Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Người Mông vui đón Tết

25/08/2016 15:45:00 Xem cỡ chữ

Trong sắc hoa đào, hoa mai nở rực rỡ trên những triền núi, đem theo không khí rộn ràng của mùa xuân đến với những bản làng người Mông vùng cao Tây Bắc nói chung, đồng bào dân tộc Mông tỉnh Yên Bái nói riêng. Hiểu được chính sách của Đảng và Nhà nước trong việc thực hiện nếp sống mới, đồng bào dân tộc Mông tỉnh Yên Bái đã đồng lòng ăn chung một Tết Nguyên đán với đồng bào cả nước nhưng họ vẫn giữ được những nét văn hóa đặc trưng vốn có của dân tộc mình.

Khèn Bè nét văn hóa truyền thống đặc trưng của dân tộc Mông.

Người Mông Yên Bái sống trên các triền núi cao, cư trú ở 40 xã thuộc 05 huyện nhưng tập trung chủ yếu ở hai huyện Mù Cang Chải và Trạm Tấu. Với đồng bào nơi đây, Tết vô cùng ý nghĩa bởi đó là ngày gia đình đoàn viên, là dịp nghỉ ngơi sau những ngày dài lao động hăng say, vất vả. Để chuẩn bị cho ngày Tết, các thành viên trong gia đình, nhất là phụ nữ, miệt mài trên đôi tay khéo léo của mình, hoàn thiện nốt đường thêu, nút chỉ trên bộ váy, áo mới để người lớn và các em nhỏ có áo diện Tết, người già chuẩn bị vuông vải đỏ để treo ngang cửa chính, cắt giấy đỏ gián giữa cột nhà và các vật dụng, dụng cụ. Trên cánh cửa chính các gia đình người Mông dán lá bùa, từ cửa chính bên trong nhà được mắc sáu sợi dây lên tới đỉnh nóc nhà và từ đó kéo thẳng xuống bàn thờ. Người Mông quan niệm sáu sợi dây đó là đường tổ tiên về nhà cùng con cháu vui tết và phát lộc cho gia đình, dòng họ, các thần về phù hộ cho toàn thể gia đình mọi điều tốt lành, điều xấu thì bị đuổi đi.

Nếu như người Kinh và một vài dân tộc khác, ngày Tết không thể thiếu bánh chưng thì với người Mông ngày tết không thể thiếu bánh dầy. Bánh dày thể hiện sự công phu của những con người quanh năm gắn bó với ruộng nương, gói ghém những ước vọng về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Với người Mông bánh dầy tròn tượng trưng cho mặt Trăng và mặt Trời- là nguồn gốc sinh ra con người và vạn vật trên mặt đất. Bánh dầy để cúng ma nhà và cúng “Ntù” (Trời). Dịp Tết, nhà nào cũng cố gắng gói thật nhiều bánh, vừa để gia đình ăn, vừa để tiếp khách và biếu họ hàng. Không khí cả gia đình quây quần cùng nhau sửa soạn gói bánh thật tưng bừng và náo nhiệt. Ai ai cũng muốn chung tay để làm nên những chiếc bánh thơm ngon chào đón năm mới. Gạo nếp dùng gói bánh được giã trực tiếp từ thóc mà không qua xay xát. Thường phần giã gạo là do những thanh niên to khoẻ đảm nhiệm. Khi làm bánh, gạo được vò qua cho sạch rồi đồ chín bằng chõ gỗ. Khi đồ lửa phải đều thì xôi mới dẻo thơm. Khi xôi nếp chín đổ vào cối và giã ngay lúc còn nóng. Họ giã xôi cho đến khi dẻo quánh thành một khối rồi chia nhau nhanh tay nặn thành từng chiếc nhỏ, tròn trịa. Để tăng độ ngậy, bánh phải được thoa một chút mỡ và gói vào lá chuối đã hơ nóng. Nếu để lâu ngày bánh cứng thì đem nướng hoặc rán lên rồi chấm với mật. Bánh ăn rất ngon và đậm hương vị đặc trưng của đồng bào dân tộc.

Ngày Tết là dịp những người phụ nữ Mông trổ tài nấu rượu, làm bánh ngô. Nguyên liệu chính được dùng là từ ngô. Hương thơm của ngô kết hợp với một loại men đặc trưng cùng với bí quyết nấu rượu ngô từ nhiều đời nay của người Mông đã làm ra những chén rượu có hương vị thơm ngon, đậm đà. Những tiệc rượu ngô có thể kéo dài cả ngày bên bếp lửa ấm cúng.

