt động, tuyển chọn lao động, thu phí, quản lý, đảm bảo quyền và lợi ích cho người lao động khi tham gia làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Thanh Bình