Ngày 30 Tết, các gia đình người Mông mổ lợn, gà để cúng trời và cúng tổ tiên. Lòng gà luộc chín được buộc bằng sợi dây mầu hồng, một nhúm lông gà có tẩm tiết gà dán vào mảnh giấy cùng với những chiếc bánh dày, những chai rượu ngô sẽ được bày trang trọng trên mâm cỗ cúng tất niên, làm bài vị cúng. Buổi tối người Mông tổ chức cúng, cầu cho con cái, gia đình mạnh khỏe, lúa đầy nương, gạo đầy nhà, trâu bò lợn gà đầy sân rồi cùng nhau uống rượu, ôn lại những chuyện cũ. Ngày Tết, nhà nào trong bản cũng có rượu ngô được nấu từ trước Tết hàng tháng. Rượu nấu xong đựng vào chum lớn, chum bé, đậy bằng lá chuối rừng khô nên giữ được mùi thơm đặc biệt.

Người Mông cho rằng, trong những ngày Tết con người được nghỉ ngơi vui vẻ để đón xuân mới thì các vật dụng trong lao động sản xuất cũng phải được nghỉ, mọi đồ vật đều có hồn nên họ gián giấy được cắt hình răng cưa- giấy bùa vào tất cả các đồ vật, đó là hàng rào ngăn cản ma quỷ, ngăn ngừa mọi điều xấu. Theo những người dân bản địa, nhắc đến Tết của người Mông không thể không nhắc tới những điều cần kiêng kỵ. Mùng một Tết, người phụ nữ trong gia đình được dậy muộn nhưng không nên đi xông nhà hoặc nếu vào nhà người khác phải vào bằng cửa phụ. Ngày tết người Mông coi trọng lửa và luôn đỏ bếp trong những ngày Tết. Họ không ưa thích những ai thổi vào bếp nhà mình bởi theo quan niệm nếu có người thổi vào bếp hoặc làm tắt lửa thì năm tới cả gia đình họ sẽ gặp sóng gió, không may mắn, họ cũng kiêng cho lửa vì họ cho rằng cho lửa là cho tiền người khác, cho đi những điều may mắn.

Đặc biệt, trong những ngày Tết, không thể không nói đến lễ hội“Sải Sán” hay “Gầu tào” (Hội cầu phúc). Một gia đình trong bản, nếu hay đau ốm hoặc chậm có con thì mùng 2 đi dựng một cây Nêu lớn ở bãi cỏ đầu bản. Hội này tiếng là do một gia đình tổ chức (gia đình gọi là chủ nêu) nhưng thật ra đó là một lễ hội của cả cộng đồng, thậm chí khi bản này dựng cây nêu, người bản khác cũng đến dự hội. Hội “Gầu tào” nhằm tạ ơn tổ tiên đã phù hộ cho mùa màng tốt tươi, súc vật sinh sôi đầy đàn; cầu cho con cháu mạnh khỏe. Hội có các trò chơi mang đậm bản sắc như ném Pao, đánh quay, đẩy gậy, bắn nỏ, kéo co, thổi kèn môi, kèn lá, múa khèn… đây là phần hội chính thu hút hầu như mọi thành phần, lứa tuổi tham gia và kéo dài trong nhiều ngày. Những ngày vui Tết cũng là dịp để các đôi trai gái tìm hiểu nhau thông qua tiếng khèn và cuộc chơi ném Pao (Lảy Pao) trong ngày hội. Quả Pao có hình cầu, đường kính khoảng 5cm đến 7cm, bên trong được nhồi vải vụn, vải để khâu Pao được nhuộm chàm. Trong cuộc chơi, nam đứng một bên, nữ một bên. Cô gái ưng chàng trai nào thì ném quả Pao cho người đó, chàng trai ưng cô gái thì bắt lấy quả Pao. Qua hội ném Pao, nhiều đôi trai gái đã nên vợ nên chồng. Đây là Lễ hội lớn nhất của người Mông trong năm, thể hiện rõ nhất đặc trưng văn hóa của người Mông trong ngày tết.

Đến bản Mông trong thời gian này, bạn sẽ được say trong chất men ngọt lừ của ngụm rượu ngô thơm nồng, chếnh choáng trong men xuân ấm áp của đất trời, trong tiếng sáo, tiếng khèn mừng một năm mới ấm no, hạnh phúc...